Không phải vô cớ, giới bóng đá vừa qua đánh giá, việc LĐBĐVN (VFF) chọn thời điểm tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 8 đúng thời điểm AFF Cup 2018 đang diễn ra là một “nghệ thuật”. Truyền thông gần như không có đủ dung lượng để phân tích những vấn đề còn tồn đọng của VFF, cũng như chỉ ra những điểm khiếm khuyết.
Kết quả của nó là VFF đã tổ chức đại hội kín, đóng cửa với giới báo chí, thay vì mở rộng như nhiệm kỳ trước đó. Đây là một bước lùi về sự minh bạch và công khai, điều đáng tiếc là từ Bộ VH-TT&DL đến Tổng cục TDTT đều không có ý kiến nào. Kết quả của nó là có những vị trí trong đội ngũ lãnh đạo VFF được bầu nên mà đến giờ này, người trong giới vẫn chưa hết sốc, ngỡ ngàng.
Nhắc lại chuyện này bởi bóng đá Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn để phát triển lên một nấc mới. Tôi từng cho rằng, thành công lớn nhất của bóng đá Việt Nam vừa qua là tạo nên một thế hệ ngôi sao mới, được đông đảo người hâm mộ yêu mến. Bóng đá để cuốn hút CĐV thì không chỉ cần tốt về chất lượng mà cần cả đẹp về hình ảnh. Khi đó, nguồn lực trong xã hội đầu tư cho bóng đá sẽ đặc biệt lớn.
Xin chỉ ra một ví dụ. Với vị trí Á quân U23 châu Á, đội tuyển U23 Việt Nam đã được thưởng hơn 50 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Con số này tương đương khoảng 1/3 nguồn thu của VFF trong năm 2017. Rõ ràng, lâu nay bóng đá Việt Nam chỉ quen tiêu tiền của các ông bầu, nhưng chưa biết cách phát huy hết tiềm năng của mình để tự kiếm tiền.
Thật ra ngoài thành tích, yếu tố khiến người hâm mộ yêu mến đội tuyển Việt Nam hiện nay là lối chơi đẹp mắt, sự đoàn kết và quan trọng nhất là “sạch”. Chính vì vậy, để duy trì và tận dụng được cơ hội trước mắt, đội ngũ lãnh đạo VFF phải là những người thực sự “sạch”, bên cạnh năng lực chuyên môn. Lãnh đạo có “sạch sẽ” thì mới có thể đòi hỏi bóng đá sạch để kiếm tiền.
Với những gì diễn ra ở Đại hội 8 VFF vừa qua, đây có thể là thách thức lớn nhất với bóng đá Việt Nam thời gian tới, cần có sự quan tâm của những người có trách nhiệm.