Bolero trong cuộc chơi khác lạ

Cảnh cuối của vở diễn. Ảnh: Nguyễn Quang Vinh
Cảnh cuối của vở diễn. Ảnh: Nguyễn Quang Vinh
TP - Mười hai nhân vật với đối thoại bâng quơ, những ca khúc du dương bảng lảng, ca sĩ Lộc Vàng “bước ra” từ TV ngồi im lặng. Sân khấu là 3 tầng ngôi nhà gần ga Hà Nội. Tác phẩm “Hiệu ứng Bolero” quá khác với hình dung của người lọt casting và khán giả.

Sau hai tháng kể từ lúc khởi động, dự án “Hiệu ứng Bolero” (do British Council -Hội đồng Anh tại Việt Nam tài trợ) đã ra mắt. Theo tác giả, nghệ sĩ (NS) Moi Trần, kịch bản, cảnh diễn, số lượng diễn viên ca sĩ liên tục phải thay đổi để cập nhật với bối cảnh.

Lúc đầu, dự án tuyển chọn được 20 diễn viên đúng tiêu chí: là người bình thường mọi lứa tuổi, có chút giọng hát, có khả năng biểu cảm. Sau khi tiếp xúc kịch bản, 8 người xin thôi vì “hóa ra không hoàn toàn chỉ có hát hò” .

Không phải sân khấu thông thường

Theo dự định ban đầu, vở diễn sẽ tuyển 30-50 ca sĩ hát, chuyển động, diễn kịch trên sân khấu. Kế hoạch này bị hủy khi Moi Trần tìm thấy một căn nhà 3 tầng trong ngõ nhỏ gần ga trung tâm. Ký hợp đồng thuê nhà đó vào 3 ngày cuối tháng 11 xong, chị viết kịch bản theo không gian của từng phòng trong căn nhà.

Khán giả cần đăng ký trước mỗi lượt xem 30 người. Họ xếp hàng trong ngõ, một nhân vật xuống mở cửa, đoàn khán giả bước vào trong. Từ lúc này vở diễn bắt đầu. Ở tầng lửng đầu tiên, trên sofacó ba phụ nữ trò chuyện. Lên tầng hai, trong căn phòng ngủ, trên giường một cặp đôi (không rõ là tình nhân hay vợ chồng) nằm cạnh nhau trò chuyện. Những câu thoại tưởng như không ăn nhập vào nhau. Bước vào phòng khách tầng 2, khán giả thấy chiếc TV đang phát bài “Chuyển bến” (Đoàn Chuẩn, Từ Linh) người hát là ca sĩ Lộc Vàng và người đệm là guitarist Quốc Linh con trai ông. Một người đàn ông trẻ ngồi trên sofanhìn vào TV, đúng lúc này ca sĩ Lộc Vàng từ cầu thang đi lên, vào ghế ngồi cạnh anh kia. Ca sĩ 74 tuổi mặc đúng bộ quần áo vetst sáng màu, thắt cà vạt phong cách thập kỷ 90 đúng như bộ ông đang mặc hát trên TV trước mặt. Kết thúc bài hát. Ông Lộc nhặt lần lượt từng tờ giấy nhỏ trên bàn ghi lời độc thoại ngắn đưa cho người ngồi cạnh. Anh ta đọc từng câu rõ ràng thành tiếng: “Không hình dáng”; “Không nước mắt”; “Không đâu cả”...Sau đó ông Lộc đứng lên đi khỏi phòng.

Hai cô gái mặc váy dạ hội song ca bài “Thuyền” nói về một người cô đơn trên biển, muốn bứt phá khỏi tình trạng lênh đênh. Giữa bài bỗng có một tiếng quát vọng từ đâu đó “Im!”. Họ im một lúc rồi hát tiếp.

“Dự án này tôi không định kể về lịch sử Bolero mà về sự kết nối giữa người Việt với người Việt”.

(Nghệ sĩ Moi Trần)

Trong một phòng khác có ba phụ nữ hát bài “Tiền”. Trên phòng ăn tầng ba, toàn bộ diễn viên (trừ ca sĩ Lộc Vàng) hát chung bài cuối về những góc nhỏ quan sát cuộc sống.

