Nạn nhân Pearl Mali, một cô gái trẻ 21 tuổi, hiện đang làm tình nguyện viên của Free Gender - một tổ chức bảo vệ quyền lợi của những người đồng tính và giúp đỡ nạn nhân bị hiếp dâm "khắc phục" giới tính. Pearl Mali kể lại rằng, cô bị cưỡng hiếp năm mới 12 tuổi. Mẹ của Pearl Mali nghi ngờ con gái mình bị đồng tính nữ vì thường xuyên ăn mặc, để tóc theo phong cách "tomboy".
Một hôm, bà về nhà từ nhà thờ cùng với một người đàn ông đã có tuổi. Pearl Mali không hay biết chuyện gì sắp xảy ra. "Có liên quan đến vấn đề tiền bạc", mẹ cô nói và nhắc cô lên phòng ngủ. "Mẹ nói, nếu tôi làm gì sai tôi sẽ phải nhịn ăn trưa ngày hôm sau", Pearl Mali kể lại. "Người đàn ông bước vào phòng ngủ của tôi và khóa cửa lại. Khi đó, tôi đang nằm trên giường trong bộ đồ ngủ. Ông ấy khen tôi ngày càng phổng phao và xinh đẹp. Ông ấy nói muốn ngủ với tôi, tôi hét lên, ông ấy tát vào mặt tôi và quát lớn. Ông ta đánh tôi, cởi quần áo và hãm hiếp tôi. Sáng hôm sau, tôi nói với mẹ nhưng bà không có bất cứ phản ứng gì"…
Pearl nhiều lần trình báo cảnh sát nhưng chỉ nhận được những điệu cười nhạo báng. "Lần hiếp dâm gần đây nhất là khi nào?" họ hỏi tôi. "Tuần trước", tôi trả lời. "Vậy hy vọng, bản năng phụ nữ của cô sẽ sớm quay trở lại". Pearl mang thai năm 16 tuổi với người đàn ông đã hãm hiếp mình. Mẹ cô đã đưa cậu bé 7 tháng tuổi đi nơi khác vì lý do Pearl vẫn "chưa hết" đồng tính khi nhiều lần không chấp nhận quan hệ tình dục với cha đứa trẻ. Mẹ cô tin rằng, nếu sống với Pearl, thằng bé "sẽ bị lây đồng tính". Pearl nộp đơn lên tòa án giành quyền nuôi con nhưng ba năm sau đó, việc cô được làm duy nhất là đến thăm con trai vào cuối tuần. "Tôi thường ngủ dưới gầm cầu, không ăn uống gì, chỉ biết khóc, tôi uống rượu và tìm đến cái chết nhưng không thành", Pearl nói.
Thông đồng với những người trong gia đình để hiếp dâm "khắc phục" giới tính là hiện tượng khá phổ biến ở Nam Phi. Simphiwe Thandeka ở Pietermaritzburg bị cưỡng hiếp năm 13 tuổi. "Một người đàn ông có mối quan hệ với gia đình hỏi tôi, sao lại ăn mặc như con trai rồi hãm hiếp tôi ngay trên giường. Ông ấy nói với tôi là hãy giữ im lặng. Vào thời điểm đó, tôi thậm chí không biết mình đã bị hiếp dâm", Simphiwe Thandeka kể lại. Simphiwe Thandeka đã nói với mẹ vào ngày hôm sau vì bị chảy máu rất nhiều, mẹ cô trả lời rằng, "đó là vấn đề của gia đình". Người đàn ông cưỡng hiếp Simphiwe Thandeka bị nhiễm HIV và cô chỉ phát hiện ra mình nhiễm virus chết người này ba năm sau khi mang thai với một người đàn ông khác. Đứa con đầu tiên ra đời, Simphiwe đặt tên là "Happiness". "Blessing", đứa con thứ hai của Simphiwe ra đời sau khi cô bị một người đàn ông ở địa phương muốn chứng minh rằng, "Simphiwe là một người phụ nữ đích thực, không phải đàn ông như đồn đại".
Theo khảo sát của CIET, một tổ chức phi chính phủ về phòng chống bạo lực thì 20% đàn ông Nam Phi thừa nhận có hành vi lạm dụng phụ nữ. Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi thì ¼ nam giới ở tỉnh Eastern Cape, khi được hỏi, nặc danh thừa nhận đã cưỡng hiếp phụ nữ ít nhất một lần; ¾ trong số họ cho biết, nạn nhân dưới 20 tuổi; 1/10 cho biết nạn nhân dưới 10 tuổi; ¼ nam sinh ở Soweto liên tục nhắc đến từ "jackrolling" - thuật ngữ địa phương để nói về hãm hiếp rất "vui vẻ".
Theo các chuyên gia, sự bùng nổ nạn hiếp dâm ở Nam Phi có nguyên nhân từ quan niệm hiếp dâm để chữa đồng tính. Hiếp dâm để "khắc phục" lệch chuẩn giới tính là thuật ngữ xuất hiện ở Nam Phi vào đầu những năm 2000 khi nhiều vụ tấn công phụ nữ xảy ra và đến tận bây giờ, làn sóng này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. "Nếu không muốn bị đồng tính, những người đồng tính nữ phải bị hãm hiếp. Đàn ông phải nam tính, phụ nữ phải là phụ nữ và phải sẵn sàng cho quan hệ tình dục ", một người đàn ông vừa nói, vừa cười để tạo dáng trước ống kính phóng viên tờ Independent (Anh). "Họ phải bị hãm hiếp để hành vi đồng tính nam và đồng tính nữ không thể tồn tại", một người khác nói thêm vào. Người đàn ông thứ ba lên tiếng, chỉ hai ngón tay vào thái dương và kết luận "gay hay les phải được kết thúc bằng quan hệ tình dục"