'Mẹ ơi, con là người đồng tính'

'Mẹ ơi, con là người đồng tính'
Tôi sinh ra trong gia đình đầy đủ ba mẹ, anh chị em, nhưng gia đình tôi trải qua nhiều biến cố và không hạnh phúc. 17 tuổi, tôi viết tâm thư cho mẹ: “Mẹ ơi, con là người đồng tính”.
Huỳnh Chí Dũng và mẹ
Huỳnh Chí Dũng và mẹ.

Mẹ đọc thư, gọi điện thoại cho tôi nhưng không nói gì về việc đó, chỉ dặn dò tôi ở Sài Gòn lo giữ sức khỏe và chăm học. Mẹ không biết rằng hôm trước tôi đã cố gắng tự giết bản thân mình bằng thuốc ngủ, nhưng may mắn còn sống để báo tin cho mẹ tôi vừa đậu thủ khoa, sẽ được nhận học bổng của trường.

Những ngày sau đó là chuỗi thời gian tôi hạnh phúc trong đau đớn. Hạnh phúc vì dám sống thật, đau đớn vì những cay đắng mà tôi phải chịu khi nói ra bí mật của mình.

Hàng xóm, bà con cười nhạo gia đình tôi: “chắc cái gia đình đó ăn ở thất đức lắm nên có đứa con là pê đê”. Anh chị em trong gia đình cũng hay mang chuyện tôi là pê đê ra để làm trò cười.

Đến bữa cơm, tôi ăn riêng như một người xa lạ, không thuộc về gia đình. Tôi cũng uống nước bằng ly riêng. Có lần mẹ đánh vào tay em gái tôi vì tội nó lấy ly của tôi để uống nước. Cái ly rớt xuống vỡ tan tành. Những mảnh vỡ như cắt vào tâm can tôi. Tôi cố ngăn mình không được khóc, cố ngăn những suy nghĩ về cách đối xử cay đắng của những người thân thương nhất.

Mẹ không chấp nhận được chuyện tôi là người đồng tính. “Nếu mày quen con trai thì đừng bao giờ dẫn về nhà. Còn mày mà giả gái thì tao tống cổ mày ra đường luôn. Mày muốn sống sao thì sống. Nhà này không chứa thứ bệnh hoạn!”.

Tôi chỉ biết chạy, chạy thật xa, tới một nơi chỉ có tôi. Cô độc. Lặng lẽ. Khóc. Pê đê trong suy nghĩ của tôi là biến thái, là một căn bệnh vô cùng khủng khiếp...

Huỳnh Chí Dũng hiện nay (trái)
Huỳnh Chí Dũng hiện nay (trái).

Tôi luôn tin vào điều kỳ diệu, nhưng không thể ngồi chờ điều kỳ diệu xảy đến với mình. Tôi tích cực tham gia công tác xã hội. Tôi cũng thường xuyên cập nhật kiến thức về đồng tính. Tôi tự thuyết phục bản thân rằng “đồng tính không phải là bệnh”.

Mỗi khi đi xa để nạp thêm kiến thức hoặc dự hội thảo về người đồng tính, song tính, chuyển giới, tôi mang nhiều hình ảnh, nhiều câu chuyện về nhà chủ động kể cho mẹ nghe: chuyện bạn tôi bị cha mẹ đánh đập, tra tấn, nhốt vào bệnh viện tâm thần; chuyện những phụ huynh đã đứng lên trong buổi hội thảo để bảo vệ quyền lợi của con họ trong việc kết hôn đồng giới...

Từ nỗ lực của tôi, “mưa dầm thấm sâu”, dần dà mẹ đã thay đổi. Về sau, mẹ kể lại rằng, khi đọc được bức thư của tôi, mẹ đã buồn hơn một tháng, ngày nào mẹ cũng khóc. Mẹ khóc vì mẹ từng đặt vô vàn kỳ vọng vào tôi. Mỗi khi nhớ đến tôi, mẹ lấy lá thư ra đọc, rồi lại khóc.

Mẹ nói: “Không người mẹ nào có thể dễ dàng chấp nhận con mình đồng tính, nhưng mình phải thương nó, yêu nó nhiều hơn. Bản thân nó cũng không muốn như vậy. Nếu mình là mẹ mà không thương nó, thì còn ai có thể thương nó?”.

27 tuổi, tôi thi vào Trường múa TP.HCM, bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi được đi diễn nhiều nơi. Mẹ thấy tôi trên ti vi và thường đi xem tôi biểu diễn.

Mẹ dần được truyền cảm hứng từ những công việc xã hội mà tôi đang làm. Mẹ ủng hộ tôi trên mọi phương diện, tự hào về tôi. Mẹ hay hỏi: “Con có người yêu chưa? Dẫn về cho mẹ xem mặt”. Đôi mắt mẹ hiện rõ ước mơ được thấy con mình sống hạnh phúc.

Giờ đây, mỗi khi rảnh rỗi, mẹ lại đọc quyển sách Mẹ ơi! Con đồng tính và kể cho tôi nghe những câu chuyện trong đó. Tôi cảm thấy rất ấm áp, thầm cảm ơn mẹ.

Khi xưa, mẹ đã cho tôi cuộc sống và giờ đây lại sinh tôi ra lần thứ hai từ tình yêu vô bờ bến của mẹ. Nếu ngày ấy tôi bỏ cuộc và tự kết thúc đời mình, liệu bây giờ gia đình tôi có tràn ngập tiếng cười?

Theo Huỳnh Chí Dũng (Bến Tre)
Phụ nữ TPHCM

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG