Bức tranh “Trái đất khóc” của học sinh trường Marie Curie

Bức tranh “Trái đất khóc” của học sinh trường Marie Curie
TPO - Dưới góc nhìn của các các “họa sĩ nhí”, “nhiếp ảnh gia” MCer 6I1, những bức vẽ, ảnh đã thể hiện thông điệp “Vì môi trường” vô cùng sống động, ấn tượng, giàu cảm xúc. Gần 40 tác phẩm đã được trưng bày tại phố đi bộ đường Lê Thái Tổ ngày cuối tuần vừa qua.

Các bức tranh của các học sinh lớp 6 hệ thống trường phổ thông Marie Curie, Hà Nội không chỉ lan tỏa thông điệp đẹp, ý nghĩa, các bạn ấy sẽ cùng nhau thu gom chai nhựa, rác quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Ý tưởng thực hiện chương trình này xuất phát từ các bậc phụ huynh của lớp với mong muốn cho các con trải nghiệm, góp những hành động nhỏ bé nhưng ý nghĩa để cùng chung tay bảo vệ môi trường, lan tỏa ý thức tốt đến cộng đồng. Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng năm học “Vì môi trường” của trường Marie Curie.

Bức tranh “Trái đất khóc” của học sinh trường Marie Curie ảnh 1  
Được biết, số tiền thu được từ việc bán bức tranh sẽ dùng trong các chương trình nhân ái, từ thiện, chia sẻ cộng đồng của tập thể của lớp 6I1. Hà An (học sinh 6I1) cho rằng: “Chúng em không chỉ chung tay bảo vệ môi trường, mà còn được thỏa sức sáng tạo hội họa. Sau khi được phát động, chúng em đã hào hứng bắt tay vào việc “hiện thực hóa” ý tưởng, thông điệp của mình bằng những cây cọ, giấy vẽ. Mỗi bức tranh chính là lời nhắn nhủ, và cảm xúc của chúng em muốn gửi đến mọi người khi lắng nghe tiếng kêu cứu của Trái đất”.
Bức tranh “Trái đất khóc” của học sinh trường Marie Curie ảnh 2

Mỗi bức tranh đều thể hiện rõ ý tưởng, tâm tư, tình cảm, lời muốn nói khi chứng kiến cảnh môi trường sống xung quanh đang dần bị hủy hoại bởi chính con người.

The lost Polar Bear - Chú gấu Bắc cực lạc trong thành phố là tên bức tranh của Linh Chi. Bức tranh là hình ảnh có thật về một chú gấu Bắc Cực đi lạc vào thành phố Norilsk của Nga vào ngày 18/6/2019 trong lúc cố gắng đi tìm thức ăn.
Bức tranh “Trái đất khóc” của học sinh trường Marie Curie ảnh 3  
“Biến đổi khí hậu, băng tan... gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sống và việc săn bắt thức ăn của gấu Bắc Cực. Trong thời gian gần đây, hàng chục chú gấu Bắc Cực đã vượt hàng trăm dặm vào đất liền để tìm kiếm thức ăn trong bãi rác, các khu nhà công cộng... Qua bức tranh em mong các nước trên thế giới sẽ quan tâm đến vấn đề môi trường hơn nữa để trả lại cuộc sống tốt đẹp cho những chú gấu Bắc Cực nói riêng, muôn loài động vật và cả của con người”, họa sĩ nhí này cho biết. Văn Khánh Huyền là tác giả của bức tranh “Trái đất khóc”. Là người thích vẽ, yêu động vật, cô bạn rất hào hứng với chủ đề môi trường. Và đây là bức vẽ Huyền tâm đắc nhất. Cô bạn chú ý đến từng chi tiết như biểu tượng “like”, “dislike”… Nguồn cảm hứng để cô bạn nghĩ ra ý tưởng này chính là sự ám ảnh khi xem bức ảnh chụp một chú gấu Bắc cực gầy gò nhô cả xương đang đứng trên một tảng băng.
“Hiện giờ con người đang tàn phá Trái đất rất nhiều, khiến Trái đất rất buồn và khóc. Chúng ta hãy dừng ngay việc làm hại môi trường sống! Hãy bảo vệ chính hành tinh xinh đẹp này bằng mọi giá”, Huyền nói. Bức tranh “Mẹ Thiên nhiên” của Phương Anh mang màu sắc sống động khi tưởng tượng mẹ Thiên nhiên đang yêu thương, bao bọc, bảo vệ Trái đất, nguồn tài nguyên, cây xanh… Mái tóc mẹ chính là thác nước, biển, sông, hồ; những cánh rừng xanh ngát đang được mẹ ôm ấp, xoa dịu… Bức tranh thể hiện rõ thông điệp: “Các bạn ơi, một mình mẹ thiên nhiên không thể bảo vệ hết Trái đất, chúng ta hãy đối xử tử tế với thiên nhiên và chung tay hành động!”.
Bức tranh “Trái đất khóc” của học sinh trường Marie Curie ảnh 4 Không chỉ giới thiệu những bức tranh, các bạn còn đi vòng hồ Hoàn Kiếm thu gom chai nhựa, túi nilon để bảo vệ môi trường. Hoạt động này không chỉ khiến các bạn hào hứng, nhiệt tình tham gia, mà các bậc phụ huynh cũng không ngại ngần đồng hành với các con.  
Sử dụng chất liệu màu touchliit và màu nước, Khánh Ngọc hài lòng về bức vẽ “Mẹ đại dương”. Hình ảnh thật trên phương tiện truyền thông về chú rùa bị dây nhựa thắt ngang người khiến cô bạn sợ hãi. Vì thế, bức vẽ đã toát lên nét đẹp hiền hòa, yên bình của thế giới đại dương với sự sống của các sinh vật biển. Hãy bảo vệ màu xanh của đại dương bằng những việc nhỏ nhất như không vứt rác xuống biển, hạn chế sử dụng đồ nhựa là thông điệp của cô bạn. Bức tranh tương phản của Minh Phương mang tên “Những điều nên và không nên làm với Trái đất” đã để lại ấn tượng. Một bên đang cố gắng cứu Trái đất, một bên ra sức phá hoại rừng, xả rác bừa bãi, gây tổn thương đến Trái đất… Hai mặt đối lập mang đến thông điệp rõ ràng: “Đừng làm Trái đất thêm đau, thêm xấu xí!”.
MỚI - NÓNG