Buffet truyện ngắn Sài Gòn

Buffet truyện ngắn Sài Gòn
TP - Sáng 8/11, giới văn nghệ sĩ TP HCM có buổi tụ hội vui vẻ đón mẻ sách đầu tiên của Tủ sách Sơn Ca: tập Thơ tình Sài Gòn và 2 tập Buffet truyện ngắn Sài Gòn.

Chịu bỏ vài trăm triệu đồng để in là Cty Cổ phần truyền thông Sơn Ca dù nhà văn Nguyễn Đông Thức đã thật thà can ngăn: “Không nên in sách lúc này vì rất khó ăn!”.

Người chịu chơi là ông Lê Văn Chính - từng đình đám với vụ mua bản quyền Màu tím hoa sim của Hữu Loan với giá 100 triệu đồng. Bỏ 100 triệu đồng để mua câu hát đầu tiên trong bài Tình ca của Phạm Duy: Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời làm nhạc hiệu của Cty Sơn Ca.

Lập Tủ sách Sơn Ca và hỗ trợ các tác giả in ấn sách, ông Chính lại muốn có một “chiêu” quảng bá mới làm đẹp lòng giới văn sĩ chăng? 10 nốt nhạc trong bài Tình ca ông mua bây giờ chỉ để cho ông nghe thôi sao?

Ông cho biết: “Việc mua bản quyền Màu tím hoa sim hay thành lập Tủ sách Sơn Ca đều có ý nghĩa như nhau. Mua câu hát của Phạm Duy cũng có nghĩa tôi mua cảm xúc cho mỗi ngày làm việc chứ không phải PR. Tập thể Sơn Ca cũng nghe nhạc hiệu này để tiếp nguồn cảm hứng làm việc hàng ngày”.

Còn Phạm Duy, trong buổi ra mắt album Phạm Duy - Người từ trăm năm với giọng ca Tấn Sơn - một doanh nhân yêu nhạc Phạm Duy thì đón nhận món quà sinh nhật lần thứ 87 trong cảm xúc: “Sau 30 năm ở nước ngoài, trở về quê hương tôi không bao giờ mơ có ngày như hôm nay, lại có người muốn mua mình thì vui quá. Có lẽ phải sống thêm 10 năm nữa!”.

Lâu nay một số doanh nghiệp có những hình thức đóng góp cho xã hội, nhưng tài trợ ca nhạc, điện ảnh, thời trang, thể thao… quá nhiều trong khi tài trợ cho văn chương chưa được là bao.

Những người làm Tủ sách Sơn Ca muốn “là vài giọt nước mát làm dịu đi sự nóng bỏng, khô khan của cuộc sống với quá nhiều câu chuyện về bão giá, lạm phát, chứng khoán, giá vàng…”.

Do không bị khống chế bởi bài toán kinh tế nên Sơn Ca sẽ thoáng hơn trong việc lựa chọn tác phẩm. Vì lí do kinh phí, một tác phẩm chất lượng nào đó có thể không được in, nay có thể tìm đến Sơn Ca.

Nhóm biên tập gồm Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Quốc chủ trương: “Không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp của tác giả, quan trọng đó là một tác phẩm hay. Ưu tiên những cây bút mới”.

Hình thức tuyển chọn trong 3 tập sách đầu tiên có vẻ làm đẹp lòng cả… quan viên hai họ: mỗi tác giả đã và đang sống ở Sài Gòn được chọn một truyện ngắn mình thích nhất, ghi lại vài dòng vì sao mình thích kèm kỷ niệm đặc biệt.

Buffet truyện ngắn Sài Gòn gồm 30 tác giả, chỉ có 3 sinh ở Sài Gòn, còn lại thì tứ xứ và phần nào tiêu biểu cho lực lượng viết văn tại TP HCM hiện nay: Nguyễn Quang Sáng, Lý Lan, Lê Văn Thảo, Vàng Anh, Phạm Thị Ngọc Liên, Mạc Can, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Ngọc Thuần, Mường Mán, Dương Thụy...

Tập Thơ tình Sài Gòn tập hợp những sáng tác sau 1975: Nguyễn Nhật Ánh, Ngô Thị Thu An, Đinh Thu Hiền, Trương Nam Hương, Phạm Thị Ngọc Liên, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Thiếu Nhơn, Nguyệt Phạm, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Thế Thanh, Lý Thành Tâm, Bùi Chí Vinh, Sơn Ý…

Nhóm biên tập hứa hẹn tập 3 của Buffet truyện ngắn Sài Gòn  sẽ có tác phẩm của Sơn Nam (lúc thực hiện tập sách nhà văn không còn tỉnh táo nên nhóm chưa dám chọn truyện nào).

Ông Chính cho biết: “Sẽ cố gắng in khoảng 5- 10 đầu sách/năm, sau này kinh tế sáng sủa hơn sẽ in nhiều hơn. Vài năm nữa sẽ nghĩ tới một giải thưởng thơ hoặc truyện ngắn”.

MỚI - NÓNG