Một buổi chiều đá bóng thanh bình trên đảo Trường Sa lớn . |
Bởi nói như một bạn đồng nghiệp thì: “Quanh năm suốt tháng, viết về bóng đá rồi, bây giờ hãy sống với những gì ngoài bóng đá…”. Sự thật, lời của bạn đồng nghiệp rất có cơ sở, bởi ở những hòn đảo ngoài biển khơi, bóng đá hẳn phải là một cái gì đó xa lạ và xa xỉ lắm. Thế nhưng càng đi, càng sống với những người lính đảo, tôi càng thấy rằng mình đã nhầm to.
Những nỗi niềm cùng bóng đá…
Điểm đến đầu tiên mà con tàu HQ 957 tiếp cận là nhà giàn DK 1/20 được dựng lên giữa mênh mông biển trời. Ở nơi ấy, chủ đề được nói tới nhiều nhất là chuyện bảo vệ tổ quốc, là cuộc sống vượt lên mọi gian khó của những người chiến sĩ. Thế nhưng khi nhận ra tôi – “cái anh chàng đầu trọc, thi thoảng vẫn bình luận bóng đá trên ti vi” thì rất nhiều chiến sĩ đã “quây” tôi về bóng đá. Mà thú vị lắm, ở nơi xa xôi này, không ngờ là những chiến sĩ của chúng ta vẫn nắm “thời sự bóng đá” một cách sát sạt, nào là chuyện Chelsea đang dẫn đầu giải ngoại hạng Anh như thế nào, tới chuyện V.League đang diễn biến ra sao. Thì ra, lính nhà giàn vẫn theo dõi bóng đá qua sóng của VTV. Trong cuộc bình luận bóng đá sôi nổi, một chiến sĩ bất chợt hỏi tôi: “Anh tặng chúng em một tờ báo Bóng đá được không?”. Lúc ấy, tôi thực sự giận mình vì đã đãng trí tới mức khi bước chân lên con tàu HQ 957 lại quên không mang theo tờ báo thể thao nào.
Nhưng giờ nghĩ lại, chợt hỏi: mình có đáng giận thật không nhỉ? Bởi trước khi ra thăm những người lính đảo, chẳng phải riêng tôi, mà rất nhiều đồng nghiệp của tôi cũng từng nghĩ là ở đó không có chỗ cho… bóng đá đó sao?
Khi con tàu đưa chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn – thủ phủ của huyện đảo Trường Sa thì rất tình cờ, đấy cũng lại là lúc chiếc ti-vi trong phòng quân y đang tường thuật trực tiếp trận đấu Ninh Bình – Thanh Hoá ở V.League. Và thế là chẳng hẹn mà gặp, tôi bỗng nhiên được hưởng cái cơ may xem bóng đá cùng lính đảo. Vì thế mà vừa xem bóng đá, tôi lại vừa được biết thêm những câu chuyện… ngoài bóng đá, liên quan đến những sự hy sinh cao cả. Đấy là sự hy sinh của một người chiến sĩ quyết bảo vệ nhà giàn trong cơn cuồng phong của biển cả. Đến khi không thể bảo vệ được nữa, khi mà sóng cứ gầm thét lên, còn gió ào ạt cuốn đi từng mảng sắt thì anh đã cuốn chặt lá cờ tổ quốc lên mình mà hiên ngang, anh dũng ra đi…
Nghe câu chuyện này, một suy nghĩ chợt loé lên trong tôi: Nếu tất cả những tuyển thủ bóng đá Việt Nam đều biết đến sự hy sinh cao cả đó, nếu tất cả họ được một lần đặt chân đến Trường Sa để nhìn thấy những người lính trung thành và anh dũng – những con người sẵn sàng hy sinh cả thân thể mình để bảo vệ biển trời Tổ quốc, thì liệu nền bóng đá của chúng ta có từng phải chứng kiến thực cảnh bán độ (một hành vi làm hoen ố hình ảnh quốc gia) như đã xảy ra năm 2005 hay không?
…Và những trận bóng đá
Những người lính Trường Sa không chỉ nói về bóng đá, xem bóng đá, mà còn tạo nên một phong trào bóng đá khá sôi nổi. Ở đảo Trường Sa Đông, cứ tầm cuối giờ chiều là những người lính lại tụ tập với nhau trên một chiếc sân bóng đá mi-ni 6 người. Thiếu uý Nguyễn Văn Phấn bật mí về những trận đấu này: “Cái khó nhất khi đá bóng ở trên đảo là phải chống chọi lại sức gió. Vì nhiều thời điểm gió quá lớn, nên chúng tôi sút một đằng thì quả bóng lại bay một nẻo. Thành thử, cầu thủ đá bóng giỏi ở trên đảo không hẳn là cầu thủ có thể lực tốt nhất hay kĩ thuật điêu luyện nhất, mà phải là người có khả năng… tính sức gió chuẩn nhất”.
