>> 5 học sinh lớp 6 xin giải đề thi đại học 2007
>> Thầy giáo của 5 HS lớp 6 giải được toán 12 tiết lộ bí quyết
>> Lớp 6 giải đề ĐH : Nhiều bạn đọc muốn con theo học
Kết thúc buổi giao lưu, Tổng biên tập báo Tiền phong Dương Xuân Nam đã tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng toàn thể các thầy giáo và các em học sinh. |
Dưới đây là toàn văn nội dung buổi trực tuyến :
Thưa bạn đọc, đúng 9h30 sáng nay tất cả các vị khách mời của chúng tôi đã có mặt tại tòa soạn báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Tổng biên tập báo Tiền Phong Dương Xuân Nam phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến này, ông nói :
Báo Tiền Phong với truyền thống của mình, luôn đi đầu phát hiện, khích lệ những nhân tố mới, những tài năng trên mọi lĩnh vực cho thế hệ trẻ trong suốt hàng chục năm qua. Hôm nay, qua báo Tiền phong điện tử, buổi giao lưu trực tuyến này không nằm ngoài mục đích đó.
Hy vọng qua buổi giao lưu trực tuyến, chúng ta sẽ nhận được nhiều câu hỏi và câu trả lời thú vị bổ ích cho xã hội, cho phương pháp giáo dục nhằm bồi dưỡng những tài năng tương lai của đất nước.
Xin cảm ơn sự có mặt đông đủ của các em học sinh và các vị khách mời ngày hôm nay.
Thạc sĩ toán, Tiến sĩ xã hội học Bế Trung Anh |
Ai đã từng qua nhà trường đều nhận thấy rằng, để học sinh học tốt, người thầy phải có trách nhiệm làm cho trò đam mê môn học. Điều đó sẽ kích thích học trò học tốt hơn. Để làm được một việc gì tốt, trước tiên ta phải có đam mê.
Nhiệm vụ của người làm thầy và người đi trước là cần có định hướng và các phương pháp tiếp cận với các em nhằm làm cho các em phát huy các tố chất của mình. Người thầy cần phải phát hiện ra các tố chất và năng khiếu của các em.
Khách mời : - Thầy giáo Trần Phương - Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ, Liên hiệp hội các hội khoa học Việt Nam. - Thạc sĩ Toán, Tiến sĩ Xã hội học Bế Trung Anh – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Thầy giáo Nguyễn Thượng Võ - Nguyên giáo viên Toán trường Hà Nội Amstecdam. - Các học sinh lớp 6 xin giải đề thi ĐH : Nguyễn Minh Thắng, Ngô Đặng Hải, Lê Nguyễn Vương Linh, Phạm Tiến Long và Hoàng Minh Sơn. |
Sự kiện các em học sinh của thầy Phương đạt được những kết quả tốt trong lần thử nghiệm vừa rồi không chỉ là kết quả của một phương pháp nhất thời mà thầy Phương còn có sự chuẩn bị chu đáo cho cách tiếp cận này. Bắt đầu là game show cho các em tiểu học. Qua game show này, thầy Phương đã chọn được những em có khả năng.
Theo tôi, trước mắt là các môn toán, sau này có thể là các môn khác như lịch sử, địa lý. Điều quan trọng là các em có đam mê hay không. Nếu các em đam mê, các em có thể học tốt. Đó là điều đương nhiên.
Tôi thấy thầy Phương đã chọn được một con đường đi đúng, một cách tiếp cận đúng trong phương pháp giảng dạy.
Thầy Trần Phương |
Quá trình học chuyên Toán tôi cũng đạt được những thành công nho nhỏ nhưng bên cạnh những thành công cũng có những "vực sâu" mà có không ít lần tôi cũng bị sa xuống.
Tôi muốn từ những kinh nghiệm của mình học hỏi từ hệ thống giáo dục chuyên rút ra những kinh nghiệm và truyền lại cho các thế hệ sau để tránh những sai lầm mà chúng tôi mắc phải.
Thời chúng tôi học Toán có những người do không được phát triển tòan diện nên với chân đế không vững đã bị gục ngã trên con đường chinh phục đỉnh cao của Toán học. Tôi quan niệm phương thức dậy học theo hệ chuyên cũ là phương thức theo kiểu con kiến bò ngang trên mặt phẳng. Với các tiếp cận này tầm nhìn bị hạn chế.
Trong quan niệm mới của tôi là phải trang bị công cụ mạnh như: Ngoại ngữ, Tin học, Logic, internet và các phương tiện nghe nhìn… để phát triển nhanh theo trục thẳng đứng. Khi phát triển lên cao chúng ta vẫn kiểm sóat được phía dưới. Một cách hình tượng nhất là việc tham quan Chùa Hương hay Yên Tử. Bò ngang kiểu con kiến là đi theo từng bậc thang còn phát triển theo trục thẳng đứng là đi bằng cáp treo.
Từ những trăn trở, tôi muốn tìm xem những nhược điểm của hệ thống chuyên để góp phần thay đổi theo tinh thần xã hội hóa giáo dục. Tôi thấy tốt hơn là mình tự mình đi theo hướng của mình. Vì thế chúng tôi đã lập ra Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ, Liên hiệp hội các hội khoa học Việt Nam để giúp các cháu khắc phục được những điểm yếu này.
Một trong những kết quả ban đầu của Trung tâm là gameshow “Thần đồng Đất Việt” cho các em học sinh tiểu học. Đây là gameshow đầu tiên của người Việt và được bán bản quyền cho Đài truyền hình (VTC mua bản quyền tháng 3/2006). Đây là bước khởi đầu cho sự ra đời của Club Thần đồng Đất Việt và có thể vươn xa hơn là Trường nội trú đào tạo các học sinh tài năng Việt Nam.
Thầy Nguyễn Thượng Võ |
Vừa qua, Trần Phương có ra một cuốn sách về bất đẳng thức, trong đó trình bày nhiều sáng kiến. Hiện cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Anh.
Tôi nói như vậy để thấy rằng, khi Trần Phương bồi dưỡng học sinh lớp 6 là hết sức tâm huyết. Tôi cho rằng, học là tự do. Ai cũng có quyền học, học tuổi nào cũng được. Tôi hơn 60 tuổi vẫn muốn học vi tính.
Vì thế, tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng, tuổi các em còn nhỏ quá không nên học Toán theo phương pháp như vậy.
Việc học này hoàn toàn tự giác, tôi muốn phỏng vấn các em xem đến lớp thầy Phương vì động lực nào? Nếu các em bảo do bố mẹ ép đi học thì phải xem lại nhưng nếu đến lớp vì đam mê thì theo tôi nên khuyến khích.
Nếu mới học lớp 6 mà có thể giải được Toán Đại học thì nên khuyến khích. Nhưng điều tôi quan tâm là các em có thời giờ để giải trí không? Tôi sợ nhất là học nhiều quá mà không khoa học, không có thời gian vui chơi. Tôi cũng có học sinh học giỏi quá mà thành ra ngớ ngẩn. Vì thế, phải phối kết hợp giữa học và giáo dục thể chất, học mà chơi, chơi mà học.
Sau đây, tôi xin phép được đưa ra 2 bài Toán cho các em xem tư duy của các em như thế nào? Tôi cho rằng, quan trọng không phải là đáp số mà các em đưa ra mà xem cách các em tư duy, giải quyết bài toán như thế nào? Phương hướng giải quyết ra sao? Đề này sẽ cho các em giải trong vòng 10 phút.
Bài 1: Tích phân đi từ 1 đến e của (x2 - x)lnxdx
Bài 2: Tích phân đi từ 1 đến e của (x2 - x)exdx
Các em học sinh lớp 6 đang giải bài toán tích phân của thầy Nguyễn Thượng Võ |
Ở Mỹ có cuốn sách nổi tiếng bán rất chạy năm 2005 là “Chiến lược đại dương xanh”. Đối lập với đại dương xanh là đại dương đỏ- tức là thị trường quen biết với sự cạnh tranh khốc liệt. Tìm đến đại dương xanh chính là mở ra một thị trường mới với những khám phá mới vẫn nằm trong khả năng nhận thức của con người nhưng chưa được đánh thức dậy.
Tôi mở lớp học này nhằm kiểm tra trí tuệ của các cháu và kiểm tra kỹ năng đọc thông tin một cách nhanh nhất. Đây chính là bước thử nghiệm phương pháp cho sự ra đời của CLB Thần đồng Đất Việt. Tôi xin nhấn mạnh rằng lớp học này chỉ được mở 1 lần duy nhất và tôi không cổ súy việc rút ngắn thời gian học Toán đối với các học sinh nói chung.
Chúng ta đã có những chương trình đào tạo âm nhạc cho các học sinh có năng khiếu nhưng chúng ta chưa thực sự có chương trình đào tạo dành cho các học sinh chuyên khoa học tự nhiên. Vì thế mục đích lớn nhất của tôi là xây dựng một chương trình hay mở rộng ra là mô hình dành cho hệ thống chuyên. Chương trình này phải có tầm nhìn để kết nối với chương trình đại học tiên tiến ở nước ngoài và đáp ứng với những tư duy mà cuộc sống đòi hỏi.
Chào em các em ! Anh muốn hỏi các em một câu này nhé. Các em có cảm thấy áp lực nặng nề nào không, khi mà các em phải học những kiến thức quá sức của mình ?(Nguyễn Thanh Tuấn, 26 tuổi, Khối 4- Thanh chương- Nghệ an)
Nguyễn Minh Thắng |
Hoàng Minh Sơn: Mới đầu em cũng thấy kiến thức và khối lượng tương đối nhiều, nên em cũng hơi sợ. Song về sau, em cảm thấy học dễ và thích hơn và tiếp thu nhanh hơn. Em cảm thấy rất phù hợp với bọn em.
Nguyễn Minh Thắng: Ban đầu em thấy kiến thức tương đối nhiều nên cảm giác hơi căng thẳng. Sau đó, em hiểu dần và thấy kiến thức này cũng không quá nặng nề và quá sức của mình, nên bọn em tiếp thu khá tốt.
Các cháu học lớp 6 , trong độ tuổi 11-12, nếu học chương trình để giải được toán lớp 12 , có quá sức với các cháu không ? có phản khoa học không?(Nguyễn Hoàng Kỳ, 50 tuổi, 31 Lê phụng Hiểu P8- Vũng Tàu)
Tiến sỹ Bế Trung Anh: Nếu quá sức, các em không thể đạt kết quả tốt như thế. Theo tôi, nếu thầy giáo có những cách tiếp cận khác với học sinh, sẽ thấy được những khả năng khác của chúng. Theo tôi, khoa học không có nghĩa là chỉ có một cách tiếp cận duy nhất. Ở đây, thầy Phương đã làm cho học sinh rất yêu môn học của mình và chúng không hề cảm thấy bị ép buộc.
Các cháu học lớp 6 , trong độ tuổi 11-12, nếu học chương trình để giải được toán lớp 12 , có quá sức với các cháu không? có phản khoa học không? (Nguyễn Hoàng Kỳ, 50 tuổi, 31 Lê phụng Hiểu P8- Vũng Tàu)
Thầy Nguyễn Thượng Võ: Một số phụ huynh học sinh có ý kiến phản đối là do không hiểu ý đồ của anh Trần Phương. Chương trình của 12 năm mà nhồi, ép vào học sinh lớp 6 là quá căng. Tôi được biết ở nước ngoài, thời gian của học sinh chơi nhiều hơn học nhưng họ vẫn rất giỏi. Vì thế, anh Trần Phương phải giải thích rõ ý đồ của mình để phụ huynh học sinh hiểu và ủng hộ.
Như tôi đã nói, việc học thêm Toán tới lớp 12 hoàn toàn tự giác với niềm đam mê chứ không phải là sự ép buộc. Nó cũng giống như chơi games. Có em thích bóng rổ, có em ham cờ vua nhưng cũng có những em hứng thú với môn Toán. Chúng ta không ép buộc và cũng không thể ép buộc các em.
Tôi cho rằng, khi học sinh đã có niềm đam mê thì mới học giỏi được. Tất nhiên, vai trò người thầy cũng là rất quan trọng.
Tiến sỹ xã hội học Bế Trung Anh:Qua sự kiện này, tôi nhận thấy cần có một công nghệ dạy học để kích thích sự đam mê của học sinh.Điều này không phải là mới, nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được như mong muốn. Rõ ràng, nó phụ thuộc lớn vào người thầy.
Hay dung lai khi con kip!! suy nghi gi khi dem mot so hoc sinh ra lam thi nghiem phuong phap cua minh? nhu vay voi luat phap VN co pham phap khong?Theo toi danh gia thi tinh trang cua ong cung giong nhu nha khoa hoc VN gan day voi cong trinh bac bo "ly thuyet tuong doi", tuy nhien doi voi ong con dang trach hon la mang ra thi nghiem tren cuoc doi cua nhung em be toi nghiep. (Phuong NAM, 47 tuổi, CONGHOA PHAP)
Thầy Trần Phương: Người ta thường nói: 95% các cuộc tranh luận đều không đi đến đâu vì người ta khác nhau bởi hệ tiên đề. Vì thế tôi muốn các bạn hiểu tiên đề của tôi để đặt câu hỏi cho đúng ý. Năm 2007 là năm cuối cùng thi ĐH tự luận nên đây là dịp cuối để tôi thử nghiệm phương pháp truyền thụ kỹ năng đọc thông tin nhanh cho học sinh. Tôi xin nhắc lại, tôi không cổ súy cho việc đào tạo tài năng chỉ đơn thuần là rút ngắn thời gian học Toán. Thật ra luyện kỹ năng giải Toán, đạo hàm, tích phân, logarit, không có nhiều ý nghĩa mà quan trọng hơn là làm cho học sinh thấy được sự ra đời và ý nghĩa của các phép Toán trong đời sống xã hội.
TS Bế Trung Anh: Ông có thấy tiếc không khi một nhân tài không được phát hiện? Bản thân trẻ cũng sẽ rất thiệt thòi nếu chúng không hiểu hết được khả năng của mình. Nếu trẻ chưa chủ động phát huy khả năng của mình, người thầy chính là người sẽ giúp chúng bộc lộ điều đó thành công. Với ý kiến xây dựng, ông cũng có thể chỉ ra những yếu tố thiếu tích cực từ "thí nghiệm" này.
Kính chào thầy Trần Phương! Tôi rất ngưỡng mộ phương pháp giảng dạy của Thầy, bởi Thầy đã truyền thụ cho các em kiến thưc tư duy lôgic, cách suy luận và tổng hợp vấn đề. Xin hỏi Thầy: Với môn toán thì như vậy còn các môn xã hội như văn, sử, địa...Thầy có dự định gì để các em tiếp thu tốt và không bị học lệch? (Lê Quang Nghiêm, 65 tuổi, Giảng Võ Ba Đình Hà Nội)
Thầy Trần Phương: Chúng tôi đã có khỏang 3.000 đĩa VCD của nước ngoài về các lĩnh vực Lịch sử, Địa lý, Thiên văn học, Sinh vật... Chúng tôi sẽ giảng dạy thêm cho các cháu thông qua việc xem các đĩa VCD. Ngoài ra, chúng tôi cũng được biết mô hình các lớp học thông minh được trang bị bằng công nghệ cao: Mô phỏng bằng 3D. Khi có đủ ngân sách chúng tôi sẽ triển khai.
Thắng , Hải , Linh , Long , Sơn . Cho anh hỏi thời gian và phương pháp học hằng ngày môn toán của tụi em là gì?Ngoài môn toán tụi em có niềm đam mê các môn tự nhiên - xã hôi khác nữa không?Chúc mấy em sức khoẻ học hành ngày một tiến tới.(KTCN, 20 tuổi, Thanh Hóa)
Em Ngô Đặng Hải |
Lê Nguyễn Vương Linh: Hàng ngày khi học môn toán trên lớp em lắng nghe thầy cô giảng và phương pháp chung của thầy cô. Ở nhà em đọc thêm các sách tham khảo và tranh thủ thời gian để làm bài tập. Trong lớp em thích tất cả các môn nhưng trừ môn Giáo dục công dân (cười).
Nguyễn Minh Thắng: Em thường cố gắng nắm kiến thức và hiểu bài ngay ở trên lớp để về nhà có thời gian học thêm Tiếng Anh và toán. Ngoài ra lúc rảnh rỗi em chơi cờ vua và đọc sách khoa học để củng cố kiến thức. Em thường học toán từ 7h-11h. Ngoài toán em còn thích hội họa và ngoại ngữ.
- Các em có thấy với lượng kiến thức các em đang được học vượt quá tầm hiểu biết của các em và có quá sức không?(hoàng, 27 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)
Lê Nguyễn Vương Linh: Em cảm thấy lượng kiến thức em thu được không vượt quá tầm hiểu biết của em bởi vì những kiến thức này tuy đều của lớp 10 hay 12 thì đều có quy tắc giải bài và em chỉ cần linh hoạt áp dụng mà thôi.
Ngô Đặng Hải: Em cũng cảm thấy giống như bạn Linh, chỉ cần hiểu các quy tắc thì việc giải bài cũng không khó lắm.
Hoàng Minh Sơn: Với em lượng kiến thức thu được khá nhiều nhưng mà thầy Phương dạy cho bọn em các phương pháp học hiệu quả nhất nên việc giải toán của em trở nên dễ dàng hơn.
Phạm Tiến Long: Em thấy học toán không khó vì tất cả các dạng toán đều có quy tắc hết. Tuy nhiên khối lượng kiến thức quá nhiều nên em phải có kỹ năng đọc nhanh thông tin.
Nguyễn Minh Thắng: Em tiếp thu được bài nên cảm thấy kiến thức không vượt quá tầm hiểu biết của em. Ngoài ra em phân bổ thời gian 1 cách khoa học giữa kiến thức ở trường và ở nhà nên em còn có nhiều thời gian chơi hơn nhiều bạn cùng tuổi khác. Đối với em học toán cũng giống như những môn giải trí mà nhiều bạn đam mê hiện nay.
Xin hỏi liệu luật pháp có cho phép các em trên được tham dự thi đại học, và có những chế độ đối với những người có khả năng đặc biệt ko ?(Nguyễn Quốc Việt, 26 tuổi, hưng yên)
Tiến sỹ Bế Trung Anh: Đây thuộc về vấn đề quản lý giáo dục. Việc các em có được tham dự thi đại học và có chế độ đối với những người có khả năng đặc biệt thuộc thẩm quyền của Bộ GD& ĐT. Theo ý kiến của tôi, mỗi em đều có khả năng đặc biệt của mình, vấn đề là cách phát hiện ra khả năng của các em như thế nào. Vì thế, nếu gọi các em này có khả năng đặc biệt thì có nghĩa là chúng ta đã hạ thấp ý nghĩa của từ "đặc biệt".
Thưa thầy! Nếu tập trung để đào tạo những nhân tài về một môn nào đó (ví như môn Toán) thì nhân tài này có giỏi toàn diện được không khi phải dành quỹ thời thời gian vào một môn?(Lê Vân Anh, 26 tuổi, Sô 22 phố Nhà Thờ)
TS Bế Trung Anh: Chúng ta lại rơi vào vấn đề rắc rối: Luyện gà nòi (chỉ có thể giỏi một lĩnh vực nào đó). Nhưng chúng tôi cho rằng, kể cả bỏ qua câu của các cụ "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" (điều này là rất tốt), chúng ta cũng không phải lo lắng về chuyện này. Theo tôi biết, các em chỉ học toán với thầy Phương một tuần một buổi. Vì thế, thời gian còn lại sẽ là của các môn khác.
