Lao động bị lừa do đi qua “công ty ma”
Sáng 6/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) quan tâm đến tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn khi đi lao động tại nước ngoài, ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia. Tới đây, bộ có giải pháp căn cơ nào trước thực trạng này?
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình). Ảnh: Như Ý |
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, hiện tượng đó tại thời điểm này không bức xúc bằng năm 2017. Thời điểm đó, tỷ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc lên tới 52%, và Hàn Quốc đã dừng toàn bộ chương trình ở Việt Nam.
"Thời gian qua, bộ phải làm nhiều việc để đến thời điểm này chỉ còn 24,6% người lao động vi phạm hợp đồng, thuộc diện quốc gia, có mức độ vi phạm thấp, để tiếp tục gỡ bỏ những hạn chế tiếp nhận lao động" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, suốt 4 năm, bộ kiên trì thực hiện các giải pháp ký quỹ, trục xuất, thậm chí xử lý hình sự với người trốn ở lại. Có thời điểm, phía nước bạn dừng tiếp nhận lao động ở toàn bộ các tỉnh, thành có tỷ lệ lao động trốn ở lại cao. Còn thời điểm này, việc tạm dừng chỉ áp dụng trong 18 huyện ở 9 tỉnh.
"Thời gian qua, bộ phải làm nhiều việc để đến thời điểm này chỉ còn 24,6% người lao động vi phạm hợp đồng, thuộc diện quốc gia, có mức độ vi phạm thấp, để tiếp tục gỡ bỏ những hạn chế tiếp nhận lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Trả lời thực trạng số lao động Việt Nam đi nước ngoài bị lừa nhiều, bộ trưởng cho biết, năm 2022, lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài là 142.000 người, chiếm 10% yêu cầu giải quyết việc làm. Số này đi theo Luật người Việt Nam đi lao động nước ngoài, do 482 doanh nghiệp được cấp phép đưa đi. “Lao động đi theo diện này không bị lừa”, ông Dung khẳng định.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: Như Ý |
Theo bộ trưởng, số lao động bị lừa do đi qua “công ty ma”, không được cấp phép. Thậm chí, các doanh nghiệp đã trá hình đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Nhiều trường hợp công ty cấp phép lừa đảo cả hai đầu đi và đến như thu tiền môi giới cao hơn, không đúng ngành nghề, cuối cùng sang phải trả về hoặc làm việc không tốt.
Tư lệnh ngành lao động cũng cho biết, Bộ LĐTB&XH đã xử phạt nhiều các doanh nghiệp vi phạm. Năm 2022, thanh tra xử lý 22 doanh nghiệp, 4 doanh nghiệp thu hồi giấy phép, phần lớn “công ty ma” không phải doanh nghiệp được cấp phép.
Về giải pháp để hạn chế tình trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đến kênh tuyên truyền, xử lý vi phạm, thanh tra, kiểm tra.
Lo ngại “chảy máu chất xám”
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Quang Minh quan tâm tới tình trạng công chức thôi việc, cử tri lo ngại “chảy máu chất xám”, bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới?
Về tình trạng công chức thôi việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua, Chính phủ đã đề cập vấn đề cán bộ công chức chuyển sang làm việc khu vực tư nhân và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời vấn đề này.
"Cá nhân tôi xin trả lời một phần nào đó về vấn đề này. Muốn người lao động khu vực công và tư ổn định, việc quan trọng nhất là thu nhập, đời sống việc làm ổn định, lương đủ sống, thu nhập đảm bảo cho bản thân và gia đình mình", ông Dung nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: Như Ý |
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu thực tế, cắt giảm lao động, cơ hội việc làm lao động nữ ngoài 40 tuổi khó khăn, nhóm nguy cơ cao rút bảo hiểm xã hội một lần. Giải pháp của bộ ra sao về vấn đề này?
