> Hoàng Sky: Chàng giám đốc âm nhạc tuổi 20
> Cậu sinh viên biến đồ phế thải thành tranh
Cô Dương Thị Ngữ và con gái Ngô Thị Phúc trước ngày thi ĐH. (Ảnh: Văn Chung).. |
Mẹ của Phúc, cô Dương Thị Ngữ (42 tuổi) quê ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang tâm sự: "Nhà mình nghèo, lắm khi thấy tội cho các con. Nhưng lần nào đi họp phụ huynh lại mừng rơi nước mắt hạnh phúc vì Phúc được thầy cô khen ngoan lại học giỏi".
Bố và mẹ của Phúc lấy nhau. Bên nhà nội nghèo, nhà ngoại cũng chẳng khá hơn. Bà ngoại em thương con vất vả nên nhường lại vài sao đồi để bố mẹ có đất cắm dùi mà làm ăn. Phúc lên 2 tuổi thì bố em mất vì bệnh hiểm nghèo. Kí ức của cô bé giờ chỉ còn những hình ảnh mờ đục của người cha trên giường, tiếng kêu gào của bố trong những đêm đông lạnh tê người.
Mấy năm sau mẹ em đi bước nữa. Cha dượng có với mẹ 2 người con trai. Một em giờ học lớp 6, một mới đi mẫu giáo.
Kinh tế gia đình em trông cả vào mấy sào ruộng ít đất đồi. Cha dượng em ở nhà nuôi thêm vài con gà, lợn. Mẹ Phúc tranh thủ chạy lên chợ trên mua đồng rau, con gà giá rẻ mang xuống chợ dưới bán lấy vài đồng lo tiền sách vở cho các con.
Bao nhiêu năm ở trong túp lều đất lụp xụp, mãi đến năm 2006 khi nhà bán được vài thước đất gần đường được 10 triệu đồng mẹ và cha dượng em mới tính cất lại túp lều thành ngôi nhà cấp 4.
"Nhà lợp mái phi-brô xi măng nền đất. Nhiều hôm mùa hè nóng quá, Phúc phải chạy lên đồi ngồi học. Mãi sau tôi vay được 5 triệu tiền hộ nghèo mua được cặp bò giống. Con bò đẻ, bán được con bê thứ nhất thì trát được nhà, con thứ hai thì lát được cái nhà. Trong nhà thứ đáng giá nhất là bộ bàn ghế rách với cái tivi nội địa đã cũ thôi" - cô Ngữ chia sẻ.
Nhà nghèo lại lắm eo. Vừa rồi, chắt bóp mãi cô Ngữ mới mua được cái xe đạp mới trị gia hơn 1 triệu đồng cho con đi học. Vụ lúa vừa rồi, cô ra thăm đồng bị trộm lấy mất xe đạp. Hồi năm 2011, Phúc được các nhà hảo tâm tặng chiếc xe đạp điện. Buổi ngày 8/3, khi để xe ở nhà em bị trộm là một người nghiện trong xã lấy mất. May mắn khi sau đó mẹ em lần mò hỏi được kẻ trộm mang bán ở đâu. Nhà hết tiền, mẹ em lại phải lóc cóc đi sang hàng xóm gần 500.000 đồng chuộc xe về.
Ngô Thị Phúc chụp chung với các anh chị sinh viên tình nguyện. (Ảnh: Văn Chung). |
Sinh ra trong khó khăn, Phúc chẳng nề hà việc đồng áng giúp gia đình. Học lớp chuyên Sử-Địa ở Trường THPT Chuyên Bắc Giang (Bắc Giang), ngày ngày em đạp xe hơn 15km từ nhà đến trường rồi lại quay về. Năm lớp 11, khi chuẩn bị đi thi quốc gia môn Sử em vẫn tranh thủ đi cấy giúp mẹ.
Sách vở Phúc dùng chủ yếu mẹ mua lại của người ta. Cô chủ nhiệm lớp em thương trò nhỏ, nhiều khi cũng bỏ tiền túi giúp em. Vậy mà suốt 12 năm Phúc luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lớp 8 em đạt giải Nhì môn Sử kỳ thi HSG huyện. Lên lớp 9 em đạt giải Ba môn Sinh và Văn của huyện. Hai năm lớp 11, 12 em đều đạt giải Ba HSG QG môn Sử.
Với thành tích đó, theo quy định, Phúc nộp hồ sơ tuyển thẳng vào ngành Sử, Trường ĐH Khoa học Xã hôi&Nhân văn (ĐH QG Hà Nội). Dù vậy, ước mơ trở thành luật sư giỏi, giúp được nhiều người nghèo vẫn thôi thúc Phúc đăng ký thi vào ngành Luật (Trường ĐH Luật Hà Nội).
Những ngày này, được sự giúp đỡ của Hội đồng hương Bắc Giang ở Hà Nội em và mẹ được đưa đến ở tại một ngồi chùa gần trường thi, mọi ăn uống rồi đi lại đều được các bạn sinh viên giúp đỡ nhiệt tình.
"Không ai có thể chọn cách mình sinh ra nhưng có thể chọn cho mình cách sống thế nào" và "nghệ thuật sống là phải học để biết cách thích nghi với hoàn cảnh sống" là những câu châm ngôn Phúc tâm đắc.
Em tâm sự "muốn học để sau thoát nghèo. Học để sau có một công việc tốt để giúp mẹ và các em không còn khổ nữa".
Theo Văn Chung Vietnamnet