Bỗng dưng “thủng” đất làng

Hố sụt lún xuất hiện ngay dưới nền nhà dân gây mất an toàn, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân
Hố sụt lún xuất hiện ngay dưới nền nhà dân gây mất an toàn, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân
TP - Hiện tượng sụt lún đất từ trong nhà, giữa vườn cây hay ngoài đồng ruộng thuộc xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) xảy ra thường xuyên từ nhiều năm nay, gây bất an cho hàng nghìn người dân.

Sụt đất bất kỳ đâu

Gia đình bà Nguyễn Thị Huyên (thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân) sống cách vành đai mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm khoảng 300 mét. Gần đây, khu vực quanh nhà bà Huyên bất ngờ xuất hiện 5 điểm sụt lún khiến cả gia đình bà sợ hãi. Bà Huyên cho biết, ban đầu sụt lún đất chỉ xảy ra tại một điểm phía sau nhà, sau đó, hố sụt được lấp. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, khu vực nhà bà Huyên xuất hiện thêm 3 điểm sụt lún ngay dưới nền nhà, gây nguy hiểm cho sinh hoạt thường nhật của cả gia đình.

Không riêng tại hộ bà Huyên, tình trạng sụt lún đất có thể xảy ra bất cứ đâu, từ trong nhà, giữa vườn cây, hay ngoài đồng ruộng trồng lúa tại xã Phong Xuân. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn lại tỏ ra bất lực trong việc tìm giải pháp tối ưu để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Theo phản ánh của người dân, từ năm 2014, khi mỏ đá nguyên liệu sản xuất xi măng của Nhà máy Cổ phần Xi măng Đồng Lâm đi vào hoạt động tại xã Phong Xuân, việc nổ mìn, khai thác đá thường xuyên, cường độ lớn đã làm hàng loạt nhà dân bị nứt, đất đai sụt lún nghiêm trọng; ô nhiễm tiếng ồn và tụt mạch nước ngầm cũng xảy ra trên diện rộng… Tình trạng này khiến hàng nghìn người dân tại Phong Xuân sống trong bất an, sợ hãi.

Vấn nạn sụt đất xuất hiện ngày càng nhiều hơn, mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Theo báo cáo ban đầu của UBND xã Phong Xuân, trên địa bàn hiện có 72 hố sụt lún, với đường kính từ 0,3 đến 3,5 mét, độ sâu 0,5 đến 3 mét. Đặc biệt, có những hố sụt lún cách xa mỏ đá xi măng Đồng Lâm từ 1 đến 2 km. Các hố sâu xuất hiện chủ yếu trên đất nông nghiệp, đất mồ mả và ngay ở nhà của dân.

Chưa có giải pháp?

Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của dân về tình trạng nhà cửa nứt toác, đất nền nhà, đất ruộng lúa bị sụt, thủng ở nhiều vị trí, chính quyền địa phương đã phối hợp với Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng rạn nứt và lập biên bản hiện trường đối với từng ngôi nhà dân bị ảnh hưởng. Qua 2 đợt khảo sát, chính quyền địa phương ghi nhận có 127 nhà bị ảnh hưởng, rạn nứt.

 
Bỗng dưng “thủng” đất làng ảnh 1 Hố sụt lún tại nhà bà Nguyễn Thị Huyên (thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, TT-Huế).

Ông Toàn cho biết thêm, tại nhiều cuộc họp, chính quyền địa phương đã yêu cầu Cty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm có giải pháp đảm bảo an toàn và hạn chế rung chấn, khói bụi trong việc nổ mìn khai thác đá, phải làm hàng rào bảo vệ xung quanh khu mỏ.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, chính quyền huyện đã đề xuất UBND tỉnh TT-Huế có chủ trương lập đề án di dời các hộ dân nằm trong phạm vi cách mỏ đá 300 mét. Đối với 26 ha đất nông nghiệp trong phạm vi 200 mét xung quanh khu mỏ đá vôi, chính quyền huyện đã đề nghị UBND tỉnh TT-Huế cho lập đề án đền bù, thu hồi đất; đồng thời, chuyển đổi cây trồng phù hợp với diện tích đất nông nghiệp xung quanh mỏ đá vôi.        

Mỏ đá xi măng Đồng Lâm thuộc Cty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác trên diện tích 90,5ha; trữ lượng 49.595.788 tấn; công suất khai thác 1.752.075 tấn/năm; thời gian khai thác 30 năm

MỚI - NÓNG