Bóng đá thời giảm phát

Bóng đá thời giảm phát
TP - Bóng đá Việt Nam đã trở nên khó khăn hơn trong thời buổi lạm phát. Ngay cả những đội bóng có tiếng nhà giàu cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Thời cực thịnh của các cầu thủ Việt đã qua cách đây vài năm, các ông bầu đua nhau đổ tiền vào làm bóng đá, sẵn sàng chi mức lương cao ngất ngưởng cùng số tiền lót tay lên đến hàng tỷ đồng để chiêu mộ các cầu thủ.

Tuy nhiên, thời hoàng kim như trên đã lui vào dĩ vãng. Hai năm gần đây kinh tế khó khăn, nhiều ông bầu làm ăn thua lỗ hoặc không còn được như trước, dẫn tới việc họ không còn vung tiền mạnh tay vào các đội bóng nữa. Vì vậy, cầu thủ Việt Nam cũng ảnh hưởng theo.

Chuyện kêu ca vấn đề lương, thưởng từ Sài Gòn XT, V.Ninh Bình đến B.Bình Dương, rồi Navibank SG… cũng đều như nhau. Hiện tại đã là tháng 7 nhưng các học trò của HLV Nguyễn Văn Sỹ vẫn chưa nhận được lương tháng 5. Thậm chí nhiều cầu thủ còn chưa được nhận hết tiền lót tay dù hợp đồng họ đã ký tới hơn năm nay.

Đội bóng Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn về kinh tế. Những mùa trước mỗi trận thắng đội bóng xứ Thanh được thưởng cả tỷ đồng, nhưng năm nay con số trên chỉ là 500 triệu.

Hàng loạt đội bóng khác ở khu vực phía Bắc cũng không còn được các ông bầu rót tiền rầm rộ như xưa, chuyện chậm thưởng, chậm lương là điệp khúc hằng ngày.

Để đảm bảo ngân sách hoạt động, lãnh đạo SLNA thậm chí còn nghĩ ra phương thức chỉ đem đi chừng hơn 15 cầu thủ cho mỗi trận đấu sân khách, còn V.Hải Phòng và Navibank Sài Gòn thì tinh giản biên chế.

Các đội bóng phía Nam cũng cùng một tình cảnh. Ngay vào thời điểm hiện tại, rất nhiều cầu thủ vừa ký mới hợp đồng với B.BD vẫn chưa nhận đủ phí hợp đồng (tiền lót tay).

Sau những sự việc lùm xùm xung quanh việc cầu thủ Ricardo đòi kiện tụng đội bóng mình đã thi đấu ở giai đoạn 1, Navibank SG đã chấp nhận bồi thường một tháng lương và chi phí vé máy bay để Ricardo ký vào giấy thanh lý hợp đồng với Navibank SG.

Ở Sài Gòn người ta đang đồn đoán nguồn tin rằng nhiều khả năng hết mùa giải năm nay, cả Navibank SG và Sài Gòn XT sẽ thêm một lần nữa thay tên đổi chủ, khi chủ sở hữu của 2 CLB này không còn khả năng huy động nguồn tài chính.

Trở lại vấn đề mua cầu thủ, hiện nay có xu hướng đầu tư khôn ngoan là tính đến các cầu thủ trẻ có tiềm năng nên rất nhiều CLB đã khởi động chiến dịch “đong lúa non”.

Dù tình hình kinh tế có suy thoái, các đội bóng nghèo tiền bạc vẫn cứ lo lắng trước nạn “chảy máu” chất xám. Như một vòng luẩn quẩn, không có tiền nên không giữ được ngôi sao, thiếu ngôi sao nên thành tích kém, thành tích kém thì không kiếm được nhà tài trợ và càng nghèo hơn, càng bị chảy máu chất xám.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG