Gia đình ông Nguyễn Văn Thể (Đông Hưng, Thái Bình) có một gốc đinh lăng đã trồng từ trước năm 1990. Ông Thể cho biết, cách đây hai năm lái buôn đến trả gia đình ông 800 nghìn đồng/gốc. Vợ chồng ông kiên quyết không bán, nhưng vài tháng trở lại đây liên tục có người hỏi mua. Có những lái buôn mạnh tay trả đến 2 triệu đồng/gốc.
Ông cho biết, theo lời các lái buôn này thì họ thu mua về để bán sang Trung Quốc. Ban đầu, gốc đinh lăng này, ông chỉ cắm vài cành nhỏ để lấy lá ăn nhưng khi có người đến tha thiết hỏi mua, ông đoán được giá trị của cây đinh lăng còn hơn thế nữa nên không bán.
Trong vai một người đang muốn bán hơn 20 chục gốc đinh lăng hơn 10 năm tuổi, phóng viên liên lạc với một người tên Đàm, chuyên thu mua cây đinh lăng tại Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên theo số điện thoại 0983816...
Đàm cho biết, anh ta thường thu mua ở thị trường các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam… Trong đội thu mua có gần chục người chuyên đi mua từng bụi nhỏ lẻ và gom lại. Khi nào gom được khoảng gần tấn họ sẽ mang đến nhà Đàm để cân.
"Đinh lăng mua theo gốc, giá của mỗi gốc đinh lăng tùy vào năm tuổi. Nếu lâu năm gốc to, thịt cây chặt sẽ nặng cân và giá tiền sẽ cao lên. Loại 3,5 năm bán hao không được tiền. Giá tiền từ 12 nghìn đồng/kg thân cây tươi", Đàm cho biết.
Đàm bật mí, mỗi khi gom được khoảng 7 - 8 tấn hàng, anh ta sẽ đánh một chuyến xe lên thẳng cửa khẩu Móng Cái để bán sang Trung Quốc. Thời gian gần đây, đinh lăng không còn dễ mua như vài năm trước nên giá cao hơn. Vài năm trước, các lái thu mua thường mua theo gốc, nhưng bây giờ họ tính theo cân.
Thu mua tận diệt?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thuần, phó Viện trưởng Viện dược liệu Việt Nam, đinh lăng là loại dược liệu quý thuộc họ sâm. Đinh lăng có tác dụng chính là an thần, tăng cường sinh lực.
Tiến sĩ Thuần cho biết, ông không biết người Trung Quốc mua để làm gì. "Có thể họ mua để bào chế sang các dạng hoạt chất và lại bán lại cho chúng ta làm thuốc".
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Việt Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay, không chỉ riêng đinh lăng, từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn muốn thu mua các cây dược liệu.
“Có những cây thuốc quý trên các vùng núi phía bắc của Việt Nam, người Trung Quốc qua thu mua một cách tận diệt. Ban đầu khi còn nhiều họ mua với giá vài chục nghìn đồng một cân, khi hiếm hơn thì lên đến vài trăm nghìn và khi trở nên khan hiếm họ ra giá đến hàng triệu đồng/kg để người dân mình đi lấy và bán cho họ”.
Theo bác sĩ Hoàng, có thể do ở nước ta vẫn chưa tìm ra công dụng đặc hiệu của các loại cây này nên không khai thác tối đa được chúng.
Theo Khánh My
Bee.net.vn