Các em học như thế thì có ảnh hưởng gì đến các môn khác không? Với độ tuổi của các em học như thế có quá sức không khi chỉ có 5 em đủ các điều điện để theo lớp này?(Nguyễn Văn Hùng, 29 tuổi, Nghệ An
Phạm Tiến Long: Em thường tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi để làm các bài toán mà thầy cho, thường thì khoảng 10h30' em có thể đi ngủ. Các môn các em vẫn đảm bảo thời gian để ôn tập để đạt kết quả. Các môn khác như Vật lý, Sinh học, Sử, Địa em đều được trên 9 phẩy. Với độ tuổi như em phải có một trí nhớ tốt để ứng dụng các kiến thức đã được học vào các bài toán, cộng thêm với niềm đam mê yêu thích thì sẽ được kết quả cao.
Hoàng Minh Sơn: Theo em thì không hề ảnh hưởng mà ngược lại thì em học các môn kia dễ hơn. Khi học ở đây, chỉ trong một thời gian ngắn em thu được một lượng kiến thức lớn, do vậy khi học các môn trên lớp khối lượng kiến thức nhỏ nên em tiếp thu nhanh hơn. Còn với độ tuổi như em, em học như thế không cảm thấy quá sức vì em học bằng niềm say mê và yêu thích.
Bài giải của 5 em sau khi đã làm xong hai bài toán tích phân mà thầy Nguyễn Thượng Võ đưa ra |
Sau khoảng 15 phút, 5 em đã làm xong hai bài toán tích phân mà thầy Nguyễn Thượng Võ đưa ra. Thầy Nguyễn Thượng Võ đã đi kiểm tra và hỏi từng em về phương pháp giải bài.
Thầy Nguyễn Thượng Võ: Sau khi xem bài và hỏi chuyện các em, tôi thấy các em làm tốt, phương pháp giải bài đúng.
Tôi đưa ra hai bài toán này có về hình thức là giống nhau vì đều dùng phương pháp tích phân từng phần nhưng khi đặt: u và dv ở hai bài khác nhau hoàn toàn.
Ở bài toán thứ nhất, phải đặt u = lnx, dv = (x2 - x)dx nhưng ở bài toán thứ hai, không thể đặt dv = (x2 - x)dx vì nếu đặt như vậy thì "giải cả đời cũng không ra", mà phải đặt u = x2 - x, còn dv = exdx.
Tuy đều giải đúng nhưng còn dài vì các em đều tách thành những tích phân nhỏ bằng cách nhân đa thức (x2 - x)lnx = x2lnx - xlnx hay (x2 - x)ex = x2ex - xex
Không ít học sinh lớp 12 không phân biệt được hai cách đặt khác nhau của hai bài toán này, nhưng các em triển khai đúng hướng.
Nhưng điểm khác của học sinh lớp 12 là không tách tích phân ra làm hai tích phân nhỏ mà làm gọn hơn các em. Tôi cho rằng, kiến thức đó của các em vẫn còn là kiến thức lớp 6.
Phỏng vấn các em, tôi thấy không phải các em làm bài theo như một cái máy mà các em hiểu được đề bài. Đánh giá chung của tôi là cả 5 em có khả năng tư duy toán học, có năng khiếu toán học.
Thầy Nguyễn Thượng Võ đã đi kiểm tra và hỏi từng em về phương pháp giải bài |
Ngô Đặng Hải: Thầy Phương chỉ dạy chúng em mỗi tuần 1 buổi nên không ảnh hưởng tới các hoạt động vui chơi giải trí của em. Bình thường em chơi bóng rổ và bóng bàn.
Lê Nguyễn Vương Linh: Thời gian vui chơi giải trí của em do em sắp xếp 1 cách hợp lý chứ chỉ học mà không chơi thì em sẽ cảm thấy rất nặng nề. Em thường dùng thời gian rảnh rỗi để đọc sách và chơi với em gái.
Cac ban oi hay day cho to cach hoc gioi toan voi(Bui Huy Tung, 14 tuổi, chua hang, thai nguyen)
Phạm Tiến Long: Chào bạn, mình có thể chia sẻ với bạn một vài kinh nghiệm nhỏ như thế này: Nếu bạn muốn học giỏi môn Toán trước tiên bạn phải đam mê môn Toán. Thứ 2 là bạn cần tóm tắt các kiến thức đã học thành một một chuỗi sơ đồ logic như một cái cây với các nhánh phân nhỏ.
Ví dụ như nhánh cây số nguyên, các khái niệm, các phép tính...Hơn thế bạn canf phải chăm chú nghe thầy cô giáo giảng trên lớp, làm bài tập trên lớp, cố gắng làm thêm các bài tập nâng cao ở nhà. Bạn cũng đừng nên căng thẳng quá mà phải có thời gian giải trí thứ giản. Nếu làm tốt những điều đó, tớ tin rằng bạn sẽ học giỏi môn toán.
Hoàng Minh Sơn: Theo tớ thì đầu tiên mình phải nắm vững tính chất và khái niệm về từng loại toán. Thứ hai là bạn phải chăm chỉ làm bài tập vận dụng các kiến thức đã học cho thành thạo. Tiếp đó, bạn phải học thêm các kiến thức nâng cao về từng loại toán.
Ngô Đặng Hải: Bố em đã nghỉ hưu còn mẹ em là giáo viên nên không thể nói nhà em là khá giả tuy nhiên em vẫn cố gắng học và trong 6 năm qua em đề đạt học sinh giỏi.
Lê Nguyễn Vương Linh: Nhà em cũng chẳng khá giả gì vì cả bố mẹ em đều là công nhân viên chức. Việc em học tốt là do gia đình và bản thân em cố gắng và chăm chỉ học bài. Và 6 năm qua em đều được học sinh giỏi.
Phạm Tiến Long: gia đình em điều kiện sống cũng tương đối đầy đủ. Mẹ em làm nhân viên 1 Đại sứ quán còn bố là cán bộ. Trong 6 năm qua em đều là học sinh giỏi của trường.
Nguyễn Minh Thắng: Mẹ em làm tại sở Giáo dục Thái Bình, tuy không phải là gia đình khá giả nhưng gia đình em tạo nhiều điều kiện cho em theo học lớp thầy Phương. Trong 6 năm qua em cũng đoạt học sinh giỏi như các bạn.
