Qua những sản phẩm Lợi thực hiện - đều có sự hỗ trợ của nhạc sĩ Hồng Kiên và công ty Mỹ Thanh- đủ thấy Lợi có thực lực và quyết tâm. Mối quan hệ thân thiết giữa công ty (sản xuất chứ không quản lý) và nghệ sĩ mới vào nghề kiểu đó rất nên nhân rộng. Vì hẳn là còn nhiều những tài năng cùng xuất phát điểm nhưng vẫn chưa có được một lộ trình đúng và thuận như Lợi.
Khi mới xuất hiện tại giải Sao Mai 2011, Lợi lập tức bị so sánh với Trọng Tấn vì âm sắc, nhả chữ khá giống. Vì thế việc Trọng Tấn làm khách mời tại đêm nhạc Khát vọng vừa diễn ra tại Cung VH Hữu Nghị có thể hiểu là đáp số cho nghi vấn kia. Quả nhiên vào thời điểm này, Lợi đã không còn giống Tấn.
Tuy nhiên, họ vẫn cực hòa quyện khi bè cho nhau trong bài Trăng sáng đôi miền (Văn Chung). Sự kết hợp của hai ca sĩ có sự tương đồng về giọng hát và cả… chiều cao được khán giả tán thưởng nồng nhiệt. Song ca Tình nghệ sĩ (Đoàn Chuẩn- Từ Linh) với Lan Anh cũng rất hiệu quả, nâng được cả hai giọng hát. Trong khi với Bình yên (Quốc Bảo), Uyên Linh gần như thành làm nền cho Thắng Lợi. Chỉ tới bài kết Ngôi sao cô đơn (Thanh Tùng) hát tập thể, cô mới có chút đất để khoe giọng.
Thắng Lợi chứng tỏ sự đa dạng khi có thể pha cả jazz vào một bài hát quen thuộc như Một rừng cây một đời người. Tuy nhiên dù sao anh vẫn thăng hoa hơn trong những bài thuần “nhạc đỏ” có đất khoe giọng như Hà Nội niềm tin hy vọng, Những ánh sao đêm hay Bài ca Hà Nội… Hơi tiếc là những bài này lại được đặt ở đầu chương trình, khiến cho phần kết thành ra thiếu hoành tráng.
Vũ Thắng Lợi không lợi khẩu trên sân khấu cho lắm. Tuy nhiên qua giọng hát, cách hát, khán giả cũng có thể thấy tài năng cùng tấm chân tình nghệ sĩ. Việc chọn Mẹ tôi (Trần Tiến) hát cuối hẳn có dụng ý thay lời ca sĩ muốn tâm sự tới khán giả. Lợi đã giữ được bình tĩnh suốt bài hát nhưng anh đã gần như khóc nấc trên sân khấu khi hát xong. Câu chuyện gia đình lúc này mới được thổ lộ.
Lợi kể về nỗi lo lắng cho bố mẹ cao tuổi khi anh sống xa quê. Có những đêm choàng dậy, khóc vì lo lắng. Hoặc mỗi lần nhận điện thoại từ nhà lại thấp thỏm sợ có chuyện gì. Và anh cảm thấy mãn nguyện khi được đón hai cụ ra Hà Nội chăm sóc. Chỉ hơi tiếc rằng cả hai đều đã quá già yếu, không thể đến Cung VH Hữu Nghị chứng kiến thành công của cậu con út.
Tuổi thơ vất vả, nhiều lận đận lúc khởi đầu con đường âm nhạc, thành công Lợi có hôm nay phần nào giống như một sự bù đắp. Những album chất lượng, khán phòng chật người nghe xứng đáng với tài năng và công sức anh bỏ ra. Trong biên chế của đoàn nghệ thuật Quân khu 2, Lợi vẫn hăng hái đi hát phục vụ đồng bào chiến sĩ nơi biên giới hải đảo. Tại đêm diễn, Lợi đã cám ơn nhiều người giúp anh có được thành công hôm nay. Nhưng vẫn còn một người quan trọng không xuất hiện trên sân khấu anh muốn nhắc đến…
Việc được tham gia trình diễn trong đêm In the Spotlight chủ đề Người Hà Nội (2013) không chỉ giúp Lợi thêm một bệ phóng trong sự nghiệp mà còn đem đến cho anh ý trung nhân. Một nữ khán giả của đêm nhạc đã làm quen với Lợi. “Bằng tuổi nên ban đầu gọi nhau ‘bạn tớ’” Lợi kể. “Rồi càng hiểu về nhau càng gần nhau hơn, không như các cô bạn trước đó. Cứ yêu cô nào dẫn về nhà nhìn hoàn cảnh của mình (bố mẹ già yếu), đều chạy hết”. Hiện vợ chồng Lợi đã có một con gái. Những khi giúp việc bận hoặc về quê, tự tay con dâu chăm lo đâu đấy. “Vợ tôi rất chu đáo, tình nghĩa. Chính điều đấy làm tôi càng thêm quý mến, trân trọng cô ấy”, Lợi nói. Chính cũng do vợ thúc giục mà show Khát vọng mới được tổ chức nhằm lúc này, khi Lợi đang ở đúng điểm rơi. Liveshow quan trọng cùng ê-kip chuyên nghiệp diễn ra đúng vào thời kỳ sung mãn của giọng hát, Khát vọng hẳn là bước đà để Thắng Lợi còn tiến xa.
Khát vọng chọn lọc các bài hát từ trữ tình cách mạng đến tiền chiến lãng mạn, ca khúc chính trị rồi nhạc nhẹ;tất cả làm toát lên chất giọng sáng, kỹ thuật chín của Lợi. Anh liên tục khoe những quãng ngân dài khiến khán giả không thể không vỗ tay. Phong thái tự tin của Lợi hôm nay khác hẳn với liveshow giới thiệu đĩa Tình ca hồi 2014.