Trả lời vấn đề chính sách với lao động nữ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, một tháng trước, ông được Thủ tướng phân công đi kiểm tra một số địa phương. “Cùng sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân, tôi thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề tới 80% là nữ”, ông Dung kể.
Theo Bộ trưởng LĐTB&XH, đối tượng bị giãn việc, mất việc làm cũng hầu hết rơi vào lao động nữ. Trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua, phần đông cũng là những người mẹ đem theo con. “Không trụ nổi ở thành phố, người lao động mới phải trở về”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
“Cùng sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân, tôi thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề tới 80% là nữ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Ông Dung cho rằng, lao động phải được đào tạo ngay từ sớm, nếu qua tuổi 40, với ngành dệt may quả thật rất khó khăn với người lao động vì “mắt đã mờ, chân đã chậm”, năng suất làm việc thấp. “Ông chủ doanh nghiệp 'nhắm' đến người khó khăn như vậy”, Bộ trưởng LĐTB&XH nói.
Do vậy, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phải có giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi như tạo điều kiện doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm ổn định, chăm lo phúc lợi xã hội thiết yếu, chủ động đào tạo từ sớm, từ xa.
Ông cũng đề nghị địa phương có cơ chế, chính sách tạo việc làm cho lao động nữ thích ứng với điều kiện mới.
Tỷ lệ thất nghiệp 2,25% là "đánh giá khách quan"
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) nhận định, năm 2023 kinh tế nước ta đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động, việc làm đối mặt với nhiều rủi ro… Trong khi đó, báo cáo của Bộ LĐTB&XH lại cho thấy, tình trạng lao động mất việc làm ở nước ta thấp. Đại biểu đề nghị bộ trưởng giải trình rõ và giải pháp cho thị trường lao động trong thời gian tới?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn. Ảnh: Như Ý |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, con số tỷ lệ thất nghiệp 2,25% là đánh giá khách quan, khoa học, theo tiêu chí cụ thể quốc tế đưa ra. Con số là kết quả khảo sát thực hiện trong 1 tuần trước thời điểm công bố, theo tiêu chí đánh giá “thất nghiệp” là tình trạng người lao động trong độ tuổi có nhu cầu làm việc, nhưng không có việc làm, thậm chí không làm việc dù chỉ 1 giờ, sẵn sàng làm việc, không có việc làm hoặc đang tìm việc.
Ngoài áp tiêu chí đó, Tổng cục Thống kê còn mở rộng thêm một số tiêu chí theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo đó, những ý kiến đánh giá độc lập, đối soát đánh giá của Tổng cục Thống kê cơ bản là trùng nhau.
Với quy mô thị trường lao động trên 51,2 triệu người, số thất nghiệp chính thức là 297.000, theo Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, chúng ta vẫn hoàn toàn kiểm soát được.
Theo dự báo thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn, đặc biệt với ngành hàng thâm dụng lao động nhiều, trong đó giày da, dệt may, túi xách, sản xuất hàng xuất khẩu.
“Tôi đã từng trao đổi với các đại biểu TPHCM, thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành đã bào mòn tích lũy của người lao động, cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta không quá bi quan”, ông Dung nói.
Với quy mô thị trường lao động trên 51,2 triệu người, số thất nghiệp chính thức là 297.000, theo Bộ trưởng LĐTB&XH, chúng ta vẫn hoàn toàn kiểm soát được.
“Thực tế, năm 2021 cả nước từng lo lắng về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng Việt Nam đã không để tình trạng đó xảy ra”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, đồng thời cho biết Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã chủ động ứng phó, xúc tiến nhiều nhà đầu tư, đốc thúc nhiều giải pháp ổn định thị trường lao động, đời sống người làm công ăn lương.
“Vừa qua, đã có 8 đoàn kiểm tra, rà soát lại hiện tượng này. Qua đó, một số điểm nổi lên như có địa phương báo cáo 62 trường hợp, nhưng kiểm tra còn 8 trường hợp. Đến nay chưa phát hiện tiêu cực, nhưng sai là có”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.