Bóng đá Hồng Kông (Trung Quốc) và huyền thoại về ‘cú sút chết chóc’ của Cầu vương Lý Huệ Đường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước khi có Pele, thế giới từng có một Vua bóng đá khác, là Cầu vương Lý Huệ Đường. Và bóng đá Hồng Kông (Trung Quốc) tuy không có một lịch sử hào hùng, song họ tự hào vì đã sản sinh ra huyền thoại với “cú sút chết người”.
Bóng đá Hồng Kông (Trung Quốc) và huyền thoại về ‘cú sút chết chóc’ của Cầu vương Lý Huệ Đường ảnh 1

Vốn là thuộc địa của Anh, nên bóng đá du nhập vào Hồng Kông (Trung Quốc) từ rất sớm. Không ngạc nhiên khi Hong Kong FC thành lập năm 1898 là một trong những CLB bóng đá lâu đời nhất, và giải bóng đá Hong Kong là giải chuyên nghiệp ra đời sớm nhất châu Á (1908).

Mặc dù vậy, ban đầu bóng đá chỉ dành cho người Anh và giới thượng lưu. Quả bóng được làm thủ công từ 18 miếng da khâu lại với nhau, cùng giày tất, trang phục thi đấu và bọc ống quyển là những trang bị nhập khẩu đắt đỏ. Tất cả nằm ngoài tầm với của người dân bản địa. Dù sao thì họ cũng không hào hứng với môn thể thao kỳ lạ, khi đám đông tranh nhau quả bóng dưới thời tiết nóng ẩm Hồng Kông.

Phải đến thập niên 1910, bóng đá mới bắt đầu sôi động, khi các nam sinh ở những trường công lập thích thú với trò chơi của người Anh, và được ủng hộ bởi các du học sinh trở về từ châu Âu. Sau khi thành lập Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1912, chính phủ Quốc dân đảng cũng khuyến khích bóng đá, chọn CLB Nam Trung Quốc (SCAA), hay còn gọi là Nam Hoa, ở Hồng Kông làm đội tuyển quốc gia. Thời điểm đó trình độ SCAA không thua kém quá nhiều so với các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới. Họ 9 lần vô địch Đại hội thể thao Viễn đông (từ năm 1915 đến 1934) và giành quyền tham dự Olympic 1936.

Bóng đá Hồng Kông (Trung Quốc) và huyền thoại về ‘cú sút chết chóc’ của Cầu vương Lý Huệ Đường ảnh 2

Trận đấu giữa Nam Hoa và ĐT Anh tại Olympic 1936.

Người làm nên sức mạnh của SCAA là Lý Huệ Đường (Lee Wai-tong). Sinh năm 1905 ở Tai Hang, khi đó còn là làng chài của Hồng Kông, Lý Huệ Đường bắt đầu chơi bóng đá bằng cách dùng quả cam hoặc túi cát giả làm trái bóng. Tuy nhiên nhà ông không hề nghèo. Với bố là đại gia xây dựng có 24 vợ và 60 người con, Lý Huệ Đường được vào Học viện Nữ hoàng ở Hồng Kông, tiếp thu nền giáo dục phương Tây và chơi quả bóng da thực sự.

Nghỉ học sớm để phụ bố kinh doanh, song Lý Huệ Đường vẫn tiếp tục chơi bóng đá, gia nhập đội bóng thôn và tỏa sáng, để rồi được tuyển vào SCAA. Chơi trận ra mắt năm 17 tuổi (1922), Lý Huệ Đường sớm trở thành một siêu sao.

Khi SCAA đại diện cho Trung Quốc chơi các giải quốc tế, ông đã ghi 3 bàn chỉ trong vòng 5 phút, giúp đánh bại Nhật Bản với tỷ số 5-1 và lên ngôi ở Đại hội thể thao Viễn đông 1923. Cho đến nay FIFA vẫn công nhận ông là cầu thủ trẻ nhất lịch sử lập hat-trick cho ĐTQG (17 tuổi 212 ngày), còn người trẻ thứ hai là Pele (17 tuổi 241 ngày). Ông còn sở hữu một kỷ lục (không chính thức) khác, là ghi 7 bàn trong một trận.

Bóng đá Hồng Kông (Trung Quốc) và huyền thoại về ‘cú sút chết chóc’ của Cầu vương Lý Huệ Đường ảnh 3

Lý Huệ Đường đã ghi 1.260 bàn thắng trong cả sự nghiệp.

Sở hữu chiều cao vượt trội, song Lý Huệ Đường không sử dụng lợi thế ấy. Người ta nói ông chỉ sở hữu 5 bàn bằng đầu. Điều này dễ hiểu bởi thời đại ấy, quả bóng rất nặng khi ngấm nước và có thể gây chấn thương đầu. Phẩm chất nổi bật nhất của Lý Huệ Đường là những cú sút búa bổ, có thể vì ông tập đá bao cát từ nhỏ. Trong cả sự nghiệp, ông ghi 1.260 bàn thắng. Rất nhiều từ những cú dứt điểm từ xa.

Được mệnh danh là “Thiết cước” (Chân sắt) rồi “Cầu vương”, có rất nhiều giai thoại xoay quanh Lý Huệ Đường. Người ta nói các thủ môn thà tránh đi còn hơn là cố gắng ngăn cản các cú sút của ông. Hoặc năm 1929 khi tới Indonesia du đấu và chạm trán Bacheng United tại Jakarta, Lý Huệ Đường sút phạt trực tiếp làm một cầu thủ Hà Lan ngất xỉu tại chỗ sau khi bị bóng đập trúng đầu.

Ngoài ra ông cũng làm gãy tay nhiều thủ môn trong các trận đấu, thậm chí khiến một người hâm mộ tử vong vì trúng cú đá vào hàm của ông khi anh này lao vào sân trong một vụ xô xát. Tất nhiên, giống như con số 1.260 bàn thắng hay việc từ chối đề nghị chuyển đến Anh chơi bóng của CLB Arsenal, những câu chuyện về Lý Huệ Đường rất khó kiểm chứng tính xác thực.

Bóng đá Hồng Kông (Trung Quốc) và huyền thoại về ‘cú sút chết chóc’ của Cầu vương Lý Huệ Đường ảnh 4

Lý Huệ Đường và bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ khi chơi cho SCAA.

Nhưng các danh hiệu mà ông sở hữu cùng SCAA cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 43, cùng danh tiếng được thừa nhận rộng rãi là có thật. Những năm 1930 ở Thượng Hải có câu, “Kinh kịch phải xem Mai Lan Phương, bóng đá xem Lý Huệ Đường”.

Năm 1976, một tạp chí của Đức đã chọn ra 5 cầu thủ vĩ đại nhất thế giới, bao gồm Pele, Puskas, Di Stefano, Sir Stanley Matthews và Lý Huệ Đường. Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí Tổng thư ký AFC vào năm 1954, Phó chủ tịch FIFA năm 1965, đồng thời được Nữ hoàng Anh vinh danh vì những đóng góp cho bóng đá.

Trước khi qua đời năm 1979, Lý Huệ Đường để lại cho hậu thế 10 cuốn sách có giá trị về bóng đá, đồng thời huấn luyện đội bóng đá nữ Hoa Mộc Lan thành nhà vô địch châu Á.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.