Thử điểm qua những con số: Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 đã trao 47 huy chương vàng (HCV) và 75 huy chương bạc (HCB) cho diễn viên. Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc cũng năm đó trao 57 HCV và 80 HCB cá nhân. Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 cũng dành 42 HCV và 81 HCB cho các diễn viên. Ở quy mô nhỏ hơn, Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc – 2017 mới đây cũng trao 15 HCV và 21 HCB. Đấy là chưa kể các cuộc Liên hoan như Liên hoan sân khấu thủ đô, Liên hoan sân khấu thử nghiệm… cũng chẳng hiếm chi vàng, bạc.
Những đêm bế mạc, nhìn dòng người lũ lượt lên nhận giải, không ít người lắc đầu: đến bao giờ mới hết được “mưa huy chương”. Bởi lẽ, một cuộc thi được gọi là chuyên nghiệp thì giải thưởng chỉ nên được trao cho những gì tinh túy nhất. Cào bằng đồng nghĩa với việc giết chết nhân tài. Nhiều vàng lắm bạc như thế nhưng ai là sao thực sự của sàn diễn là câu hỏi không dễ trả lời. Trong khi đời sống khó khăn, sân khấu đang bị chảy máu chất xám mà nhìn đâu cũng thấy vàng với bạc. Cứ duy trì cách thức này, liệu có thay đổi được bộ mặt sân khấu?
Đã nhiều người trăn trở bởi sự thừa thãi của vàng, bạc nhưng rồi cũng đành cho qua, thôi thì cứ coi những cơn mưa huy chương ấy là sự giải cơn khát cho những nghệ sĩ cặm cụi với nghề diễn vốn nhiều khó nhọc, gian nan. Có người còn nói, những cơn mưa huy chương ấy không đáng là gì so với những cống hiến của người nghệ sĩ sân khấu trong suốt bao nhiêu năm. Điều này có thể hiểu được bởi trước kia, phải qua 5 năm mới có một kỳ hội diễn được tổ chức. Còn bây giờ, với sự thông thoáng, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (nay được đổi thành cuộc thi) rút xuống còn ba năm, chưa kể các cuộc liên hoan khác cũng được tổ chức nhiều hơn. Các cuộc thi được rút ngắn khoảng cách, thế nhưng cơ chế cho việc chấm giải vẫn giữ nguyên nên người ta có thể nhìn thấy nguy cơ nhãn tiền: bội thực huy chương, thay vì việc đói huy chương như thực tế cách đây hơn 10 năm.
Lâu nay, hầu như 100% các diễn viên được tham gia vai chính, vai thứ chính đều được trao giải huy chương vàng, bạc cá nhân, bất kể khả năng diễn xuất của anh đến đâu. Cứ được chọn vào vai chính, chắc chắn có “vàng” là điều mà diễn viên nào cũng biết. Có nghệ sĩ thừa nhận, “diễn hết nhiệt huyết cũng vàng, diễn một nửa nhiệt huyết cùng vàng. Thế nên đôi khi chẳng tội gì mà khổ”. Một số nghệ sĩ diễn hết mình trên sân khấu là vì khán giả, vì lòng tự trọng nghề nghiệp chứ không hẳn là để lấy huy chương vàng bởi diễn xuất để lấy huy chương vàng dễ hơn diễn xuất để lấy tình cảm của khán giả. Như vậy, giải thưởng cao nhất của một cuộc liên hoan được gọi là chuyên nghiệp từ lâu bị đánh giá thấp hơn những quy chuẩn thông thường về nghệ thuật và trong mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả, trong khi đáng lẽ nó phải đứng ở một đẳng cấp cao hơn.
