Bước tiến mới trong Cải cách Hành chính và hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước

KBNN xác định hướng đi trong giai đoạn 2021 - 2030: Công nghệ thông tin là khâu đột phá, cải cách cơ chế, quy trình nghiệp vụ là nền tảng và chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt
KBNN xác định hướng đi trong giai đoạn 2021 - 2030: Công nghệ thông tin là khâu đột phá, cải cách cơ chế, quy trình nghiệp vụ là nền tảng và chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt
Với mục tiêu hướng đến nền hành chính phục vụ, lấy khách hàng làm trọng tâm, hệ thống KBNN đã triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp cải cách từ tổ chức bộ máy đến hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, an toàn và hiệu quả.

Nhờ đó, đã giúp giảm thiểu thời gian, thủ tục và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho các đơn vị dự toán ngân sách, chủ đầu tư và người dân trong quá trình giao dịch với các đơn vị trong hệ thống KBNN.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy

Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI và triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 04/NQ-BCSĐ ngày 30/3/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, hệ thống KBNN đã thực hiện 3 đợt rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy, kết quả cụ thể: Đợt 1 (ngày 01/10/2015), hệ thống KBNN đã cắt giảm được 123 cấp phòng thuộc KBNN cấp tỉnh và xóa bỏ trên 1.900 cấp tổ, đội tại KBNN cấp huyện. Cùng với đó, cắt giảm 246 vị trí lãnh đạo cấp phòng; gần 2.500 công chức lãnh đạo cấp tổ, đội không còn giữ chức danh lãnh đạo; đợt 2 (ngày 01/6/2018), hệ thống KBNN đã giải thể 43 Phòng Giao dịch (tương đương KBNN cấp huyện) thuộc KBNN tỉnh. Cùng với đó, hệ thống KBNN đã cắt giảm được 86 vị trí lãnh đạo KBNN cấp huyện; đợt 3 (ngày 01/10/ 2019), hệ thống KBNN tiếp tục cắt giảm 128 phòng tại KBNN cấp tỉnh; sáp nhập 15 KBNN cấp huyện và xóa bỏ 48 phòng của KBNN Quận trực thuộc KBNN Hà Nội và KBNN TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, đã cắt giảm được hơn 250 vị trí lãnh đạo cấp phòng, 40 vị trí lãnh đạo KBNN cấp huyện và gần 110 vị trí lãnh đạo cấp tổ (đội).

Theo đó, kết quả chung từ năm 2015 đến nay, về tổ chức bộ máy toàn hệ thống KBNN đã cắt giảm được 251 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh, cắt giảm 58 KBNN cấp huyện và giảm gần 2.000 cấp tổ thuộc KBNN cấp huyện. Về sắp xếp, bố trí cán bộ, KBNN đã cắt giảm được hơn 620 vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương; cắt giảm hơn 2.600 công chức lãnh đạo cấp tổ (đội).

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy để thu gọn những đầu mối trực thuộc không còn phù hợp với xu hướng cải cách hành chính, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, KBNN đang triển khai xây dựng Đề án thực hiện sắp xếp tổ chức KBNN theo khu vực liên huyện. Theo đó, năm 2020, KBNN sẽ rà soát sửa đổi, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai thực hiện sắp xếp KBNN cấp huyện về KBNN cấp tỉnh và sắp xếp KBNN theo khu vực liên huyện. Từ năm 2021, KBNN sẽ thực hiện kiện toàn bộ máy theo Đề án sắp xếp tổng thể các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã của Bộ Nội vụ.

Kết quả công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa

Thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 theo Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa KBNN đạt được một số kết quả quan trọng:

Tập trung cải cách thu, chi NSNN

Về thu NSNN: KBNN đã phối hợp với các đơn vị trong ngành Tài chính hoàn thành việc xây dựng và triển khai dự án “Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa Thuế - Hải quan - KBNN”; dự án tổ chức phối hợp thu NSNN giữa các cơ quan trong ngành Tài chính với các NHTM… Trên cơ sở đó, đã áp dụng các hình thức thu nộp NSNN văn minh, hiện đại như ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt qua NHTM, nộp NSNN qua Internet, ATM; đặc biệt đã mở rộng tài khoản chuyên thu tại tất cả NHTM và mở rộng thu qua điểm chấp nhận thẻ (POS),… Từ đó đã góp phần mở rộng thời gian, không gian thu NSNN; giảm thời gian thực hiện 01 giao dịch nộp NSNN rút xuống chỉ còn khoảng 5 phút/1 giao dịch (so với trước đây là khoảng 30 phút) và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN.

