Tháng 4/2022, ê-kíp A Tourist's Guide to Love (Tựa Việt: Hành trình tình yêu của một du khách) gây chú ý khi sang Việt Nam để quay phim. Theo kịch bản, có đến 90% thời lượng được đặt bối cảnh ở nước ta, với tinh thần tôn vinh văn hóa và du lịch Việt.
Sau thời gian hậu kỳ, phim ra mắt trên dịch vụ phát trực tuyến và gây được sự tò mò với khán giả trong nước. Tác phẩm ít nhiều làm nổi bật vẻ đẹp Việt Nam, đồng thời quảng bá được du lịch bằng hình ảnh. Song, phần kịch bản còn đơn giản khiến câu chuyện chưa thực sự có chiều sâu.
Kịch bản còn đơn giản
Nhân vật chính trong phim là Amanda (Rachael Leigh Cook) – CEO của một công ty du lịch tại Mỹ, tìm cách mua lại một đơn vị ở Việt Nam để mở rộng thị trường. Cô đang háo hức mong được bạn trai kết hôn thì bất ngờ anh ta tuyên bố chia tay, với lý do muốn tập trung cho sự nghiệp.
Đau buồn sau khi bị bỏ rơi, Amanda quyết định sang Việt Nam để “đổi gió”, đồng thời khảo sát công ty ở nước bạn. Tại đây, cô gặp và làm quen hướng dẫn viên du lịch người Việt tên Sinh (Scott Ly). Từ 2 người xa lạ, họ dần xích lại gần và yêu nhau.
Hành trình của Amanda bắt đầu vài ngày trước dịp Tết Nguyên đán. Do đó, cô có cơ hội được trải nghiệm nhiều thứ, dần dần hiểu rõ hơn về văn hóa lẫn con người Việt Nam.
Tạo hình Rachael Leigh Cook trong vai chính Amanda. |
Dự án do Steven K. Tsuchida đạo diễn, Eirene Tran Donohue viết kịch bản. Theo trang Decider, phim được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chính biên kịch. Bản thân Eirene Trần Donohue đã gặp bạn đời trong một kỳ nghỉ tại Việt Nam sau khi chia tay. Đến nay, họ đã sống hạnh phúc cùng nhau hơn 22 năm.
Đáng tiếc, chuyện phim còn đơn giản, đi theo mô-típ quen thuộc của thể loại rom-com (hài lãng mạn). Biên kịch cũng cố gắng cài cắm một số cú twist nhưng dễ đoán, ít bất ngờ.
Mối quan hệ giữa Amanda – Sinh còn mang tính khiên cưỡng. Ngay từ những lần gặp đầu tiên, họ đã có thiện cảm với nhau khiến câu chuyện thiếu thuyết phục. Tính cách, số phận các nhân vật chính cũng không được khai thác tốt. Điều đó ít nhiều làm bộ phim thiếu chiều sâu, dễ xem và dễ quên.
Bối cảnh Việt Nam nổi bật
Chọn Việt Nam làm bối cảnh chính, các nhà làm phim khéo léo đưa người xem đi qua nhiều địa điểm từ Bắc đến Nam. Bên cạnh những nơi quen thuộc với du khách quốc tế như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, ê-kíp cũng cất công đến Hà Giang để quay một số phân đoạn.
Để làm nổi bật vẻ đẹp của Việt Nam, đạo diễn chú trọng đầu tư phần hình ảnh. Các khung hình được tính toán, sắp đặt hợp lý để mang đến cho người xem những cảnh quay đẹp nhất. Màu sắc cũng được cân chỉnh vừa phải, mang lại không khí nhẹ nhàng phù hợp với câu chuyện tình lãng mạn.
Bối cảnh Việt Nam giúp câu chuyện hấp dẫn hơn. |
Dưới lăng kính của ê-kíp ngoại quốc, các địa danh Việt Nam hiện lên vừa quen vừa lạ. Từ làng quê đến thành thị đều được khắc họa một cách sống động, chân thực. Nổi bật nhất là phân đoạn quay tại Thánh Địa Mỹ Sơn. Cách sắp đặt tình tiết và góc máy thực sự khiến người xem thích thú.
Ê-kíp cũng khéo léo cài cắm một số yếu tố văn hóa, chẳng hạn như xích lô, áo dài, cách nấu xôi gấc, cách đón Tết… Một vấn đề của du lịch Việt Nam là nạn chặt chém du khách cũng được đề cập. Tuy nhiên, phim không xoáy sâu vào nội dung này mà chỉ lồng ghép nhẹ nhàng như một tình tiết hài hước.
Đặc biệt, câu chuyện giao thông và đường phố Việt Nam trở thành nút thắt quan trọng. Ở đầu phim, Amanda cảm thấy sợ hãi không dám băng qua đường khi xe cộ đang qua lại tấp nập. Đến cuối phim, cô thẳng thắn đối diện và vượt qua nỗi sợ để bước đến bên người mình yêu.
Diễn xuất chưa ấn tượng
Hóa thân nữ chính Amanda, Rachel Leigh Cook chưa thực sự ấn tượng về diễn xuất. Cô mang đến sự duyên dáng khi vào vai một du khách nước ngoài chân ướt chân ráo đến Việt Nam. Tuy nhiên, biểu cảm của diễn viên còn chưa thực sự đa dạng. Ở một số phân đoạn, cô để lộ hạn chế trong việc lột tả trạng thái nhân vật, khiến phim ít nhiều giảm mạch cảm xúc.
Tương tự, Scotty Ly tận dụng được vẻ đẹp hình thể nhưng lại yếu diễn xuất. Anh chưa thể hiện được sự chân thành trong tình cảm với Amanda. Trái lại, 2 diễn viên Việt là NSƯT Lê Thiện và Quinn Trúc Trần ít đất diễn nhưng vẫn tạo được thiện cảm với người xem.
2 diễn viên chính chưa thể hiện được diễn xuất đa dạng. |
Khi ra mắt, dự án nhận ý kiến trái ngược từ giới phê bình, được xếp loại “Tươi” trên Rotten Tomatoes với 67% bình chọn và đạt 5.7/10 điểm trên IMDb. Phần lớn đánh giá ý tưởng phim không mới nhưng bối cảnh Việt Nam thực sự phát huy được hiệu quả.
Phản ứng khán giả Việt tương đối tốt. Nhiều người xem bày tỏ sự ủng hộ trước những nỗ lực của ê-kíp nước ngoài với việc quảng bá du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng phim sẽ tốt hơn nếu kịch bản thật sự được đầu tư.
Nhìn chung, A Tourist's Guide to Love không có một kịch bản quá sâu sắc hay bất ngờ. Song, bối cảnh Việt Nam thực sự là yếu tố giúp câu chuyện trở nên mới mẻ, đáng xem.