Hoàng Minh Sơn: Bố mẹ em đều làm nghề tự do nên gia đình em thuộc diện bình thường nhưng bố vẫn đưa em đến học lớp thầy Phương và trong 6 năm qua em là học sinh giỏi.
Bạn học kiến thức từ lúc nào mà giải được đề đại học?(nguyễn bình an, 16 tuổi, 26 nguyễn ngọc Nại)
Hoàng Minh Sơn: Em theo học lớp của thầy Phương từ tháng 10/2006. Đến nay, thì em có thể giải được gần hết một đề thi đại học.
Lê Nguyễn Vương Linh: Em cũng học từ tháng 10, cả 5 đứa em cùng vào học một thời điểm. Bây giờ em có thể giải được khoảng 80 đến 90% của một đề thi đại học.
Nguyễn Minh Thắng: Em vào học cùng đợt với các bạn. Nếu theo hướng giải các bài thì em có thể giải được gần hết, nhưng để làm chu đáo ra kết quả một đề thi thì khoảng 70 đến 80%.
Các em học như thế thì có ảnh hưởng gì đến các môn khác không? Với độ tuổi của các em học như thế có quá sức không khi chỉ có 5 em đủ các điều điện để theo lớp này?(Nguyễn Văn Hùng, 29 tuổi, Nghệ An)
Thầy Nguyễn Thượng Võ: Tất cả các em đều tự giác học, thích thú học nên theo tôi không có ảnh hưởng gì đến các môn khác.
Tôi vừa trao đổi với em Lê Nguyễn Vương Linh (học sinh lớp 6 trường THPT Hà Nội - Amsterdam), em vẫn học tốt các môn ở lớp mà cụ thể em là học sinh giỏi của lớp.
Nguyễn Minh Thắng: Em thấy không ảnh hưởng tới môn khác mà còn giúp ích tư duy các môn đó. Bởi các môn đó em học và hiểu bài ngay trên lớp để về nhà có nhiều thời gian hơn để học chương trình của thầy Phương và thư gian đầu óc.
TS Bế Trung Anh |
TS Bế Trung Anh: Tôi cho rằng bạn nói đúng, chương trình có kế thừa, nhưng quan trọng không chỉ nằm ở nội dung chương trình, nó nằm ở tố chất của học sinh và đặc biệt là phương pháp dạy học của người thầy. Bạn có thể đạt được kết quả tốt không nếu bạn bị học "nhồi"?
Trên thế giới, không ít trường hợp 15, 16 tuổi đã tốt nghiệp đại học. Điều này cho thấy rằng, với những phương pháp học tập đúng đắn, phù hợp với năng lực, học sinh có thể đạt được những kết quả vượt ngoài sự mong đợi mà chúng ta vẫn quen gọi là "thần đồng".
Thưa thầy! thầy có nghĩ khi cho các em học sinh lớp 6 học chương trình Toán của lớp 12 cũng giống như cho một em bé tập đi quá sớm không a?(Lê Vân Anh, 26 tuổi, Số 22 Nhà Thờ)
TS Bế Trung Anh: Nếu chúng không đi được, chúng sẽ tự ngã. Kết quả của các em học sinh này cho thấy các em không hề bị "ngã', mà còn đi rất nhanh.
Thầy Trần Phương (áo kẻ) |
Nhưng rõ ràng các kiến thức chúng ta chuẩn bị cho học sinh phổ thông chưa thật sự tòan diện và tương thích với hệ thống các trường ĐH hàng đầu trên thế giới. Vì thế chỉ có một số rất ít các học sinh đọat giải quốc tế theo học tại các trường ĐH này. Hơn nữa, việc gắn kết các nhân tài với nhau một cách hữu cơ còn rất hạn chế vì chúng ta đã để họ là những điểm cô lập hoặc là một tập hợp nhỏ bị cô lập. Muốn liên kết được thì phải có ý thức liên kết về văn hóa ngay từ khi còn nhỏ. Đây chính là điều mà các trường phổ thông của chúng ta chưa chú ý đến hoặc giảng dạy một cách hô khẩu hiệu chứ chưa chinh phục, lay động được con tim.
Việc đào tạo và gửi các học sinh tài năng đi nước ngoài một cách có hệ thống phải là chiến lược của quốc gia. CLB Thần đồng Đất Việt là ý tưởng xuyên suốt của tôi trong việc thay đổi mô hình đào tạo hệ thống trường chuyên hiện nay.
Thầy Trần Phương: CLB Thần đồng Đất Việt là bước khởi động để ra đời trường đào tạo học sinh tài năng của Việt Nam. Đây sẽ là một trường học nội trú được trang bị với những công nghệ giảng daỵ ở đằng cấp quốc tế. Công nghệ nội dung cũng thể hiện sự vượt trội với các nước trong khu vực.
Các học sinh sẽ được tuyển chọn từ khắp mọi miền đất nước, không phân biệt giàu nghèo mà chỉ phân biệt chỉ số IQ. Các cháu nghèo sẽ được bảo trợ tòan bộ kinh phí ăn ở, học tại trường. Sau này, khi các cháu thành danh có thể đóng góp lại kinh phí cho nhà trường.
Chào các em! Chị quá bất ngờ khi biết được các em đã giải đề thi PTTH với số điểm rất cao. Các em học như thế nào để có được những kiến thức lớp 12 khi mình mới ở kiến thức lớp 6. Chia sẻ kinh nghiệm cho con chị với nào.(Nguyễn Thị Đào, 30 tuổi, Hà Nội)
Em Phạm Tiến Long |
Mỗi ngày em dành từ 30 phút đến 1 tiếng để nghiền ngẫm và giải các bài toán mà thầy Phương giao. Nếu khó thì em giở tài liệu photo của thầy Phương trong đó có lý thuyết, các bài tập minh hoạ và lời giải để tham khảo và tìm ra hướng giải bài tập mà mình đang mắc. Và cộng thêm sự say mê, chăm chỉ thì em sẽ có được các kiến thức đó.
Nguyễn Minh Thắng: Hàng ngày, khoảng 5h30 phút sáng em đã thức dậy để ôn lại những bài giảng ở trên lớp và lập kế hoạch cho ngày làm việc của mình. Như thế em sẽ tiết kiệm được thời gian để dành cho việc học môn Toán. Vào buổi tối, em thường dành 4 tiếng để học môn Toán. Một tiếng để đọc lại các bài giải mẫu, sau đó tự mình làm lại để nắm chắc kiến thức.