Chiếc cầu môn mi ni - “vật bất li thân” trong những trận đấu bóng trên đảo . |
Muốn đá bóng giỏi tất yếu phải tính sức gió giỏi – hoá ra đá bóng ở trên đảo cũng có những cái thú khác hẳn với chuyện đá bóng ở đất liền. Nhưng những cái thú ấy chưa dừng lại đâu nhé! Thiếu uý Nguyễn Văn Phấn vừa kể vừa tủm tỉm cười: “Sau mỗi trận đấu, bên nào thua thường phải làm nhiệm vụ gánh nước cho anh em tắm, hoặc tẩm quất cho anh em đỡ mỏi…”.
Nếu như bóng đá ở đảo Trường Sa Đông chỉ là những trận đấu mi-ni thì ở đảo Trường Sa lớn lại là những trận đấu 11 người khá hoành tráng. Chẳng là trước đây, ở Trường Sa lớn có một sân bóng được xây dựng, mà theo lời kể của chiến sĩ Vũ Mạnh Kiên – người gắn bó nhiều năm với đảo: “Trước khi xây sân, chúng tôi đã phải đi nhặt san hô rồi sau đó phải ươm cỏ khá vất vả. Sau những trận bão lớn, lớp cỏ cũ bị giày xéo, chúng tôi lại phải ươm những lớp cỏ mới mất kha khá thời gian. Nhưng vì tình yêu bóng đá nên ai cũng làm việc nhiệt tình và ai cũng phải thừa nhận là sân bóng của chúng tôi có một mặt cỏ tuyệt vời”.
Nhưng vì phải ưu tiên cho một số công trình khác, nên sân bóng trên đảo tạm thời bị dỡ bỏ. Song cũng chẳng vì thế mà những trận đấu bóng trên đảo mất đi. Hiện nay, chiều nào các chiến sĩ cũng đá bóng cùng nhau trên một khoảnh sân bê tông khá rộng. Được chứng kiến một trận đấu như vậy, tôi có dịp nhìn thấy không biết bao nhiêu nét đáng yêu. Đó là sự đáng yêu của một trận đấu mà người thì chân đất, người thi đi giày, người thì mình trần, người thì mặc áo… Nhưng bất luận thế nào thì sau trận đấu, tất cả đều cười giòn tan. Rõ ràng, quả bóng tròn và những bước chạy đã giúp họ trở nên sảng khoái hơn, tươi tắn hơn rất nhiều.
Nói về chuyện bóng đá trên đảo, Trung tá Phạm Quang Trung (chính trị viên) cho biết: “Cứ vào những ngày lễ lớn của đất nước, như ngày kỷ niệm thành lập Đảng hay thành lập Đoàn, là chúng tôi lại tổ chức một giải bóng đá nội bộ cho chiến sĩ và nhân dân trên đảo”. Theo lời kể của anh Trung, thì nhiều đoàn công tác trên đất liền khi ra đảo cũng thường tham gia những trận đấu giao hữu cùng lính đảo và có một trận giao hữu mà anh nhớ mãi không quên, đấy là trận đấu giữa đội bóng của đảo với đội bóng của các thủ trưởng trên bờ. Nhớ, vì trước trận đấu ấy, nhiều “cầu thủ” của đảo phân vân là đá với các thủ trưởng không biết là có nên đá “hết ga, hết số” hay không? Kết quả là trận đấu ấy, đội bóng của đảo thua 1-2.
Kể tới đây, anh Trung vừa cười vừa nhận xét: “Nhiều khi, nhờ những trận đấu giữa đội bóng của đảo với đội bóng của các đoàn công tác đến từ đất liền mà lính đảo chúng tôi bỗng thấy mình gần gũi với đất liền hơn”.
Có một Trường Sa…rất gần
Trường Sa có xa không? Câu hỏi ấy lởn vởn trong đầu tôi trước cuộc hành trình. Và sau khi mất khoảng 12 ngày trên biển để đi khoảng 10 điểm đảo của huyện đảo Trường Sa, tôi đã có câu trả lời: Trường Sa quả khá xa về mặt địa lý. Nhưng khi nghe lính Trường Sa nói về chuyện bóng đá trên đất liền, rồi chứng kiến những trận đấu bóng ở Trường Sa – vốn không khác là mấy so với những trận đấu bóng ở đất liền thì tôi lại có một cảm nhận khác: Trường Sa rất gần gũi với đất liền!
Bóng đá – một trò chơi tưởng như không thể tồn tại ở những hòn đảo giữa biển khơi của Tổ quốc, ấy thế mà nó vẫn tồn tại, bất chấp mọi bất lợi, khó khăn. Đấy chính là một biểu hiện chứng tỏ những nhịp đập cuộc sống đã lăn, đang lăn, và sẽ mãi mãi lăn ở một huyện đảo xa xôi và vĩnh viễn là máu thịt của đất nước này!
Theo Báo Bóng Đá