Bỗng dưng bị... ghẻ dù rất sạch sẽ

Bỗng dưng bị... ghẻ dù rất sạch sẽ
TP - Từ đầu hè tới nay, không biết vì sao cháu bỗng nhiên bị ghẻ, dù cháu là người ưa sạch sẽ. Có người bạn cho một ống thuốc ngoại nói là rất tốt, nhưng cháu bôi bệnh càng nặng thêm.

Từ đó, cháu không dám dùng tân dược nữa, dù những ngày nắng nóng ngứa rất khó chịu. Mong được hướng dẫn giúp cách dùng thuốc Nam để chữa ghẻ.

(Lê Thị Thanh Mai, Hà Đông, Hà Nội)

+ Đáp:

Ghẻ là một bệnh ngoài da khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ nhỏ, thanh niên sống tập thể, người cao tuổi và những người cơ thể suy yếu, sức chống bệnh giảm. Bệnh ghẻ rất dễ lây lan từ người này sang người khác, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp, nhưng cũng có thể qua những vật dụng sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

Bỗng dưng bị... ghẻ dù rất sạch sẽ ảnh 1

Bệnh ghẻ gây ra bởi con "cái ghẻ"- một loại ký sinh sinh trùng sống trên da, có tên khoa học là Sarcoptes Scabiet . “Cái ghẻ” có kích thước bằng khoảng 1/4mm, nhìn bằng mắt thường có thể thấy được, trông như cái chấm trắng đục. Bình thường, ban ngày cái ghẻ nằm yên trong các “hang” - những mụn nước nhỏ, ban đêm thì chui ra khỏi “hang” và đẻ trứng trên những rãnh nhỏ trên da. Cái ghẻ có thể bò sang hoặc đẻ trứng trên người khác, khiến bệnh lây lan. Thông thường, sau khi bị lây nhiễm khoảng 5-7 ngày, bắt đầu xuất hiện những mụn nước ở những vùng da non, như kẽ ngón tay ngón chân, mặt trước cổ tay, nách, quanh rốn, bẹn, mặt trong đùi và mông, rất ngứa, nhất là vào ban đêm, hoặc khi gặp nóng.

May thay, mụn ghẻ không xuất hiện ở mặt, trừ trường hợp trẻ nhỏ, hoặc ghẻ Na-Uy. Mụn ghẻ còn xuất hiện ở cả bộ phận sinh dục, từ đó lây lan, nên Tổ chức Y tế Thế giới xếp bệnh ghẻ vào loại bệnh lây lan qua đường tình dục.

Nếu không điều trị ngay, cùng với những mụn nước, sẽ xuất hiện thêm những "rãnh ghẻ", dài vài mm, hơi cộm; đó là những "đường hầm" do cái ghẻ đào ở dưới da. Một số trường hợp, da còn bị nổi cục cứng dưới da, hoặc bị "chàm hóa": Trên da xuất hiện những mảng đỏ hồng, rỉ nước, rất ngứa. Trường hợp nặng, vết thương do ghẻ có thể bị nhiễm liên câu khuẩn, dẫn tới viêm nang lông, viêm hạch, viêm da mủ, thậm chí viêm cầu thận cấp.

Bệnh ghẻ có thể chữa khỏi bằng tân dược, nhưng cần được sự hướng dẫn của thầy thuốc; không tự dùng thuốc bôi bừa bãi theo lời mách bảo, nhất là thuốc có chứa corticoids. Còn muốn chữa trị bằng thuốc Nam quanh nhà, bạn có thể sử dụng một số thuốc rửa ngoài và uống trong như sau:

- Thuốc tắm rửa, bôi ngoài: Có thể sử dụng các thứ lá sau, để nấu nước tắm, hoặc xát vào mụn ghẻ, như: Rau ngổ, nghể răm, lá xoan, vỏ cây trẩu, lá trúc đào, ... Chỉ cần chú ý là, khi sử dụng tránh để nước thuốc dây vào mắt, miệng.

- Cồn thuốc tự chế: Dùng củ bách bộ 250g, xà sàng tử 250g, cồn 75% 4000ml (4 lít), ngâm trong 15 ngày, lọc lấy cồn thuốc (bỏ bã) để sử dụng. Bách bộ và xà sàng tử đều là những vị thuốc có khả năng tiêu diệt cái ghẻ và nhiều loại vi khuẩn khác; ngoài ra, xà sàng tử còn có tác dụng chống ngứa rất tốt. Cách dùng: Dùng bông thấm cồn thuốc, bôi khắp người, từ cổ trở xuống, ngày bôi 1 lần, liên tục 5 ngày. Bệnh viện Triết Giang (Trung Quốc) đã thử nghiệm sử dụng loại cồn thuốc này điều trị cho 152 ca ghẻ, kết qủa rất tốt, hiệu suất khỏi bệnh đạt 90%.

- Thuốc uống hỗ trợ: Trong thời gian bôi cồn thuốc, hoặc tắm xát lá thuốc, có thể dùng thêm: Nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 10g, thương nhĩ tử (qủa ké đầu ngựa, sao vàng, cho cháy hết gai), kinh giới 4g, cam thảo 4g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

- Thuốc uống củng cố: Khi bệnh đã thuyên giảm, hoặc khỏi bệnh, để bồi bổ khí huyết, tăng cường sức chống bệnh, có thể dùng: Hoàng kỳ 10g, đương quy 8g, sắc nước uống trong ngày, mỗi tháng uống 10 ngày, trong 3-4 tháng.

Lương y Hư Đan
Tri Thức Trẻ
Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG