Bộ GD&ĐT lấy ý kiến các địa phương, trường học về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT trong đó có việc góp ý cho phương án thi tuyển lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Điểm mới trong phương án Bộ GD&ĐT đưa ra là sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với 3 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn và môn thi thứ 3 do Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại của chương trình THCS. Môn thi thứ 3 phải được Sở GD&ĐT công bố vào cuối tháng 3 hằng năm, cách kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chừng vài tháng.
So với trước đây, phương án của Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến các nhà trường, Sở GD&ĐT có điểm mới đó là nếu thống nhất có thể chấm dứt tình trạng mỗi địa phương tổ chức tuyển sinh lớp 10 theo một kiểu.
Nhiều giáo viên ở Hà Nội cho rằng, mục đích của Bộ GD&ĐT đưa ra để tránh tình trạng học lệch, học tủ các môn. Tuy nhiên, việc bốc thăm này có thể khiến nhiều người cho rằng như trò chơi may rủi; khiến học sinh, phụ huynh thêm áp lực, căng thẳng kỳ thi vào lớp 10.
Phương án tốt nhất?
Ông Đào Tuấn Đạt, giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và là cố vấn trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, trước đây, Bộ GD&ĐT giao việc thi vào lớp 10 về cho các địa phương tự quyết. “Mọi năm cho các tỉnh được lựa chọn nhưng thực tế các tỉnh đưa ra quá nhiều phương án. Bộ GD&ĐT đang hướng tới phương án bốc thăm môn thứ ba tôi cho rằng hợp lý”- ông Đạt nêu ý kiến.
Cũng theo ông Đạt, nhiều phụ huynh băn khoăn và lo lắng là do tâm lý mọi năm thường có thi môn tiếng Anh. Ông Đạt khẳng định, nếu mọi năm chọn phương án thi 3 môn gồm toán- ngữ văn và tiếng Anh mới chính là phương án gây mất công bằng học sinh. Có phải ở đâu học sinh cũng có trình độ tiếng Anh tương đồng nhau đâu.
'Phần lớn học sinh không biết gì về môn lý - sinh và không muốn thi vào môn này. Phần nhiều học sinh nghĩ môn xã hội dễ kiếm điểm nên sẽ lựa chọn. Nếu chọn 3 môn thi vào lớp 10 với 2 môn toán - ngữ văn bắt buộc thì môn thứ 3 phải bốc thăm. Cơ hội các môn học là ngang nhau, môn nào chả quan trọng”- ông Đạt chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng, hiện nay phương thức thi thì “cơ bản ổn”, còn số lượng môn thi, đa số các tỉnh lựa chọn 3 môn, có khoảng 3 - 4 tỉnh lựa chọn 2 môn. Điều này tạo ra sự bất cập, sẽ khó kiểm tra, đánh giá đối với công tác quản lý của trung ương cũng như đánh giá mặt bằng trong quá trình dạy học của cơ sở. Nhưng nếu chọn một môn cố định, Bộ lo gây ra tình trạng học tủ, học lệch. Như thế, học sinh không được chuẩn bị đầy đủ phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của chương trình mới.
“Bộ đang nghiên cứu có thể có các phương thức, hình thức khác nhau có thể lựa chọn trong số các môn còn lại, ví dụ như năm nay có thể thi môn khoa học xã hội, năm sau có thể khoa học tự nhiên, năm sau có thể các môn khoa học khác hoặc có thể bốc thăm. Bây giờ chúng tôi đang lấy ý kiến”, ông Thưởng nói.
Nên công bố sớm
Nhiều giáo viên cho rằng, việc thi môn thứ ba là môn nào thì đều sẽ áp lực. Tuy nhiên, thời điểm công bố môn thi thứ 3 mới là quan trọng.
Về vấn đề này, thầy Lê Thảo, giáo viên dạy Toán của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho rằng, bốc thăm môn thứ 3 cũng là phương án ổn nhất. Tuy nhiên, phải tiến hành bốc thăm sớm để thông tin tới nhà trường, học sinh cũng như phụ huynh.
Thầy Thảo cho rằng, việc bốc thăm môn thứ 3 nên có kết quả ở thời điểm hết ở học kì 1. Thời điểm này sẽ không sớm quá và cũng không muộn quá.
Bà Nguyễn Thị Thịnh, phó Hiệu trưởng một trường THCS ở Phú Xuyên, Hà Nội cũng cho rằng, nếu phải bốc thăm môn thứ 3 thì Bộ GD&ĐT cần công bố kết quả sớm để giáo viên và học sinh sớm có phương án ôn tập.
Có nên tổ chức thi 4 môn vào lớp 10?
Ông Đào Tuấn Đạt, giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, ông ủng hộ thi vào lớp 10 là 4 môn hơn là lựa chọn thi 3 môn như bây giờ.
Sở dĩ như vậy, vì theo ông Đạt, thi 4 môn thì ngoài hai môn toán, ngữ văn cố định thì học sinh được tự lựa chọn hai môn nữa trong đó một môn trong tổ hợp môn khoa học tự nhiên và một môn trong tổ hợp môn thuộc khoa học xã hội.
"Nếu thi ba môn thì lại bốc thăm thì sẽ không biết môn thứ ba ở tổ hợp môn nào. Nếu bốc thăm thì vẫn có xác suất may rủi, không biết sẽ vào môn nào. Nếu thi bốn môn học sinh sẽ lựa chọn các môn được một cách toàn diện hơn"- ông Đạt đề xuất.