Bóng đá Việt: Đằng sau một cuộc 'cách mạng'

Trọng tài nhắc nhở các cầu thủ đội Long An trong vụ việc “bỏ cuộc” đầy tai tiếng trên sân Thống Nhất.
Trọng tài nhắc nhở các cầu thủ đội Long An trong vụ việc “bỏ cuộc” đầy tai tiếng trên sân Thống Nhất.
TP - Cải tổ nền bóng đá Việt Nam là việc nên làm, tuy nhiên, lợi dụng khẩu hiệu “chấn hưng bóng đá Việt Nam” để mưu cầu lợi ích cá nhân lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Từ giữa năm 2016 cho tới nay, đã có cuộc vận động của những người tự nhận là hâm mộ bóng đá Việt Nam và muốn chấn hưng bóng đá Việt Nam. Thành phần nhân sự của cuộc “cách mạng” này khá đa dạng, và có cả những người từng là thành viên của VFF ở các nhiệm kỳ trước.

Thay đổi bóng đá Việt Nam theo hướng tích cực là mong muốn của những người hâm mộ chân chính, bởi bóng đá là môn thể thao nhận được sự quan tâm của đông đảo xã hội, và sự thực là bóng đá Việt Nam trong thời gian qua cũng nảy sinh một số vấn đề khiến dư luận bức xúc, mà điển hình là vụ việc bỏ cuộc của các cầu thủ Long An ngày 19/2 vừa qua trên sân Thống Nhất.

Tuy nhiên, lợi dụng khẩu hiệu “chấn hưng bóng đá Việt Nam” để mưu cầu lợi ích cá nhân lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Bóng đá Việt Nam đúng là vẫn còn một số tồn tại nhưng bên cạnh đấy là những điểm sáng mà mọi người đều phải thừa nhận, như thành tích ấn tượng của Đội tuyển futsal và ĐT U19 Việt Nam khi đều giành vé tham dự World Cup. Sẽ không vấn đề gì nếu như những người tham gia hô hào “cải tổ bóng đá Việt Nam” đều thực sự hành động với cái tâm trong sáng, và trước đấy họ đã có những đóng góp thiết thực cho bóng đá Việt Nam, dù chỉ dừng lại ở mức độ lời nói.

Thế nhưng, như chúng tôi đã đề cập ở trên, trong số này có những người từng đảm nhận chức vụ khá cao ở VFF, và trong thời gian mà họ tại nhiệm, bóng đá Việt Nam cũng gặp phải những vấn đề hệt như bây giờ, song thành tích của các ĐTQG ở sân chơi quốc tế thì lại không được như hiện tại. Thậm chí, trong nỗ lực để giữ lại vị trí của mình khi sắp mãn nhiệm (nhưng bất thành), có người từng gây ra những vụ rắc rối không nhỏ cho bóng đá Việt Nam.

Có những người đã vắng bóng hoặc im hơi lặng tiếng trong thời gian khá lâu của đời sống bóng đá Việt Nam bây giờ đột nhiên muốn tái xuất hoặc đánh bóng lại tên tuổi, và phương pháp dễ nhất mà họ hay làm chính là chỉ trích, tấn công VFF, VPF với những vấn đề mà các tổ chức, đơn vị này đang gặp phải.

Đấy được cho là những động lực khiến họ tích cực xung phong kêu gọi thay đổi bóng đá Việt Nam, chỉ có điều là toàn thấy họ kịch liệt phê phán những tồn đọng hiện tại của bóng đá Việt Nam, chứ ít thấy họ đưa ra được những biện pháp tốt hơn, hứa hẹn hơn để giúp nền bóng đá có được diện mạo khác trong tương lai gần.

Trong “chiến dịch chấn hưng bóng đá Việt Nam” này, có một vị lãnh đạo bóng đá Việt Nam nổi tiếng với những phát ngôn bộc trực, đôi lúc tới mức cảm tính, chủ quan, thường xuyên được những người tham dự “chiến dịch” đưa ra như là lá cờ đầu để dẫn dụ sự chú ý của dư luận, cho dù vị lãnh đạo này đã nhấn mạnh ông chỉ phát biểu với tư cách cá nhân.

Có nhiều điều để nói đằng sau cái được gọi là “cuộc cách mạng nhằm chấn hưng bóng đá Việt Nam” này, và trong đó điều đáng nói chính là việc nó gần như không tạo được ảnh hưởng nào trong đời sống bóng đá, cho dù những người tham gia đã cố gắng duy trì “phong trào” từ giữa năm ngoái cho tới nay, và vụ việc của đội Long An hồi tháng 2 vừa qua cùng những bức xúc liên quan tới công tác trọng tài ở V-League 2017 đã được họ khai thác triệt để nhằm khuấy động sự chú ý của dư luận.

Người ta vẫn hay nói: “Chỉ có trái tim mới gọi được trái tim” và có lẽ câu nói này rất ứng nghiệm với trường hợp của cái gọi là cuộc “cách mạng” kể trên, bởi một khi nó không được khởi xướng vì những mục đích trong sáng, cao cả thì khó lòng nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng của xã hội.

Sau hàng loạt rắc rối liên quan tới trọng tài ở mùa giải 2017, VFF và VPF quyết định điều chỉnh quy trình phân công trọng tài, khi phó Ban Trọng tài Dương Văn Hiền đảm nhận nhiệm vụ phân công trọng tài từ tay trưởng Ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi kèm theo một số thay đổi khác nữa.

Không rõ sự thay đổi này sẽ mang lại hiệu quả đến đâu, nhưng ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, ông Hiền đã có những phát biểu rất hùng hồn kiểu như “Ngay cả trọng tài Nguyễn Trọng Thư nếu làm tốt, tôi tuyên dương, còn không tốt, tôi cũng sẽ xử lý như thường. Không nghĩ Thư là con ông Mùi thì nể nang hay gì khác. Cứ ưu ái con em mình thì gay lắm. Thưởng, phạt phải hết sức công minh thì anh em trọng tài họ mới nghe mình. Không có tình trạng con ông nọ ông kia để mà thiên vị cho nhau”.

Thoạt nghe người ta cứ tưởng ông Hiền còn kiêm luôn cả chức trưởng Ban Kỷ luật và thậm chí là kiêm cả chức lãnh đạo VFF nên mới có quyền hạn xử lý cả sai phạm của trọng tài, chứ chẳng phải ông Hiền thực ra chỉ đảm nhận nhiệm vụ ở Ban Trọng tài, và thực tế ông Hiền cũng chỉ nắm mỗi quyền tham gia phân công trọng tài mà thôi.

Chưa kể trước đây ông Hiền còn không ít lần dính phốt, mới nhất là sự kiện ông Hiền trong vai trò giám sát trọng tài đã bỏ quên tình huống Samson chơi bóng thô bạo với Ngọc Quang ở trận Hà Nội – HAGL hồi tháng 1 năm nay, khiến Tổng cục TDTT và VFF phải vào cuộc để phạt nguội Samson.

Khi tiếp nhận một công việc nhạy cảm và phức tạp như phân công trọng tài, lẽ ra ông Hiền nên âm thầm vào cuộc để hạn chế mọi thị phi rắc rối nếu có thì ông lại chọn cách làm hoàn toàn trái ngược. 

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.