Bóng đá Việt Nam mơ đi World Cup, tại sao không? ​

Bóng đá Việt Nam mơ đi World Cup, tại sao không? ​
TPO - HLV Park Hang Seo và đội tuyển đã đem niềm tin trở lại với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Làm sao để thành tích hôm nay tiến bước vững chắc, nguồn lực đầu tư cho bóng đá thêm dồi dào để hiện thực hóa giấc mơ bóng đá Việt Nam có mặt tại VCK World Cup.  

Đó là những ý kiến tâm huyết, những trăn trở của các chuyên gia, HLV, lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Tổng cục TDTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tại tọa đàm “Để bóng đá là môn thể thao quốc gia” do Báo Tuổi Trẻ vừa tổ chức tại Hà Nội.

Tại toạ đàm, cựu danh thủ Đặng Phương Nam người đã gắn bó với bóng đá Việt Nam trong rất nhiều vai trò: cầu thủ, HLV và giờ là bình luận viên bóng đá, cho biết chưa bao giờ bóng đá lại được nói đến nhiều như trong năm 2018.

Đặng Phương Nam chia sẻ: “Nhiều người hỏi tôi rằng thành tích nào với bóng đá Việt Nam là vinh quang nhất trong năm 2018 ? Thành tích của đội tuyển Việt Nam là tuyệt vời nhưng với tôi, tình yêu và niềm tin của người hâm mộ với bóng đá Việt Nam mới là điều quan trọng nhất. Nếu như trước kia khi đội tuyển thi đấu người hâm mộ luôn nghi ngờ vào những tiêu cực, lo sợ có sự dàn xếp tỉ số, cầu thủ đá không thực. Những tiêu cực trong bóng đá thậm chí ám ảnh người hâm mộ. Thế nhưng lối chơi và thành tích của người hâm mộ Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo đã mang niềm tin trở lại. Đây là thành quả của cách làm bóng đá tử tế trong những năm qua của bóng đá Việt Nam”.

Đồng ý kiến, nhà báo Vũ Quang Huy- giám đốc kênh VTC3, cho biết tài sản vô giá của bóng đá Việt Nam chính là tình yêu của người hâm mộ. Anh Quang Huy nói một đồng nghiệp quốc tế đã chia sẻ rằng, tình yêu bóng đá của người Việt Nam rất kỳ lạ. Dù trình độ bóng đá Việt Nam còn hạn chế nhưng tình yêu bóng đá của người Việt thì không thua kém nước nào trên thế giới. “Nếu nói Brazil yêu bóng đá nhất thế giới thì chắc Việt Nam là thứ hai”, nhà báo Quang Huy chia sẻ.

Trong khi đó, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải cho rằng: “Để bóng đá là môn thể thao quốc gia” quá hay và kịp thời trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang có thành công trên đấu trường khu vực và châu lục. Thế nhưng khi mà chưa ai phong bóng đá là môn thể thao quốc gia thì bản thân nó đã là môn quốc gia rồi. "Không có nước nào mà hàng trăm ngàn người xuống đường để đón đội giành HCB U23 châu lục, đài truyền hình quốc gia dành 7 tiếng liên tục để truyền hình trực tiếp lễ đón đội về nước. Nếu bóng đá không có chiến thắng thì không có niềm cảm hứng, đội về nhì cũng bị lãng quên. Vì thế cách làm bóng đá phải căn bản thì mới có thể đi xa. Chuyên môn và nguồn lực tài chính là hai yếu tố rất quan trọng để phát triển bóng đá", ông Vũ Mạnh Hải nói.

Từng là cầu thủ thế hệ “vàng” của bóng đá Việt Nam, sau đó chuyển sang huấn luyện và giờ là một doanh nhân, Triệu Quang Hà cho biết bóng đá là đam mê suốt cuộc đời anh. Là ông chủ công ty xây dựng nhưng Quang Hà chia sẻ anh lấy xây dựng để nuôi bóng đá, giờ anh đang sở hữu CLB hạng Ba mang tên Phù Đổng. Tiền là yếu tố cực kỳ quan trọng trong bóng đá, làm sao để thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá.

Cựu danh thủ Triệu Quang Hà nói: “Giải vô địch quốc gia muốn tốt thì hệ thống các giải thấp hơn phải đông, nhiều CLB. Thế nhưng V-League hiện nay thì đông mà các CLB hạng dưới lại ít, chân đến không rộng thì khó mà phát triển bền vững được. Doanh nghiệp lớn thì tài trợ cho CLB lớn, doanh nghiệp nhỏ như tôi có thể đồng hành với các CLB hạng thấp hoặc một CLB có thể kêu gọi nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia tài trợ. Làm sao bóng đá phải thu hút được nhiều nhất các nguồn lực thì mới có tiền để phát triển. Thế nhưng muốn xin được tiền từ doanh nghiệp thì phải biết trả quyền lợi cho doanh nghiệp chứ hiện nay CLB chỉ biết xin tiền về tiêu. Các CLB cũng có cử người đi học bóng đá ở nhiều nước nhưng nhiều người đi về không đủ trình độ để áp dụng với CLB của mình”.

Có mặt tại World Cup là giấc mơ với mọi người dân Việt Nam, nếu biết tận dụng cơ hội, đầu tư bài bản, thu hút được nhiều nguồn lực thì việc VN có mặt tại World Cup 2026 khi FIFA nâng số đội tham dự lên 48 không phải quá xa vời. Ông Ngô Tử Hà- nguyên phó chủ tịch VFF cho biết mọi chiến lược, sách lược với bóng đá Việt Nam đều đã có giờ chỉ nên tập trung hành động. “Nếu bóng đá Việt Nam thực hiện được các mục tiêu đã đề ra từ 10-20 năm trước thì giờ cũng dự World Cup rồi”, ông Hà chia sẻ.

MỚI - NÓNG