Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn Hoa Kỳ trợ giúp thành lập 2 CDC Trung ương

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn Hoa Kỳ trợ giúp thành lập 2 CDC Trung ương
TPO - Bộ Y tế cho biết sáng 30/3 không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Việt Nam có tổng cộng 1603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Tại buổi làm việc với ông Jonh MacArthur - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) và ông Mathew Moore - Quyền giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn CDC Hoa Kỳ trợ giúp thành lập 2 CDC Trung ương của Việt Nam.

Theo số liệu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tính đến 16h ngày 29/3/2021, có thêm 1.276 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại 07 tỉnh/TP, cụ thể như sau:

- Tỉnh Hải Dương: 414

- TP. Hải Phòng: 212

- Tỉnh Hòa Bình: 12

- Tỉnh Bắc Giang: 164

- Tỉnh Hà Giang: 168

- Tỉnh Điện Biên: 194

- TP. Hồ Chí Minh: 112

Như vậy tổng số người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 8-29/3 là 46.416 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại 19 tỉnh/TP.

Chiều 29/3, tại Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã tiếp và làm việc với ông Jonh MacArthur - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) và ông Mathew Moore - Quyền giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, an ninh y tế là vấn đề hết sức quan trọng, đồng thời là một trong những ưu tiên trong chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam đang hoàn thiện hơn nữa hệ thống CDC để đáp ứng tốt và nhanh hơn nữa các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ thành lập CDC Trung ương đặt tại 2 khu vực miền Bắc và miền Nam.

Nhấn mạnh việc thành lập CDC Khu vực Đông Nam Á của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vục an ninh y tế, ông Jonh MacArthur cho hay nhiệm vụ của CDC khu vực Đông Nam Á không phải là thay thế cho CDC quốc gia mà làm thế nào để kết nối các hoạt động của CDC khu vực với Bộ Y tế Việt Nam.

Thông tin tại buổi làm việc cũng cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra cam kết tài trợ 4 tỷ USD trong cơ chế vắc xin COVAX để giúp người dân thế giới có thể tiếp cận vắc xin nhiều hơn. Đồng thời, Hoa Kỳ đang thúc đẩy sản xuất 1 tỷ liều vắc xin phòng COVID-19 (tại Ấn Độ) để cung cấp vắc xin này trên toàn thế giới với mong muốn đáp ứng được miễn dịch toàn cầu với COVID-19.

CDC Hoa Kỳ cũng đã bố trí nguồn vốn trong năm tài chính 2021 là 2,3 triệu USD cho các hoạt động với Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và 4 Viện đầu ngành của Việt Nam…

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác với các nước và trong đó có Hoa Kỳ về an ninh y tế với mục tiêu tăng cường an ninh y tế chung của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, bởi mức nguy hiểm của dịch bệnh hiện nay ngày càng cao hơn, tần suất suất hiện ngắn hơn, đòi hỏi đáp ứng phòng chống dịch nhanh hơn.

Khẳng định mạng lưới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) các địa phương của Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch, đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang hoàn thiện hơn nữa hệ thống CDC để đáp ứng tốt và nhanh hơn nữa các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ thành lập CDC Trung ương đặt tại 2 khu vực miền Bắc và miền Nam.

“Chúng tôi mong muốn CDC Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình thiết lập các CDC Trung ương này cả về vấn đề tài chính và kỹ thuật” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, liên quan đến vấn đề vắc xin phòng chống dịch COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để có thể tiếp cận được vắc xin COVID-19 bằng nhiều cách khác nhau, cả tăng cường đàm phán, tìm kiếm nguồn cung bên ngoài và đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển trong nước.

Hơn 128 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, 94 nghìn người bệnh diễn biến nặng

Cả thế giới có 128.190.161 ca mắc, trong đó 103.348.563 ca đã khỏi bệnh; 2.802.965 ca tử vong và 22.038.633 ca đang điều trị (94.492 ca diễn biến nặng)

- Trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 342.899 ca, tử vong tăng 5.530 ca

Tại Việt Nam,tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 46.454, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 506

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 19.379

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 26.569.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.308/ 2.594 bệnh nhân COVID-19.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước có 125 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 30 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 38 ca; số ca âm tính lần 3 là 57 ca.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Tính từ 18h ngày 29/3 đến 6h ngày 30/3: Việt Nam không có ca mắc mới, tổng số ca mắc vẫn là 2.594 ca. Như vậy đã 12h trôi qua, nước ta chưa ghi nhận ca bệnh.

Đến 6h sáng nay, Việt Nam vẫn có tổng cộng 1603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã qua 45 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng;

- Hà Nội đã 42 ngày và Hải Phòng 35 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Từ 1/4, Hải Dương về trạng thái bình thường mới

Từ 0 giờ ngày 1/4, toàn tỉnh Hải Dương sẽ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, các dịch vụ "nguy cơ" như: quán bar, vũ trường, karaoke, massage.. tiếp tục tạm dừng hoạt động cho đến ngày 15.4.

Theo đó, từ ngày 1.4, toàn tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa tích cực, chủ động phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Cũng từ 1.4, học sinh từ mầm non đến THPT tại tất cả các địa phương trong tỉnh trở lại trường học, tuy nhiên vẫn tạm dừng các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, các cuộc thi, giao lưu; lùi thời gian tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 một tuần; việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh tại các trường phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Các dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh như: Quán bar, vũ trường, karaoke, massage, gym, rạp chiếu phim, quán game tiếp tục tạm dừng hoạt động cho đến ngày 15.4.

Nhà hàng, quán ăn, quán cà phê được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các quán bia vỉa hè tạm thời chưa cho phép hoạt động. Riêng TP.Hải Dương, TP.Chí Linh và huyện Kim Thành chủ động áp dụng thêm một số biện pháp chặt chẽ hơn trong phòng chống dịch…

Toàn tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, tổ "COVID-19 cộng đồng" tại các thôn, khu dân cư, tổ "An toàn COVID-19" tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiếp tục siết chặt công tác phòng chống dịch trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch; bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; không tụ tập đông người; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.

Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh vào địa bàn Hải Dương, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định cách ly và lấy mẫu xét nghiệm; đặc biệt lưu ý kiểm soát, phát hiện và xử lý đối với những trường hợp nhập cảnh trái phép…

Trên địa bàn tỉnh không còn khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Toàn tỉnh chỉ còn 41 người phải cách ly tập trung. Các mẫu xét nghiệm sàng lọc ho sốt trong cộng đồng cũng như tại các cơ sở khám chữa bệnh đều cho kết quả âm tính. Tất cả các lái xe, sinh viên và những người được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 diện rộng trong toàn tỉnh cũng đều có kết quả âm tính. 95% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã trở lại hoạt động trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh…

MỚI - NÓNG