Giám đốc một nhà hát tại TPHCM cho biết, có những nghệ sĩ biết cách tranh thủ để kiếm về cho mình những tấm huy chương. Đó là khi đến mùa hội diễn thì tham gia vào một đơn vị nào đó tập tành nhằm đạt giải cao nhưng đến khi có huy chương rồi thì lại ra ngoài hoạt động tự do. Cùng quan điểm, diễn viên của một đoàn địa phương bộc bạch: “Một người đánh dậm cũng có thể sở hữu huy chương vàng nếu may mắn được tham gia vai chính. Và thực sự họ chỉ hoạt động nghệ thuật nghiệp dư, có cơ hội thì tham gia vào một vở diễn nào đó dự thi, giành huy chương, sau đó thì đi làm việc khác để kiếm sống”. Có nghĩa, nhiều cá nhân được trao huy chương vàng là nhờ may mắn được chọn đóng vai chính, chứ không hẳn là tài năng. Vì một liên hoan, không thể có đến vài chục tài năng được trao giải vàng như vẫn thường thấy. Cũng chính vì sự dễ dãi này, mà một nền sân khấu èo uột đang có quá nhiều các NSND, NSƯT, đơn giản bởi Vàng, Bạc là con đường dẫn đến danh hiệu mà những nghệ sĩ chân chính luôn mơ ước đạt đến. Những danh hiệu này là những phần thưởng xứng đáng cho sự đóng góp miệt mài của những người nghệ sĩ đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà (dù không có nhiều giá trị về mặt vật chất).
Nhẩm tính sơ sơ, mỗi mùa thi chuyên nghiệp có đến vài trăm nghệ sĩ được nhận huy chương vàng, bạc. Với đà này, chắc chỉ vài năm sau, thì gần hết các diễn viên đều được sở hữu huy chương, và chỉ một thời gian sau, khi các nghệ sĩ đã có đủ số năm công tác, họ có thể sẽ được công nhận là nghệ sĩ ưu tú, rồi nghệ sĩ nhân dân. Và, khi ấy, Việt Nam sẽ lập kỷ lục về số diễn viên, nghệ sĩ đạt huy chương vàng, bạc, cũng như kỷ lục về số lượng nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân nhân. Nhưng những kỷ lục ấy có giúp cho sân khấu tỏa sáng, có khiến khán giả nao nức đi xem các vở giải vàng và các diễn viên vàng?
Bây giờ, liên hoan nào cũng khuyến khích những đơn vị xã hội hóa tham gia. Không thể phủ nhận sự đóng góp của những đơn vị này cho nền sân khấu cũng như cho những cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp từ trước đến nay. Thế nhưng có những đơn vị xã hội hóa hoạt động thường xuyên, cũng có những đơn vị xã hội hóa được thành lập tức thời và tạm thời chỉ nhằm dựng kịch để dự liên hoan, sau đó giải tán. Với kiểu “phân phát” huy chương vàng một cách dễ dãi như những cuộc liên hoan vẫn thấy hiện nay, một số diễn viên vốn trước đây chỉ nhờ vào may rủi được đạo diễn chọn tham gia một vai diễn nào đó trong vở kịch dự liên hoan thì nay nếu có điều kiện có thể tự bỏ tiền túi hoặc kêu gọi tài trợ dựng vở rồi đóng vai chính là có cơ hội sở hữu huy chương vàng. Nếu đoạt giải, cũng không có ai giám sát việc vở diễn đó có được tiếp tục công diễn phục vụ khán giả hoặc diễn viên giải vàng đó có tiếp tục sự nghiệp diễn xuất hay không.
Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, đúng như tên gọi của nó từ nay nên dành cho những lao động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc, đồng thời tôn vinh những tài năng thực sự xuất chúng, chứ không thể “vui cả làng” hay “ai rồi cũng có “vàng”, nếu không phải tập thể thì ít nhất cũng là những cá nhân”. Nhiều người bảo, nếu không trao giải thưởng thì thương. Một đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan đã phải chịu nhiều tốn kém, lại chịu đựng nhiều sức ép giải thưởng từ cấp trên, thế nên không đành để họ ra về trắng tay. Song chẳng lẽ vì thương mà phải “ban phát” quá nhiều vàng bạc? Cứ đà này, rồi sẽ có lúc, ngay cả những nghệ sĩ được giải vàng cũng chẳng coi phần thưởng mình đạt được là cái gì ghê gớm bởi vì họ đã có được nó quá dễ dàng. Và cũng từ đó, danh hiệu NSƯT, NSND được xét tặng dựa trên những giải thưởng này cũng trở nên mất thiêng. Nghệ thuật là mảnh đất dành cho những tài năng, và giải thưởng chỉ nên dành cho một con số rất nhỏ trong những tài năng ấy.