Bùng nổ dịch vụ đẻ thuê ở Ấn Độ
> Bán trứng phụ nữ như bán hàng
Ngày càng nhiều người phương Tây, đặc biệt là người Anh, tới Ấn Độ nhờ đẻ thuê do giá cả vừa phải, không bị rắc rối vì thủ tục, chỉ khoảng 40.000 USD.
Những đứa trẻ ra đời nhờ giao dịch tài chính ở Trung tâm đẻ thuê Ấn Độ. Ảnh: Telegraph. |
Cách thủ đô New Delhi hơn 1km là một trong những cơ sở hộ sản lớn nhất Ấn Độ có tên Trung tâm đẻ thuê Ấn Độ. Bên trong có hai loại cha mẹ: một bên là những phụ nữ Ấn Độ bán trứng và cho thuê tử cung, bên kia là những cặp vợ chồng đến nhận và đưa trẻ về nhà mình.
Ai cũng biết đây là giao dịch thương mại, nhưng ai cũng nhận ra niềm vui từ những người phương Tây xa xôi đến thuê phụ nữ Ấn mang thai. Tất cả những người có mặt trong phòng khám đông đúc này đều hồi hộp, lo lắng xen lẫn hạnh phúc và hài lòng. Chỉ trong một giờ, sáu phụ nữ được bơm trứng đã thụ tinh. Một phụ nữ đang ngồi cùng với chồng nói: “Chúng tôi đều thấy hạnh phúc vì giúp người khác có cơ hội làm cha mẹ. Chúng tôi đã có một con. Mang thai thuê là cách tốt để kiếm tiền nuôi con khi khôn lớn”. Một phụ nữ khác đang mang thai thuê cho cặp vợ chồng Tây Ban Nha tiết lộ mọi chuyện cũng khá đơn giản, mỗi lần thăm khám mất vài giờ và bà sẽ sinh con vào ngày 13-7.
Các bên đều có lợi?
2,3 tỉ USD/năm Đó là giá trị mà ngành đẻ thuê và bán trứng đem lại cho Ấn Độ, theo nhà chức trách Ấn Độ. Dịch vụ đẻ thuê đang tăng mạnh, do đó cần phải có quy định khẩn cấp. |
“Tôi nghĩ đó là cách tốt cho các bên. Cặp vợ chồng Tây Ban Nha có con, còn tôi, người cho trứng, và bệnh viện thì có ít tiền. Đó là việc làm ăn đem lại niềm vui cho tất cả, chẳng có gì sai trái”.
Tiến sĩ Shivani Gour, người từng được đào tạo chuyên môn ở Ấn Độ và đã có bốn năm làm việc tại Bệnh viện Hammersmith (London) và Royal Infirmary tại Edinburgh (Scotland), là chủ trung tâm đẻ thuê này cùng 14 bác sĩ và nhiều y tá. Những tập hồ sơ của bà có đầy đủ chi tiết về phụ nữ Ấn Độ sẵn sàng hiến trứng hoặc mang thai thuê như chiều cao, cân nặng, tiểu sử bệnh tật. Có cả ảnh họ từ cổ trở xuống để những cặp vợ chồng cần thuê tham khảo về dáng dấp người. Danh tính của những người hiến tặng trứng hay người mang thai thuê sẽ không bao giờ được tiết lộ cho đứa con ra đời nhờ giao dịch thương mại này.
Những phụ nữ mang thai thuê sẽ được ở New Delhi và chăm sóc y tế miễn phí trong vòng một năm, được hỗ trợ tư vấn tâm lý để hạn chế những hậu quả tinh thần mà bất kỳ bà mẹ nào cũng gặp phải nếu đứa con mình dứt ruột sinh ra không còn trong vòng tay mình nữa.
1.000 trung tâm đẻ thuê “ngoài luồng”
Số tiền họ nhận được cho những ngày mang nặng đẻ đau này khoảng 9.000 USD - gấp năm lần mức lương trung bình mỗi năm của người Ấn Độ. Hầu hết phụ nữ đó đến từ những khu ngoại thành hoặc những vùng nghèo ở thủ đô. Số tiền đủ để họ đổi đời mình và con cái họ. Phần lớn đều đã là mẹ và có con cần chăm sóc ở nhà.
Chỉ trong tháng 3-2012, 26 em bé đã ra đời tại trung tâm đẻ thuê này: một cho nước Anh, bốn cho nước Úc, hai cho Canada, một cho Ecuador, ba cho Nhật, hai cho Tây Ban Nha, một cho Slovenia và bốn cho Ấn Độ - đất nước mà dịch vụ mang thai thuê đang gia tăng trong tầng lớp trung lưu. Tám bé còn lại tới Mỹ.
Tiến sĩ Shinavi Gour hiểu rõ bà đang bị chỉ trích là kiếm lợi từ dịch vụ mà tại một số nước, như Anh chẳng hạn, là bất hợp pháp. Thế nhưng, theo bà, đây lại là dịch vụ và cũng là cách thu hút ngoại tệ cho Ấn Độ và giúp những người không thể thụ thai được ở khắp nơi trên thế giới có con, lại giúp phụ nữ địa phương có tiền nuôi con.
Trong khi xã hội vẫn còn suy nghĩ độc ác đối với những người không có con như “cây độc không trái, gái độc không con”, thì bà quan niệm công việc bà đang làm chính là đem lại niềm vui và thỏa mãn ước mơ cơ bản cho những người khác. “Ai nói chúng tôi là vô đạo đức thì tôi chỉ trả lời là tôi rất tiếc, cầu trời ban phước cho họ, nhưng quả là họ ngu ngốc”.
Trong năm 2011 có 300 ca sinh từ bệnh viện của tiến sĩ Gour, hầu hết là sinh đôi và một nửa trong số những cặp vợ chồng sử dụng dịch vụ là các cặp đồng tính, trong đó phần nhiều đến từ Anh. Họ làm đủ mọi ngành nghề, từ chuyên gia công nghệ, tới nhân viên văn phòng, bác sĩ, chuyên viên tập đoàn đa quốc gia, ngân hàng hay doanh nhân. Rất nhiều người trong số họ là những cặp vợ chồng đồng tính khát khao có một gia đình với con cái.
Khoảng 1.000 trung tâm như thế đang hoạt động ở Ấn Độ và hoàn toàn không chịu sự điều chỉnh pháp luật nào. Năm 2011 có 2.000 ca sinh thuê ở Ấn Độ. Anh là nước có số người đông nhất muốn có con theo cách này và tìm tới Ấn Độ, chiếm tới 1.000 ca, trong khi ở Anh chỉ có 100 ca nhờ mang thai hộ.
Theo Hạnh Nguyên
Tuổi Trẻ/Telegraph