Nếu đánh bại CLB TPHCM ở lượt trận áp chót vào chiều qua (13-8), để duy trì cơ hội trở lại V-League, SQC Bình Định sẽ nhận được 2 tỉ đồng tiền thưởng từ lãnh đạo và các nhà tài trợ. Hỏi vô địch hạng nhất qua suốt một mùa chinh chiến, Sài Gòn Xuân Thành nhận được bao nhiêu tiền thưởng từ BTC giải?
Trước vòng 23, để cứu nguy cho đội bóng, lãnh đạo Vicem Hải Phòng đã tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rằng, chỉ cần trụ lại được cho mùa V-League 2012, toàn đội sẽ có 3 tỷ đồng tiền thưởng cứng. 3 tỷ đồng cũng là phần thưởng cứng cho chức vô địch Eximbank V-League 2011 từ BTC giải.
Về lý thuyết, một cầu thủ trụ cột đứng trong hàng ngũ của Sông Lam Nghệ An (SLNA) hay thậm chí cả Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng, có vô địch V-League mùa này, thu nhập cũng chỉ ngang bằng với một đồng nghiệp của Vicem Hải Phòng trụ hạng dù chỉ để tồn tại. Và một cầu thủ hạng nhất ráng đá hết sức để đoạt hạng nhì (chức vô địch Xuân Thành Sài Gòn đã lấy rồi) thì thu nhập vẫn thua xa mức thưởng cuối mùa của Bình Định.
Sở dĩ Hà Nội T&T bây giờ vẫn còn đeo bám SLNA một cách bền bỉ là bởi họ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính của bầu Hiển. Cứ đơn giản mà tính, trung bình mỗi trận thắng Hà Nội T&T được thưởng từ 1 tới 1,5 tỷ đồng, chưa kể nếu vô địch mùa này họ sẽ còn được thưởng nhiều hơn thế.
Một đội bóng khác của bầu Hiển là SHB Đà Nẵng cứ thiếu vắng những lời hứa treo thưởng thì lập tức thể hiện phong độ sa sút tới lạ kỳ.
Rất dễ dàng để nhận ra sự khác biệt giữa V.Hải Phòng có doping tiền thưởng và V.Hải Phòng không có doping tiền thưởng. Ngay cả đội bóng vốn chặt chẽ trong chi tiêu như Đồng Tâm Long An (ĐTLA) cũng đã phải thay đổi để kích thích tinh thần thi đấu của cầu thủ để trụ hạng.
Nếu một ngày nào đó không còn những khoản đầu tư khủng như hiện tại thì bóng đá VN sẽ đi về đâu?