Điều chỉnh phá vỡ quy hoạch, gây bức xúc xã hội
Theo Bộ trưởng Thể, hiện nay khi thông qua quy hoạch một đô thị, thậm chí một quận, một khu đô thị thì làm rất nghiêm túc song những điều chỉnh quy hoạch sau khi quy hoạch đã được công bố lại làm rất đơn giản.
“Chỉ cần ủy ban nhân dân địa phương cùng 1 - 2 sở ngành cũng có thể điều chỉnh quy hoạch đã được thông qua bằng việc lấy ý kiến các bộ ngành, hội đồng kiến trúc, hội đồng phản biện, ủy ban nhân dân các cấp rà soát rất kỹ lưỡng. Điều này sẽ phá vỡ quy hoạch”, ông Thể phân tích.
Để ngăn chặn tình trạng này, ông Thể đề xuất, khi điều chỉnh quy hoạch thì cấp nào ban hành quy hoạch, hội đồng bao nhiêu người, cơ quan thông qua thì cũng phải có một hội đồng tương ứng như thế đồng ý mới được điều chỉnh để đảm bảo tính khách quan, “tránh tình trạng một vài cá nhân điều chỉnh khu nào đó, phá nát quy hoạch, dẫn đến ùn ứ giao thông, gây bức xúc trong xã hội”.
Dẫn ví dụ về quy hoạch một khu đô thị được thông qua mật độ nhà cửa, khu công viên, công cộng rất rõ nhưng đến khi nhà đầu tư lớn thay đổi cục bộ dẫn đến mất diện tích cây xanh, diện tích công cộng, Bộ trưởng Thể chỉ rõ, bất cập hiện nay là những thay đổi này chỉ có một số đồng chí lãnh đạo, một số sở, ngành tự điều chỉnh chứ hội đồng thẩm định quy hoạch trước đó hoàn toàn không biết.
Theo ông Thể, chính việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch quá dễ nên họ sử dụng quyền đó làm quy hoạch không tốt. “Tôi đề nghị những công trình lớn, đô thị lớn, nên chăng có quy định chặt chẽ theo hướng hội đồng nào, cấp nào thông qua quy hoạch thì khi điều chỉnh phải có hội đồng tương ứng đồng ý, tránh xé lẻ làm phá đi quy hoạch”, Bộ trưởng Thể đề xuất.
Chia cắt thủ tục là “hành người dân”
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) thì bày tỏ không đồng tình khi dự luật quy định “bộ trưởng tiến hành phân cấp công trình xây dựng, phân loại dự án”. Theo ông Kim, việc chia ra từng công đoạn cấp giấy phép, hoàn công, sổ đỏ đang làm người dân khốn khổ.
“Cho giấy phép xây dựng xong đến khi hoàn công lại làm bộ hồ sơ khác rất phức tạp, rồi phải làm lại sổ đỏ khi đã có tài sản trên đất. Tại sao không gom làm một? Cấp giấy phép xây dựng thì đi kèm theo bộ hồ sơ hoàn công và sổ đỏ, quyền sử dụng đất và tài sản trên đất”, ông nói và nhấn mạnh “hành hạ người dân mới có chuyện chia cắt như thế”.
Ông Kim đề nghị các bộ phải thảo luận để liên thông, giải quyết cho dân. “Việc của bộ khác nhưng cùng nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cùng chế độ vì dân, của dân, do dân thì phải thảo luận để giúp dân”, ông Kim nói.
Ngoài ra, vị đai biểu này cũng đề nghị phải có phần mềm để cung cấp đầy đủ thông tin quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành. “Cái này không mất nhiều tiền, chỉ cần cái tâm của người lãnh đạo, giúp người dân không phải loay hoay chuyện nhà mình ở chỗ này được không, mua sắm đất đai, nhà cửa chỗ kia có phù hợp không”, ông Kim nói.
Từ đó vị đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường và thành phố Hà Nội cũng phải tham gia trả lời khi nào Hà Nội có quy hoạch nằm trên phần mềm và “tại sao thành phố Hồ Chí Minh làm được mà Hà Nội không làm được”?