Hướng tới Việt dã toàn quốc và marathon lần thứ 58-2017:

Bùi Lương và chiếc cúp 60 năm tuổi “độc nhất vô nhị”

Lão tướng Bùi Lương.
Lão tướng Bùi Lương.
TP - Mỗi lần rời ngôi nhà nhỏ đơn sơ tại Hà Nội để lên đường vào Nam huấn luyện, lão tướng 78 tuổi Bùi Lương luôn nâng niu “bảo vật” vô giá của mình một lần để lấy may: chiếc cúp pha lê 60 năm tuổi mà kỷ lục gia từng 8 lần liên tiếp vô địch việt dã Tiền Phong này nhận được ở giải 1958.

Đó là giải việt dã báo Tiền Phong lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1958, tại công viên Bách Thảo (Hà Nội). Giải không chỉ tập hợp đầy đủ các VĐV xuất sắc nhất miền Bắc ngay trong lần đầu tổ chức mà còn có sự tham dự của một nhà vô địch huyền thoại của đường chạy quốc tế: Emil  Zatopek. Ông là chân chạy đoạt 3 HCV 3 nội dung 5.000m, 10.000m và marathon tại Olympic Helsinki 1952. Zatopek cũng là người đầu tiên trên thế giới chạy 10km với thông số dưới 29 phút.

Với chàng trai 19 tuổi Bùi Lương, việc được thi đấu cùng Zatopek giống như một giấc mơ có thật, cho dù tượng đài người Tiệp Khắc chỉ chạy biểu diễn và đã giã từ đường chạy đỉnh cao. Thậm chí chỉ có ông cùng với hai người là Hoàng Viết Mông, Nguyễn Chuyển phần nào đủ sức đeo bám.

Tại Cúp Chiến thắng 2016, Bùi Lương đã được vinh danh cho danh hiệu Thành tựu cống hiến trọn đời, chính nhờ những chiến tích lẫy lừng trên đường chạy việt dã Tiền Phong, nổi bật là 8 lần vô địch liên tiếp. Giải đấu truyền thống nhất của TTVN đã làm nên nghiệp đấu, tên tuổi của một tượng đài Bùi Lương, và bản thân ông đã trở thành một niềm tự hào lớn của giải đấu.

Bùi Lương cũng gây ấn tượng nhất cho Zatopek  bởi sự trẻ trung, quyết tâm, cùng dáng hình nhỏ bé lạ thường. Sau đó, VĐV họ Bùi còn có dịp chuyện trò, được Zatopek chỉ dẫn một số kinh nghiệm,  trong đó có một điều ông nhớ cả đời: luôn tìm cho mình một niềm vui trong mỗi buổi tập, từng cuộc đấu để vượt qua sự mệt mỏi, khó khăn.

Chung cuộc, ở giải 1958, Bùi Lương cùng các đồng đội Hải Phòng đứng ngôi nhất toàn đoàn, còn cá nhân ông xếp thứ hai. Thành quả ngoạn mục ấy đã mang tới cho ông chiếc cúp làm bằng pha lê pha sứ, do Zatopek mang từ Tiệp Khắc sang và đích thân trao tặng.

Cả một nghiệp đời việt dã siêu dài của ông, cả trên cương vị VĐV và HLV của ông kết đọng và gắn bó với chiếc cúp đặc biệt ấy. Điều kỳ lạ, cũng như niềm đam mê bền bỉ phi thường của lão ông sinh năm 1939 với đường chạy, chiếc cúp pha lê qua 60 năm vẫn sáng bóng, vẫn như mới ra lò. Nó luôn được ông cùng gia đình lưu giữ ở một vị trí trang trọng nhất trong nhà, bên cạnh rất nhiều kỷ vật khác mà ông có được qua các giải việt dã Tiền Phong, như một chiếc đồng hồ để bàn hay một lọ hoa được làm từ xác máy bay Mỹ bị bắn rơi. Ông hiểu rằng, chiếc cúp đã vượt xa tầm mức, giá trị của một “phần thưởng” hay  “tài sản” của riêng mình.

Chiếc cúp bé nhỏ có tuổi đời diện lâu đời nhất của thể thao Việt Nam kể từ năm 1945 ấy còn là hiện thân của một cuộc đấu lịch sử, mang tính khởi phát cho một giải đấu quốc gia giờ đã trở thành một thương hiệu truyền thống và sáng giá bậc nhất của TTVN. Bùi Lương đang tính có thể sau này sẽ tặng chiếc cúp cho ngành thể thao, vốn đang có dự án xây dựng một bảo tàng TTVN.

Điều quan trọng, chủ nhân của chiếc cúp pha lê 60 tuổi là Bùi Lương, ở tuổi 78, vẫn còn đang sung trên hành trình việt dã có một không hai của mình. Vào cuối tháng 3 này, ông thầy già sẽ lại cùng các học trò của đội Bình Phước bước vào một mùa giải mới, trên đất Ninh Bình, nơi ông vô địch với tư cách VĐV cách đây tròm trèm nửa thế kỷ. 

Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 58-2017 được tổ chức tại Ninh Bình vào ngày 26/3/2017. Đây là lần thứ 2 mảnh đất từng là kinh đô đầu tiên của nước Việt đăng cai tổ chức giải đấu, sau lần đầu vào năm 1969, cách nay đã gần nửa thế kỷ. Các VĐV sẽ tranh tài ở các nội dung marathon nam, nữ, 10km nam tuyển, 5km nữ tuyển, 7,5km nam trẻ, 3km nữ trẻ, 5km nam thiếu niên, 2,4km nữ thiếu niên và các nội dung phong trào nam (5km, 2,4km), phong trào nữ (2,4km, 1,7km).

Bùi Lương và chiếc cúp 60 năm tuổi “độc nhất vô nhị” ảnh 1
Bùi Lương và chiếc cúp 60 năm tuổi “độc nhất vô nhị” ảnh 2
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.