LAM THE NAO MA PHAT HIEN CAC EM CO NANG KHIEU(HO VAN DOI, 51 tuổi, SON HA- QUANG NGAI)
Thầy Nguyễn Thượng Võ: Quan điểm của tôi là xem cách các em học tập ở chỗ phương hướng giải quyết các bài toán chứ không cần xem có ra kết quả hay không. Vì phương hướng chính là tư duy toán học, một khi có phương hướng đúng cộng với kỹ năng tính toán thì kết quả sẽ rất tốt.
Trong một kỳ thi học sinh giỏi lớp 10 trước đây trong những năm chiến tranh, tôi được coi thi. Có một em học sinh trong suốt hai tiếng đầu tiên của buổi thi chỉ ngồi nhìn vào đề bài thi mà không làm gì ra giấy. Tôi đã nghĩ sao lại có học sinh không làm được gì mà lại là học sinh giỏi miền Bắc? Phải chăng trường đó cử nhầm?
Tôi đang băn khoăn thì sang giờ làm bài thứ ba, em đó viết một mạch vào giấy làm bài, hầu như không cần nháp. Kết quả sau đó là em đó được giải nhì. Điều đó chứng tỏ, sự tư duy là quan trọng, định phương hướng giải quyết, còn việc viết ra chỉ là sự thể hiện của tư duy đó.
Em Hoàng Minh Sơn |
- Lê Nguyễn Vương Linh: Ngoài việc học bọn em thường giành thời gian để chơi cùng bạn bè như là: nhảy dây, đánh cầu lông, mùa hè bọn em còn thỉnh thoảng đi bơi.
- Hoàng Minh Sơn: Ngoài thời gian học, em thường chơi game online, nhảy dây với bạn bè hàng xóm. Mỗi ngày bọn em cũng chơi khoảng 3 tiếng đồng hồ.
- Nguyễn Minh Thắng: Em thường chơi cờ vua, đọc sách khoa học tự nhiên.
- Phạm Tiến Long: Mỗi ngày em chơi khoảng 30 phút đi đá bóng, đá cầu với mọi người trong gia đình. Thỉnh thoảng em cũng giành thời gian khác đọc các sách văn học, và những trò chơi trí tuệ như cờ vua... Còn buổi sáng em đi bơi thường xuyên.
- Ngô Đặng Hải: Lúc rảnh em đánh bóng bàn với bạn bè cùng trang lứa khoảng nửa tiếng. Ngoài ra, em thường chơi các môn thể thao như bóng rổ, đá bóng vào buổi sáng. Tính trung bình mỗi ngày em có khoảng hơn 2 tiếng để chơi các môn thể thao và thư giãn.
Câu hỏi đến thầy Phương : em nghĩ cách dạy và giảng của thày thực sự đã tạo kết quả...nhưng em muốn hỏi thày về cách thày tạo ra hứng thú trong học tập cho 5 em hs ...các em đều ở tuổi ăn tuổi chơi như bao bạn bè cùng lứa vậy mà thầy vẫn tạo ra sự hăng say với môn toán cho các em như 1 môn thể thao vậy...xin thầy hãy cho tất cả bạn đọc 1 chút bí quyết để có thể tự mình tạo hứng thú cũng như kinh nghiệm để các bậc phụ huynh tạo ra hăng say cho con cái của họ trong học tập ko chỉ môn toán nói riêng mà ở các môn khác...em xin cám ơn(Ngô Minh Đức, 21 tuổi, Moscow)
Thầy Trần Phương: Tôi cũng là một học sinh chuyên Toán hơi cá biệt. Một nửa tâm hồn của tôi là Tóan học, còn nửa kia là âm nhạc, là tâm hồn nghệ sĩ. Khi giảng dạy tôi chú ý đến hình tượng hóa các khái niệm Toán học khô khan như: Điểm biên, điểm nút, điểm rơi, điểm xao xuyến, điểm hy vọng, điểm tắt nắng và điểm bừng sáng,.... Tôi luôn ý thức làm cho học sinh sung sướng trong từng câu nói, từng bài giảng và vì thế không bao giờ có khái niệm nhồi nhét trong phong cách giảng dạy Toán của tôi.
Tôi có con trai 3 tuổi, cháu hiện nay bắt đầu bộc lộ khả năng có trí nhớ tốt. Vậy làm thế nào để phát triển khả năng của cháu để khi bằng tuổi các học sinh của thầy Trần Phương hiện nay, cháu cũng có thể giải được đề thi đại học(Nguyễn Thu Hải, 30 tuổi, số nhà 54 ngõ 295 Bạch Mai, Hà Nội)
Thầy Trần Phương: Rất tiếc ở Việt Nam chưa có một trung tâm giáo dục cho trẻ em có năng khiếu đặc biệt. Trong một tương lai gần, CLB Thần đồng Đất Việt sẽ ra đời và sẽ đáp ứng được một phần nguyện vọng của chị.
Thầy Trần Phương |
Thầy Trần Phương: Chúng tôi cũng đang nghiên cứu, biên soạn bộ sách này. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xúc tiến xây dựng website cho CLB Thần đồng Đất Việt.
Cho chú hỏi bạn Minh Sơn: Em có bí quyết gì không khi được đào tạo theo phương pháp của thầy Phương, chú có một em đang học lớp 5 nên chú cần biết.(Nguyễn Huy Du, 37 tuổi, Đăk Hà- Kon Tum)
- Hoàng Minh Sơn: Mới đầu bọn em cũng có kiến thức toán khá ở trên lớp rồi mới tham gia lớp học của thầy Phương. Khi tham gia trên lớp bọn em tập trung nghe giảng, nếu có chỗ nào chưa hiểu thì bọn em sẽ về nhà đọc lại tự tìm tòi, bởi nếu tự hiểu sẽ nhớ được lâu. Lúc nào mà không tự hiểu được thì bọn em mới hỏi thầy.
Phương pháp nào để học toán tốt nhất (Hoàng Văn Hùng, 30 tuổi, tcythp@.vnn.vn)
Thầy Nguyễn Thượng Võ: Theo tôi, trước hết phải có sự đam mê Toán học và phải có phương pháp học. Cụ thể, phải theo dõi thầy và bạn suy nghĩ gì trước một bài toán để mình học tập. Điều khác phải tự mình giải quyết các bài toán và phải rất khiêm tốn học các bạn giỏi hơn mình.