Về chi NSNN: KBNN tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa hồ sơ kiểm soát chi, rút ngắn thời gian kiểm soát chi rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư từ 07 ngày xuống còn 03 ngày làm việc. Đặc biệt, từ năm 2018, thực hiện kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán. Theo đó đã rút ngắn thời gian thanh toán xuống còn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ hồ sơ, chứng từ hợp pháp hợp lệ của đơn vị, từ đó, góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng NSNN và chủ đầu tư.

Hiện nay, KBNN đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN (dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm 2019), dự kiến quy định 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN. Trong đó, hiện nay có 07 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, 01 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 03 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức 2. Tính đến hết tháng 9/2019, đã có khoảng trên 44.000 đơn vị đăng ký tham gia sử dụng DVCTT. Số hồ sơ phát sinh trung bình hàng ngày từ 15.000 - 20.000 hồ sơ, ngày cao điểm từ 20.000 - 25.000 hồ sơ. Số chứng từ phát sinh trung bình hàng ngày từ 20.000 - 30.000 chứng từ, ngày cao điểm từ 30.000 - 40.000 chứng từ. Phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN có khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Về công tác cải cách quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN): Thực hiện quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, KBNN đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại ngân hàng, làm cơ sở cho việc điều hành NQNN tập trung, thống nhất; thực hiện việc dự báo luồng tiền và xây dựng phương án điều hành NQNN theo đúng quy định; điều hành NQNN tập trung, đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN; sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi để tạm ứng cho NSTW khi nguồn thu có khó khăn, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phát triển KTXH trọng điểm trên địa bàn; triển khai từng bước nghiệp vụ gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại các NHTM, bước đầu nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NQNN.

Về công tác kế toán NSNN và cung cấp báo cáo tình hình thu, chi NSNN cho chính quyền địa phương: Cùng với việc hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), Bộ Tài chính cũng đã xây dựng chế độ kế toán nhà nước thống nhất, dựa trên cơ sở kế toán tiền mặt điều chỉnh; đồng thời, hoàn thiện hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quản trị và phương pháp hạch toán kế toán áp dụng thống nhất cho cơ quan, đơn vị tham gia vào TABMIS. Từ đó, đảm bảo khả năng cung ứng thông tin đầy đủ, kịp thời, phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành NSNN của cơ quan tài chính và chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó, thực hiện Luật Kế toán năm 2015 và Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 về báo cáo tài chính nhà nước, KBNN cũng đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để lập và trình Quốc hội phê chuẩn Báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên vào tháng 5/2020 (đối với Báo cáo tài chính nhà nước năm 2018). Dự kiến sau khi triển khai, báo cáo tài chính nhà nước sẽ giúp Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ thông tin để đánh giá về hiệu quả  điều hành NSNN và kết quả hoạt động thu chi NSNN hàng năm, thông tin về tổng tài sản, tổng nghĩa vụ phải trả của Nhà nước,... phục vụ tốt cho quá trình quản lý, điều hành của mình.

Đối với công tác quyết toán NSNN: Theo Quyết định số 26/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính, KBNN được giao thực hiện tổng hợp lập báo cáo quyết toán NSNN từ năm ngân sách 2014. Sau gần 4 năm thực hiện, báo cáo quyết toán NSNN đã được Quốc hội đánh giá là đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định và được phê chuẩn với tỷ lệ tán thành cao, đặc biệt từ năm 2015 luôn đạt trên 90% (tỷ lệ tán thành tại các Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015, 2016 và 2017 lần lượt là 92,46%; 95,48% và 91,53%).

