Xem xét việc báo chí đăng tải thông tin lên mạng xã hội trước phương tiện chính
Sáng 12/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu vấn đề, quảng cáo là nguồn sống của báo chí, nhưng có sự cạnh tranh khốc liệt giữa mạng xã hội với báo chí.
"Thực tế báo chí đang lép vế, 80% quảng cáo chạy sang mạng xã hội. Liệu có giải pháp hợp tác giữa mạng xã hội với báo chí cùng chia sẻ lợi ích hay không?", đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) quan tâm đến hiện tượng lợi dụng không gian mạng để bóc phốt, công kích, nói xấu lẫn nhau, tạo hiệu ứng tiêu cực trong xã hội. "Phạm vi chia sẻ trên mạng xã hội lớn, tương tác cao, đòi hỏi yêu cầu về bảo vệ an toàn, an ninh mạng, bảo vệ quyền cá nhân. Thời gian tới bộ có giải pháp để hạn chế tình trạng này?", ông Định nêu.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng. Ảnh: Như Ý. |
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhắc lại, khi giữ Quyền Bộ trưởng TT&TT, ông Hùng có nêu quan điểm, nếu không có mạng xã hội Việt Nam đủ mạnh, sẽ không có sức mạnh đàm phán với mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook khi những mạng này không tuân thủ pháp luật Việt Nam, không dám cắt dịch vụ. Đại biểu Tâm hỏi Bộ trưởng TT&TT về thực hiện chiến lược này ra sao để đảm bảo không phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội nước ngoài.
Trả lời các đại biểu, về vấn đề hợp tác giữa báo chí với các mạng xã hội nước ngoài, ông Hùng cho biết, hầu hết các cơ quan báo chí đều có tài khoản trên mạng xã hội để "xuất hiện chỗ đông người".
"Sắp tới sửa Luật Báo chí sẽ xem xét một ý là các cơ quan báo chí có thể sẽ được phép đăng tải thông tin trên mạng xã hội trước khi đăng trên phương tiện chính của mình. Ví dụ, VTV1 đến 19h mới có chương trình thời sự, nhưng trong ngày diễn ra nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hoàn toàn rất nên cho phép đăng tải thông tin trên mạng xã hội trước", ông Hùng nói.
Nội dung hợp tác thứ hai, theo ông Hùng, là trong Nghị định 147 vừa ban hành, có quy định các nền tảng mạng xã hội khi sử dụng sản phẩm báo chí thì phải thoả thuận với cơ quan báo chí. Trong Luật Báo chí sửa đổi sắp tới, sẽ quy định rõ hơn về vấn đề này.
Việt Nam có gần 1.000 mạng xã hội
Chia sẻ về chiến lược phát triển mạng xã hội Việt Nam để cạnh tranh, có sức đàm phán với mạng xã hội nước ngoài, ông Hùng nhắc lại, khi giữ chức Quyền Bộ trưởng, ông có nói rằng, sức mạnh đàm phán dựa trên thực lực, khi không có thực lực, không có lực lượng thì rất khó đàm phán.
"Mạng xã hội có hai mặt, mặt tích cực để làm ăn trên đó. Nếu chúng ta không có mạng xã hội thì có cấm được mạng xã hội nước ngoài không. Nếu ta có mạng xã hội, lực lượng tương xứng trong tay thì có ảnh hưởng trong quá trình đàm phán, sẽ tốt hơn", ông Hùng nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Như Ý. |
Bộ trưởng Hùng thông tin: Hiện chúng ta cấp phép gần 1.000 mạng xã hội Việt Nam, chủ yếu hoạt động trong thị trường ngách. Trong số này, có khoảng 20 mạng xã hội lớn. Tổng người dùng của các mạng xã hội này tương đương, cao hơn số lượng người dùng mạng xã hội facebook, tiktok, youtube... đó là chưa kể 38 nền tảng số quốc gia nữa. Nếu tính thêm số người của 38 nền tảng này thì lượng người dùng lớn hơn mạng xã hội nước ngoài.
"Muốn bền vững, muốn chuyển đổi số thì phải làm chủ công nghệ, làm chủ nền tảng. Rất may là người Việt Nam giỏi công nghệ thông tin, từ làm chủ ứng dụng sẽ làm chủ được công nghệ", ông Hùng chia sẻ.
Nói về tình trạng bóc phốt trên mạng xã hội, ông Hùng cho biết, vừa qua đã xử phạt nhiều trường hợp, nhưng mức phạt còn khá thấp. Kinh nghiệm ở nước ngoài cho thấy, có trường hợp bị phạt hàng triệu đô.
"Mình mới phạt người sử dụng mạng xã hội thôi, còn trách nhiệm các nhà mạng thì sao. Nhiều nước họ quy định trách nhiệm của mạng xã hội, thậm chí chủ sở hữu mạng xã hội còn phải đi tù. Chúng ta hiện đã quy định hành vi liên quan đến trách nhiệm của mạng xã hội, mạng phải có trách nhiệm tự rà quét, xử lý các thông tin vi phạm", ông Hùng nói.
Nói thêm vấn đề này, ông Hùng nêu quan điểm, phải xử lý nghiêm minh, lan toả kết quả đến toàn dân để thể hiện tính răn đe. "Bộ Chính trị đã kết luận, giao cho Bộ Công an làm Luật về phòng chống tin giả, sẽ giải quyết được vấn đề tin giả", ông Hùng thông tin.
Xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, hiệu quả là nhiệm vụ cấp bách
Trước đó, trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thu Hằng về giải pháp hạn chế quảng cáo không đúng sự thật trên sàn thương mại điện tử, nền tảng xuyên biên giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói không còn cách nào khác là mọi ngành, mọi cấp "quản lý phần của nhà mình trên không gian mạng". Khi phát hiện sai phạm, Bộ TT&TT sẽ xác định danh tính để xử lý.
"Các nền tảng xuyên biên giới, kể cả chưa có đại diện tại Việt Nam, khi làm ăn kinh doanh tại Việt Nam nếu không tuân thủ, chúng ta có đủ năng lực để dừng toàn bộ hoạt động", ông Hùng nêu.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thanh Lam nói cử tri quan tâm về giải pháp khắc phục quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng vì nó ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. "Cần nêu rõ đâu là giải pháp cốt lõi, bộ đã làm hết trách nhiệm của mình trong công tác này chưa?", đại biểu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Bộ đã làm hết sức". Nội dung quản lý về quảng cáo đã có nhiều tiến triển. Trước đây, cơ quan quản lý chuyển những thông tin sai sự thật yêu cầu các mạng gỡ nhưng họ thực hiện hạn chế, 10 nội dung chỉ gỡ 1-2. "Còn giờ đây, họ thực hiện nghiêm trên 90%. Đã có lệnh từ Nhà nước là các nền tảng, cả xuyên biên giới phải thực hiện. Nền tảng phải tự rà quét, hạn chế", ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các nền tảng phải hạ các tài khoản và trang thông tin vi phạm nhiều lần. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng đây là một vấn đề phức tạp và luôn thay đổi, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải không ngừng cập nhật và điều chỉnh các quy định pháp luật để thích ứng với tình hình mới. Việc xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh và hiệu quả cho không gian mạng là một nhiệm vụ cấp bách và đòi hỏi sự nỗ lực của cả xã hội.