Bản thân tôi, tuy là giáo viên dạy toán nhiều năm nhưng khi vấp phải những bài toán khó, tôi đều không giấu dốt, hỏi các đồng nghiệp cách giải bài toán đó, hoặc tôi có giải được nhưng vẫn hỏi các đồng nghiệp xem cách giải của mình có tốt không?
Làm thế nào để học Toán có hiệu quả nhất trong những ngày chuẩn bị thi đại học sắp tới. Em xin cảm ơn(lethithanhnga, 18 tuổi, khe sanh _huong hoa _quang tri)
Thầy Nguyễn Thượng Võ: Em phải tự mình tổng kết lại những kiến thức cơ bản trong chương trình luyện thi đại học (tối thiểu là chương trình toán lớp 10, 11 và 12).
Nếu thấy mình yếu phần nào thì dành nhiều thời gian cho phần đó, dù cho kiến thức đó là ở lớp dưới.
Mặt khác, em nên tự luyện tập bằng cách "bổ dọc", có nghĩa là học theo chuyên đề chứ không phải giải các đề thi. Thí dụ, nếu yếu phần phương trình lượng giác, thì em đầu tư nhiều thời gian tìm những bài toán phương trình đó mà giải. Có như vậy, mới nâng được trình độ giải phần đó.
Em Lê Nguyễn Vương Linh |
Phạm Tiến Long: Thường thì thời gian vui chơi của em cũng khá ít. Mỗi ngày em dành thời gian khoảng 30 phút để đi đá bóng hoặc đá cầu. Cũng rất thoải mái, còn việc học vẫn là chính.
Còn trong lúc học, nếu cảm thấy căng thẳng thì em hay nghĩ ra các câu chuyện cười, những câu chuyện vui vẻ để giảm stress. Như thế đầu óc sẽ được thư giãn để học tập tốt hơn.
Nguyễn Minh Thắng: Em không thấy thiết thòi hơn so với các bạn khác. Vì ngoài việc học kiến thức thì chương trình này còn rèn cho em một ý thức tự rèn luyện bản thân.
Mỗi ngày em thường dành một tiếng sau khi đi học về để giải trí như chơi cờ vui, đọc sách báo, xem ti vi. Còn trong lúc học, khi nào thấy "bí" trước một bài toán khó thì em hay nhìn ra cửa sổ, chỉ một lúc khi tinh thần thoải mái em sẽ lại tập trung tốt vào bài.
Lê Nguyễn Vương Linh: Em cũng không thấy thiệt thòi. Vì ngoài tham gia chương trình này thì trong thời gian học trên lớp em vẫn có thời gian vui chơi với các bạn trên lớp. Em tham gia cùng các bạn chơi các trò chơi tập thể.
Ở nhà em thường dành 1 đến 2 tiếng để đọc sách, đọc truyện, xem tivi. Còn trong lúc học mà cảm thấy căng thẳng thì em thường đi dạo hoặc chơi một số trò chơi như đố vui để thư giản.
Hiện nay thông tin về thầy giáo và các em cả nước rất nhiều người biết đến. Đến nay đã có ổ chức nào đề cập đến vấn đề nuôi dưỡng và khuyến khích các tài năng này chưa?(Đặng Bích Hà, 40 tuổi, VPĐD Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt nam tại Đà Nẵng 20 Yên Bái Đà Nẵng)
Thầy Trần Phương: Tôi chỉ là một trong những người khởi xướng xây dựng mô hình giáo dục mới cho các học sinh tài năng. Để thành công, việc này thì cần phải có được sự quan tâm của các cơ quan và nhân dân ủng hộ.
Tôi muốn được biết để vào học lớp tài năng của thầy Phương thì bắt đầu ở độ tuổi nào? và chúng tôi ở các Tỉnh khác muốn gửi con cháu vào học thì phải cần những thủ tục như thế nào? Ăn ở, đi lại của các cháu? Chân thành cảm ơn! (Nguyễn Hoàng Giang, 30 tuổi tuổi, Cửa Lò - Nghệ An)
Thầy Trần Phương: CLB Thần đồng Đất Việt dự kiến ra đời vào đầu 2008. Các cháu ở tỉnh xa có thể học hỏi qua website của CLB. Các cháu có độ tuổi từ 10 trở lên và ở Hà Nội sẽ được tuyển bằng trắc nghiệm IQ.
Xin Thầy giáo phương cho biết: Thầy có dám khẳng định kiểm nghiệm này của thầy sẽ không ảnh hưởng tới tâm sinh lí của các em học sinh trong tương lai?(phạm minh hồng, 40 tuổi, 100 phan đình phùng, kontum)
Thầy Trần Phương: Tôi khẳng định chỉ làm trẻ yêu thích kiến thức một cách tự giác chứ không bao giờ làm chúng sợ.
Em Nguyễn Minh Thắng và Hoàng Minh Sơn |
Ngô Đặng Hải: Bọn em đều ham mê môn toán như các bạn khác nghiện chơi game. Em và các bạn vẫn chơi với nhau và không thấy có sự khác biệt, bọn em chơi game và đọc truyện tranh giống như các bạn khác mà thôi.
Lê Nguyễn Vương Linh: Khi em học thầy Phương, có rất nhiều kiến thức em đã biết trước đó nên không cảm thấy ngợp. Ngoài toán em còn thích sinh học và nhiều môn khác nên em học đều các môn. Em cảm thấy có nhiều bạn trong lớp còn gia hơn em về tính cách và tư duy (cười).
Nguyễn Minh Thắng: Không có môn toán em cảm thấy bứt rứt trong lòng nên học toán không phải là để ngợp mà để thỏa man đam mê. Em thường được điêm 10 môn toán và đây là môn học em tự hào nhất.
Phạm Tiến Long: Học với thầy Phương em cảm thấy rất thích thú vì phương pháp dạy của thầy hiệu quả và lượng kiến thức thu về rất nhiều nên em không hề bị ngợp. Em không cảm thấy bị áp lực mà hoàn toàn thoải mái. Ở lớp em vẫn sinh hoạt bình thường như các bạn khác, em không già hơn mà thậm chí còn trẻ hơn, vì em bắt đầu đi học từ khi 5 tuổi mà (cười).
Hoàng Minh Sơn: Em cảm thấy khối lượng kiến thức nhiều nhưng không đến nỗi khiến em bị ngợp vì em rất rất thích môn toán. Em cảm thấy mình và các bạn rất hiểu nhau và chơi với nhau bình thường nên già trước tuổi chắc không xảy đến với em.