Về công nghệ thông tin (CNTT): KBNN đã xây dựng hệ thống thanh toán KBNN trên nền tảng CNTT hiện đại, cụ thể hoàn thành triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng, điện tử song phương và bù trừ điện tử, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thanh toán nhanh chóng, chính xác và an toàn; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết kiệm chi phí thanh toán. Hiện đại hoá hệ thống thông tin trên cơ sở xây dựng hệ thống TABMIS làm xương sống cho hệ thống thông tin KBNN. Phát triển hàng loạt các ứng dụng khác của KBNN theo hướng tập trung, trực tuyến và tích hợp với TABMIS như hệ thống trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong ngành Tài chính (TCS), hệ thống thanh toán điện tử liên Kho bạc... Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT đã góp phần quan trọng vào việc quản lý nội vụ hệ thống KBNN như quản lý tài chính nội bộ, quản lý nhân sự, quản lý văn phòng,...

Về công tác thanh tra chuyên ngành: Thực hiện Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ và Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, KBNN đã kiện toàn tổ chức bộ máy kiểm tra, thanh tra của KBNN để vừa thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra trong nội bộ hệ thống, vừa thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành KBNN tại các đơn vị sử dụng NSNN. Thông qua đó, một mặt thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm chính sách chế độ, đảm bảo sự phát triển an toàn, ổn định và vững chắc của KBNN. Mặt khác, nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính trong chấp hành các chính sách chế độ về sử dụng kinh phí NSNN tại các đơn vị.

Một số định hướng phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030

Trong bối cảnh Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đang tập trung nguồn lực cho việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, chiến lược phát triển của từng Bộ, ngành, địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước cũng như chiến lược phát triển riêng của từng Bộ, ngành, địa phương cho giai đoạn tiếp theo, theo xu hướng chung của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế, KBNN cũng xác định hướng đi trong giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với 03 trụ cột phát triển chính: (i) Tổ chức bộ máy thống nhất theo mô hình kho bạc khu vực, hướng tới mô hình kho bạc 02 cấp (cấp điều hành và cấp thực hiện) để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của KBNN trong hệ thống quản lý tài chính công (quản lý quỹ NSNN; quản lý NQNN và huy động vốn cho NSNN; Tổng KTNN;...); (ii) Nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc (các dịch vụ KBNN đã, đang và sẽ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng ngân sách, các đơn vị giao dịch với KBNN, các cơ quan quản lý và các cấp chính quyền trong quá trình phục vụ quản lý quỹ NSNN, quản lý tài khoản, quản lý ngân quỹ và huy động vốn, kế toán và báo cáo,…), góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ; (iii) Đến năm 2030, toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại, có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan để hướng tới hình thành “kho bạc số”. Trong đó, một số định hướng cải cách chính như sau:

Một là, gắn kết chặt chẽ các khâu của quá trình phân bổ, thực hiện, quyết toán NSNN trên cơ sở liên thông dữ liệu điện tử; hoàn thiện cơ chế kiểm soát cam kết chi, kiểm soát chi nhằm củng cố quy trình chi tiêu ngân sách qua các khâu, vừa nâng cao hiệu quả quản lý tài chính - ngân sách, vừa góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia.

Hai là, nâng cao tính hiệu quả, chủ động của công tác quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn; qua đó, tối ưu chi phí liên quan đến phát hành và vay nợ của Chính phủ.

Ba là, xây dựng một bộ sổ cái chung cho Chính phủ nhằm cải thiện tính minh bạch của thông tin, dữ liệu và rút ngắn thời gian lập báo cáo quyết toán NSNN và báo cáo tài chính nhà nước.

Bốn là, hình thành cơ sở dữ liệu tập trung và kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan; xây dựng và hoàn thiện nền tảng kho bạc số, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ của KBNN; phát triển kho bạc số dựa trên công nghệ kỹ thuật số; đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin.

Năm là, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và hiện đại hóa tổ chức bộ máy KBNN theo mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 02 cấp và phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.