Bữa ăn yêu thương cho trẻ em nghèo

Bữa ăn yêu thương cho trẻ em nghèo
TP - Từ Thủ đô, hai câu lạc bộ (CLB) tình nguyện gồm những bạn trẻ với tấm lòng nhân ái không ngừng vận động, quyên góp mang những bữa cơm trưa miễn phí cho trẻ em vùng cao Lai Châu. Nhóm tận tình trao những hộp sữa cho trẻ bị ung thư ở Bệnh viện K Hà Nội.

> Cô giáo gần 20 năm nằm nghiêng… dạy học

Bữa trưa cho em nuôi nghèo khó

Gần một năm nay, các em học sinh nghèo tại 2 điểm trường Cờ Lò 2 và Hà Xi được hỗ trợ những suất cơm trưa miễn phí. Chương trình do CLB Tình nguyện trẻ Hà Nội kết hợp với Bộ đội Biên phòng Lai Châu thực hiện.

CLB Tình nguyện trẻ tổ chức chương trình “thắp sáng bản em” thấy đời sống của người dân tộc thiểu số La Hủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chịu nhiều thiệt thòi nhất là các em nhỏ, sống trong điều kiện thiếu thốn, nhiều em phải bỏ dở ước mơ tới trường, những em học sinh khác phải đến các điểm trường xa xôi.

Đi học, các em không được ăn trưa tại trường. Các em về nhà nhưng thường không có cơm ăn. Nhà có ngô ăn ngô, có khoai ăn khoai, không ít em nhà nghèo, phải nhịn đói đến lớp.

“Chia sẻ với khó khăn thiếu thốn của học sinh nghèo, CLB Tình nguyện trẻ đã vận động triển khai thực hiện dự án: “Nhận làm anh chị đỡ đầu – Bữa cơm trưa cho trẻ em miền núi”, chị Ngô Thị Hồng Nhung, Trưởng CLB Tình nguyện trẻ chia sẻ.

Lúc mới thành lập, các thành viên trong nhóm phải vận động, quyên góp từ các nhà hảo tâm qua các diễn đàn, trang Web, Facebook... Sau này, dự án được sự tin tưởng, ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm trên cả nước, nhiều anh chị nhận đỡ đầu cho các em nhỏ.

Đến nay, nhóm có 30 thành viên, 60 anh chị nhận đỡ đầu cho 69 em nhỏ thuộc 2 điểm trường khó khăn nhất của xã Pa Ủ là Hà Xi và Cờ Lò 2 với số tiền hỗ trợ cơm trưa cho mỗi em 150.000 đồng/tháng. Hàng tháng, CLB chuyển tiền cho nhà trường mua mỳ tôm, gạo và thực phẩm để đảm bảo hàng tuần trẻ có 1 bữa cơm trưa có thịt và 4 bữa mỳ tôm có rau.

Cô giáo Trần Thị Nhung trao những hộp sữa cho em gái bị ung thư tại Bệnh viện K
Cô giáo Trần Thị Nhung trao những hộp sữa cho em gái bị ung thư tại Bệnh viện K.

Chị Nhung chia sẻ: “ Từ khi CLB thực hiện dự án, nhờ những anh chị hảo tâm nhận đỡ đầu các em nhỏ, những suất cơm đầy đủ dinh dưỡng đã đến với những em học sinh nghèo ở La Hủ. Nhìn các em vừa ăn vừa cười đùa với bát cơm trên tay, mình rất cảm động. Thật vui vì đã làm được một việc có ý nghĩa cho trẻ em nghèo”.

Chị Nhung nghẹn ngào kể về cái chết của một bé gái ở bản Mu Chi. Bé bị ốm mười ngày nhưng người trong gia đình không biết. Bé không ăn được gì và cả nhà chỉ có bát cháo trắng phần em. “Khi chúng tôi đến thăm, bé gái mất vì bị suy nhược quá lâu. Cái chết của bé gái đã thôi thúc tôi và cả nhóm cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện thành công dự án ở đây và có thể mở rộng nhiều vùng khó khăn khác nữa, giúp các em nhỏ có được bữa cơm trưa đủ dinh dưỡng để học tập tốt”, chị Nhung nói.