Không phải Bolero thông thường

Nhận sáng tác nhạc cho dự án, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tú thấy khá áp lực với đề bài Moi Trần đưa ra. Moi Trần sẽ viết lời, phần nhạc nền và nhạc các bài hát lấy cảm hứng từ bài “Tiếng Xưa” (nhạc sĩ Dương Thiệu Tước).Càng khó hơn khi Ngọc Tú vừa mới tốt nghiệp ngành Sáng tác Chỉ huy giao hưởng ở Rumani về, chưa từng làm mảng nhạc xưa, lần đầu làm việc với người không chuyên. Không một ai trong nhóm hát biết nốt nhạc. Gần sát nút biểu diễn, mỗi tối các ca sĩ phải đến nhà Tú tập luyện tích cực. Kỹ thuật của nhóm hát tiến bộ vượt bực. Đồng đội đu đưa người hát theo mỗi khi hai ca sĩ Hồ Mỹ Chung và Trần Thị Hảo tập bài “Thuyền”.

Là một trong hai ca sĩ song ca bài “Thuyền”, chị Mỹ Chung chia sẻ “Tôi là nhân viên văn phòng, vì thích hát nên đến casting. Làm quen với kịch bản xong thì khá sốc. Đây không phải Bolero thông thường mà là Bolero đương đại”. Gần ngày diễn, Mỹ Chung gửi clip tập cho bạn bè, mọi người đều ngạc nhiên “đây là Bolero á?. “Cá nhân tôi càng tập càng thấy vào. Với những người thích chinh phục thì dự án này rất hay, đáng để thử sức”.

Giám tuyển Đỗ Tường Linh cho biết dự án gặp nhiều biến động. Kịch bản, diễn viên thay đổi mỗi tuần. “Một số người bỏ, thiếu diễn viên nên chúng tôi phải nhờ ekip nghệ sĩ Nhà Hát Tuổi Trẻ hỗ trợ”. Đạo diễn trẻ Đào Ngọc Hà đảm nhận phần chỉ đạo diễn xuất,diễn viên Hoàng Trang và Trương Mạnh Đạt nhận vai cặp nam nữ trong phòng ngủ. Những người chuyên nghiệp hết mình với cuộc chơi Bolero đương đại mà không hề hỏi trước về thù lao. Hoàng Trang bày tỏ“Dự án nghệ thuật thể nghiệm thường không dư dả tiền, chúng tôi không đặt nặng việc cát-sê”. Vai của Trang tuy nhỏ nhưng chị thích cuộc trò chuyện không liên quan của đôi tình nhân. “Họ chung một giường đấy, mà không thể kết nối với nhau”.

Vinh danh “sự kết nối”

Để phát triển ý tưởng về “Hiệu ứng Bolero với Việt Kiều và người Việt trong nước” tác giả Moi Trần đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn Việt Kiều ở Anh và người Việt trong nước. Nhiều câu nói đã được trích đưa vào lời bài hát và lời kịch. Chị muốn kể một cách trìu tượng chứ không xây dựng cốt truyện, mỗi phân cảnh độc lập như một đoạn phim ngắn. Lênh đênh một mình trên “Thuyền” (ẩn dụ dòng đời) và “Tiền” phá đi mối quan hệ thân thích, cả hai trải nghiệm này người Việt ở quê hương hay ở nước ngoài đều từng biết đến.

Trước dự án, tại Anh chị Moi Trần đã bỏ thời gian nghiên cứu tư liệu về Bolero Việt Nam. Biết chuyện đời đau buồn, oan nghiệt của giọng ca Lộc Vàng, về nước chị đến quán Lộc Vàng nghe ông hát và mời ông tham gia dự án.Sự im lặng tuyệt đối của ông trong cảnh diễn được Moi Trần giải thích: Tôi không để ông hát trực tiếp mà chỉ có hình ông hát trên TV là bởi, tôi không muốn ông kể câu chuyện cá nhân của mình. Ông là một ẩn dụ của số đông những người có số phận không may mắn. Sự im lặng cũng có sức mạnh riêng.

Phần ca sĩ Lộc Vàng, ôngluôn nghiêm túc và phong độ trong các buổi tập, buổi diễn cũng như quay phim. Ông rất muốn được hát trực tiếp trước khán giả nhưng tôn trọng kịch bản. “Chỉ cần biết có người ủng hộ tân nhạc Việt Nam là tôi tham gia thôi”.

Moi Trần đánh số vở diễn là Ensemble 1/1 với dự định sẽ còn tập tiếp theo. “Hiệu ứng Bolerro” sau có thể ở Anh, ở Tiệp... Chị hy vọng lại có câu chuyện hay, nhân vật hay để kểvà  hiệu ứng kết nối cộng đồng người Việt sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn.

MỚI - NÓNG