Cùng với sự xuống dốc của thị trường BĐS, các dự án đô thị phía Tây Hà Nội một thời từng là niềm mơ ước của các “đại gia” địa ốc nay trở thành dự án “chết”, cùng với đó là hàng chục nghìn tỉ của nhà đầu tư đang bị “chôn” vào đất mà không biết bao giờ lấy lại được.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hà Nội đã triển khai khoảng 370 dự án khu đô thị, phần lớn tập trung ở các vùng ven đô phía Tây như: Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ... Nhiều dự án quy mô hàng ngàn tỉ đồng, đang giậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu tháo chạy, gây khốn đốn cho người dân trong vùng dự án và chính quyền sở tại.
Khảo sát cho thấy, hàng loạt biệt thự đã được xây với số tiền cả bạc tỉ tại các khu đô thị mới như Geleximco, Mễ Trì, Kim Chung - Di Trạch, Tân Tây Đô, Lideco,... Trên thực tế, giá nhà biệt thự, liền kề, dù ở thời điểm này được cho là đã giảm mạnh, đến 50%, nhưng vẫn còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Biệt thự bỏ hoang giờ trở thành nơi tá túc cho người lao động nghèo. Họ tận dụng buôn bán, kinh doanh tạm bợ các mặt hàng bình dân như trà đá, cắt tóc, thậm chí cả trồng rau, tập kết phế liệu.
Đi vào khu vực nội đô, bức tranh xám của thị trường lộ rõ qua các tòa nhà chung cư cao tầng dừng thi công, hoen rỉ, chưa biết ngày hoàn thiện. Điều dễ nhận thấy ở các dự án này là sự tham vọng quá lớn của các chủ đầu tư khi vẽ ra những dự án lung linh trên giấy, thu hút người mua nhà và sau đó không đủ năng lực để thực hiện.
Đơn cử như dự án Usilk City sau nhiều năm triển khai, hiện mới có một vài tòa của dự án này đang hoàn thiện, còn lại đều bỏ hoang hay siêu dự án Habico Tower (Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nổi đình đám một thời vì mức giá khủng từ 75-100 triệu đồng/m2 được chào bán năm 2008, đã ngừng thi công tại sàn tầng 9 và đến nay chưa có dấu hiệu khởi động trở lại.
Một trong những vấn đề nhức nhối của thị trường là các dự án đất vàng bỏ hoang nhiều năm liền quây tôn, cho thuê làm sân bóng, đỗ xe nhưng khó có thể thu hồi được. Nhiều dự án khác có vị trí “đắc địa” cũng có tên trong danh sách bị thu hồi vì chậm triển khai như: Dự án Tháp Doanh nhân của Tập đoàn Anh Quân, trên khu đất rộng 1.370 m2, tại số 1 đường Thanh Bình (Hà Đông);...
Công trình dự án dang dở.
Giải cứu
Sau nhiều lần rà soát, kiểm tra, cơ quan chức năng đã có nhiều kiến nghị xử lý, thu hồi các dự án BĐS bỏ hoang tuy nhiên cho tới nay con số thực hiện được vẫn chưa đáng kể. Qua kiểm tra, thành phố Hà Nội đã thu hồi 820ha đất, trong đó có nhiều khu “đất vàng” ở 53 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; khu nhà ở để bán của Công ty Đầu tư xây dựng Gia Lâm ở quận Tây Hồ; khu đất ở số 35 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.
Nhìn vào diện tích "đất vàng” bị xử lý thu hồi nêu trên, có thể thấy tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, hoặc để hoang hóa gây lãng phí đang ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bởi hiện nay quỹ đất cho xây dựng bệnh viện, trường học ở các địa phương còn rất khó khăn. Một trong những động thái mới nhất của Hà Nội là kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.
Nhằm tạo lối thoát cho nhiều dự án, Bộ Xây dựng đã gia hạn thêm thời gian điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi nhà ở đến hết ngày 31/12/2015. Thống kê trong hai năm 2013 và 2014 cho thấy, các giao dịch tăng trưởng liên tục, trong đó tiêu biểu là sức “nóng” của thị trường nhà ở xã hội và nhà ở thương mại được chuyển đổi.
Theo đại diện một số đơn vị phân phối, việc tiếp tục cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại căn hộ tại dự án nhà thương mại, nguồn cung căn hộ diện tích nhỏ trong tương lai sẽ tiếp tục được bổ sung. Đây chính là cơ sở để thị trường căn hộ tiếp tục duy trì mức thanh khoản cao, thúc đẩy sự hồi phục nhanh hơn của phân khúc này.
Nhận định về thị trường, ông Trần Ngọc Quang, quyền Tổng thư ký VNREA, dự báo, về cơ bản, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn từ nay đến cuối năm và cả trong năm 2015, mặc dù đang có dấu hiệu hồi phục. Tuy thị trường đã có cải thiện về thanh khoản, nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa hết khó khăn.