Tôi xin được hỏi ; 1. Phương cách tuyển chọn ra những HS thông minh , có tình yêu môn học của thầy Phương là gì?(xin nói cụ thể các tiêu chí và biện pháp thực hiện) 2. Thầy Phương tiến hành một buổi dạy 4 tiếng (xong một chương trình của một lớp như thế nào? Cách học của HS trong thời gian này là gì? 3. Cách soạn một giáo án cho một buổi học của Thầy Phương cụ thể như thế nào? 4. Thời gian giải và sửa bài tập mất bao nhiêu phần trăm của toàn bộ thời gian dạy một chương trình của một lớp? 5. Cách kiểm tra chất lượng dạy và học của lớp đặc biệt này trong tiến trình dạy học có gì khác với các lớp thông thường? Mong được giải đáp đầy đủ Xin cảm ơn rất nhiều. Chu Anh Dũng(Chu Anh Dũng, 50 tuổi, 220/26 CMT 8 Tp Cần Thơ)
Thầy Trần Phương: Giai đoạn đầu là tôi soạn bài giảng rất công phu bằng các slide để dạy trên Power Point. Các cháu được phát tài liệu photo nên không mất thời gian ghi chép. Các bài giảng được chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất và tạo ra các khỏang trống hợp lý để tự các cháu dùng logic khớp nối các khỏang trống đó. Điều tạo ra sự khác biệt lớn nhất là ở công nghệ nội dung.
Xin hỏi Ths Bế Trung Anh: việc có phương pháp học toán mới mà chính các cháu HS không cảm thấy bị quá tải mà có hiệu quả như vậy, tại sao chúng ta không thử áp dụng thí điểm và có một nghiên cứu nghiêm túc về phương pháp này?(Nguyễn Huy Du, 37 tuổi, KP4 A-Đăk hà- K0n tum)
TS Bế Trung Anh: Theo tôi biết, thầy Phương có ý định xây dựng Câu lạc bộ Thần đồng Đất Việt. Đây là mô hình nhân rộng phương pháp giảng dạy mới của thầy Phương. Điều này phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước. Các em có khả năng hoàn toàn có thể tham gia mô hình câu lạc bộ này để phát triển tư duy.
Tôi nghĩ những học sinh có tư chất thực sự như vậy không phải là nhiều .Thầy có thể cho biết trong thời gian tới phương pháp dạy của thầy sẽ đổi mới như thế nào để các em đó có niềm say mê hơn , phát huy tối đa hết tư chất vốn có của mình để trở thành những người có tài thực cống hiến tài năng cho đất nước . Cảm ơn.(tuan_12b9, 20 tuổi, TPHCM)
Thầy Trần Phương: Đối tượng mà tôi hướng đến là những em có tư chất thông minh chiếm 10% đối tượng cùng lứa tuổi. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là đường lối giáo dục của tôi luôn lấy mục tiêu cuộc sống làm kim chỉ nam. Những mục tiêu này luôn được tôi cập nhật không chỉ qua các phương tiện truyền thông mà còn bằng hình thức phỏng vấn với những doanh nhân thành đạt nhất của Việt Nam.
Không biết 5 bạn học toán xuất sắc như vậy còn các môn học khác thì sao?(Nguyễn Hồng Hoàng, 18 tuổi, tp Hồ Chí Minh)
Nguyễn Minh Thắng: Ngoài môn toán thì các môn khác em vẫn đảm bảo đủ thời gian để học. Cụ thể em rất thích môn Vật Lý và Sinh học. Kết quả tổng kết năm học vừa rồi môn vật lý em được 10 phẩy, môn Sinh học em được 9,9. Các môn khác em đều có kết quả từ 9 phẩy đến 9,6.
Hoàng Minh Sơn: Em vẫn bố chí thời gian để học các môn khác. Ngoài môn toán thì em rất thích học môn Vật lý. Tổng kết năm học em được 8,6 môn Vật lý, tiếng Anh được 9,2. Còn trung bình các môn em được 8,8.
Ông Lê An Vương, phụ huynh của em Lê Nguyễn Vương Linh cho PV Tiền phong Online biết, sau khi tham gia chương trình "Thần đồng đất Việt", thầy giáo Trần Phương liền gọi điện đến nhà và đề nghị với gia đình là mời em Linh tham gia lớp học của thầy.
Thầy giáo Trần Phương cũng giải thích với gia đình về mô hình áp dụng với lớp học của mình và mong gia đình cho phép em Linh tham gia. Lúc đầu chúng tôi cũng lo Linh không theo được nhưng giờ thì thấy cháu học rất tốt, không có biểu hiện gì khác thường.
Hàng ngày, Linh học ở trường từ 7 giờ 30 sáng. Nghỉ trưa tại trường, đến 16 giờ 30, cháu tan lớp. Buổi tối, nghỉ ngơi sau bữa cơm xong, cháu đi học bài. Thời gian nghỉ giải lao, cháu xem các chương trình của truyền hình như Nhật ký Vàng Anh (không bao giờ bỏ), chơi games...
Quan điểm của vợ chồng chúng tôi là không bao giờ bắt ép các cháu học quá sức. Hiện giờ, Linh chỉ học thêm tiếng Anh ở Cung thiếu nhi và 1 buổi học tại lớp của thầy Phương.
Thưa bạn đọc, vì thời gian có hạn chúng tôi xin dừng buổi giao lưu trực tuyến này tại đây, mặc dù vẫn còn rất nhiều ý kiến và câu hỏi của bạn đọc muốn trao đổi. Chúng tôi cho rằng, phương pháp dạy học mới mẻ dành cho 5 em học sinh có năng khiếu toán học trên chỉ là một ví dụ nhỏ mang tính thực tiễn trên con đường tìm tòi những cách học và dạy tiên tiến dành riêng cho những học sinh có năng khiếu đặc biệt.
Chắc chắn rằng, để chứng minh và khẳng định một mô hình giáo dục mới sẽ cần sự mổ xẻ, phân tích của nhiều chuyên gia giáo dục cũng như của chính bản thân các bậc phụ huynh và học sinh nhiều hơn nữa.
Qua bàn tròn trực tuyến này, Tiền phong Online mong muốn nhận được sự quan tâm, định hướng của Bộ Giáo dục đào tạo và các thầy cô giáo về mô hình mới mẻ mà thầy giáo Trần Phương cùng 5 em học sinh lớp 6 này đang thực hiện, giúp công cuộc bồi dưỡng và phát hiện nhân tài cho đất nước ngày càng phát triển và có hiệu quả thiết thực.
Trân trọng cám ơn và hẹn lại bạn đọc vào các buổi trực tuyến lần sau trên Tiền phong Online.