Cô giáo Tống Thị Yến, giáo viên điểm trường Cờ Lò 2 chia sẻ: “Các em học sinh chủ yếu dân tộc thiểu số. Các em phải đi học xa không có cơm để ăn, chủ yếu là toàn ăn khoai sắn với rau rừng, có em còn nhịn đói đi học. Thương học sinh nhưng thầy cô cũng không biết làm gì. Từ khi dự án “Nhận em đỡ đầu - Bữa cơm trưa cho trẻ em miền núi” thực hiện, cả cô trò, nhà trường đều rất vui. Nhận tiền hỗ trợ thầy cô nhà trường thay phiên nhau đi chợ nấu cơm cho học sinh. Có cơm trưa ăn các em đều rất vui, thích đi học hơn và thành tích học tập cũng có nhiều tiến bộ”.

200 hộp sữa mỗi tuần cho trẻ bị ung thư

Hơn sáu tháng nay, cứ tới 17h chiều thứ 7 hàng tuần, các thành viên trong CLB Từ trái tim đến trái tim lại tất bật phát sữa cho trẻ em bị mắc bệnh ung thư ở Viện K (cơ sở 2 Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội).

Cô giáo Trần Thị Nhung, chủ nhiệm CLB Từ trái tim đến trái tim cho biết, trong một lần nhóm đi phát cháo miễn phí cho các bệnh nhân ở bệnh viện K (cơ sở Tam Hiệp, Thanh trì, Hà Nội) thấy có rất nhiều người nhà nghèo khó lại mắc phải bệnh hiểm nghèo, không chỉ tiền thuốc mà cơm cháo hàng ngày cũng là gánh nặng với họ.

 “Thương nhất là nhiều em nhỏ, có em vừa sinh ra đã mắc căn bệnh ung thư quái ác. Chứng kiến các em đau đớn chống lại tử thần, tôi không cầm được nước mắt.  

Cô giáo Trần Thị Nhung

“Thương nhất là nhiều em nhỏ, có em vừa sinh ra đã mắc căn bệnh ung thư quái ác, hằng ngày phải chống chọi với những cơn đau của bệnh tật. Lúc đó không cầm được nước mắt, tôi nghĩ sẽ phát sữa miễn phí cho những em nhỏ. Tôi ra cửa hàng mua 100 hộp sữa vào từng phòng phát cho bệnh nhân nhi. Sau đó, tôi cùng bạn bè lập CLB kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm cùng thực hiện chương trình “200 hộp sữa mỗi tuần cho trẻ em bị ung thư”, chị Nhung kể.

Tháng đầu tiên đi phát sữa, các thành viên trong CLB phải tự bỏ tiền túi để mua. Sau nhiều người biết đến chương trình, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, nhiều học trò cũ của cô Nhung ủng hộ chương trình bằng tiền mặt và sữa. Có kinh phí, CLB nâng dần lên 250 hộp rồi 300 hộp, đến nay đã lên đến 400 hộp sữa mỗi tuần phát cho các bệnh nhân ung thư. Hiện CLB có 160 thành viên, quỹ có hơn 60 triệu đồng.

Nguyễn Anh Hùng, một doanh nhân thành đạt tham gia chương trình chia sẻ: “Qua Facebook tôi biết đến chương trình ý nghĩa này. Nhà tôi có 2 người mắc phải căn bệnh quái ác, khi chăm sóc họ hơn ai hết tôi hiểu nỗi khổ, sự khó khăn thiếu thốn của những bệnh nhân nghèo. Tôi đóng góp nhỏ để giúp đỡ bệnh nhân chống lại căn bệnh hiểm nghèo”.

Chị Mạc Thị Lan quê Hà Tĩnh chăm con gái 6 tuổi đã gần một năm. Cầm 2 hộp sữa trên tay, chị nói với con gái đang nằm trên giường bệnh truyền hóa chất: “Con ơi, dậy đi! Con bảo mẹ mua sữa nhưng mẹ không có tiền, bữa ni có cô chú mang cho con sữa, con có sữa uống rồi nha!”. Nghe những lời của chị Lan mọi người trong đoàn ai cũng xúc động, có bạn sinh viên không cầm được nước mắt.

Ngoài thực hiện chương trình “200 hộp sữa mỗi tuần cho trẻ em bị ung thư” CLB Từ trái tim đến trái tim còn hướng dẫn các bệnh nhân ở Bệnh viện K làm móc chìa khóa bằng dây chuyền, thêu tranh chữ thập, xếp hoa. Với đồ thủ công đó, CLB bán cho các nhà hảo tâm, giúp bệnh nhân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trong viện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG