Cụ thể, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công điện gửi các Giám đốc Sở Y tế: TP HCM, TP Hải Phòng và tỉnh Gia Lai báo cáo về việc điều tra, đánh giá, kết luận nguyên nhân trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Theo đó, ngày 11/3 Bộ Y tế nhận được thông tin về một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn nói trên, Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai xác minh thông tin, đồng thời tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng để đánh giá, kết luận nguyên nhân các trường tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoạt động theo quy định.
Trước đó tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, tính đến 17 giờ ngày 12/3, tại 12 điểm tiêm của 10 tỉnh, thành phố đã tiêm chủng cho 1.702 người. Trong số những người được tiêm, 11 trường hợp (trong đó, 6 người tại điểm tiêm của Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, 4 người tại điểm tiêm Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Phòng, 1 người tại Bệnh viện dã chiến Gia Lai) có phản ứng sau tiêm như nổi mày đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở (có tiền sử hen phế quản)… Tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm này hiện đều có sức khỏe ổn định trong vòng 1 ngày sau đó.
Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, phản ứng độ 2 (được đánh giá là nặng) ở người tiêm vắc xin là có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan như: mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, ỉa chảy; huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
Phản ứng độ 3 (được đánh giá là nguy kịch): Biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như: Đường thở có tiếng rít thanh quản, phù thanh quản; Thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; Rối loạn ý thức: Vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn; Tuần hoàn: Sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.