Tại thời điểm này, các mặt hàng củ, quả từ Trung Quốc (TQ) nhập khẩu chủ yếu là khoai tây, nho, mận, táo, lê… Hiện hoa quả TQ được nhập qua con đường chính ngạch chủ yếu ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), một lượng nhỏ qua Lào Cai, Quảng Ninh, còn lại chủ yếu qua các đường tiểu ngạch (biên mậu), nên rất khó kiểm soát chất lượng.
Ông Nguyễn Trung Hà – Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết: Ở Móng Cái, hầu hết các mặt hàng củ, quả không qua cửa khẩu này, mà chủ yếu được trao đổi, mua bán giữa các dân cư biên giới (theo quy định được trao đổi mua bán 2 triệu đồng/ngày). “Với hình thức mua bán, trao đổi này nên hàng chủ yếu được vận chuyển qua đường bộ, đường sông với số lượng nhỏ, nên không thể kiểm soát được” - ông Hà nói.
Theo quy định nhập khẩu, tất cả các mặt hàng hoa quả phải qua kiểm dịch, thì ngành hải quan mới cho phép làm thủ tục nhập. Tuy nhiên, quy định đó chỉ dành cho các lô hàng xuất qua đường chính ngạch. Còn việc buôn bán, trao đổi giữa các cư dân biên giới đối với mặt hàng hoa quả hiện đang khó kiểm soát hoặc có nơi không kiểm soát được, vì hàng được buôn bán qua nhiều đường, số lượng nhỏ.
Còn ông Nguyễn Văn Chương – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho hay: Hiện các mặt hàng nông sản được nhập về qua cửa khẩu Tân Thanh có đỗ xanh, tỏi, gừng, hành, táo, lê, cam, quýt… Trung bình, mỗi ngày nhập khoảng 100 xe, trong đó mặt hàng củ, quả chiếm khoảng 40% (khoảng 1.000 tấn). “Chúng tôi cũng chỉ có thể kiểm tra được chất lượng VSATTP tại các lô hàng này, còn đối với các loại hàng hóa xuất qua đường tiểu ngạch, thì không thể kiểm soát hết được” - ông Chương nói.
Cảnh giác với củ, quả trái mùa
Bà Bế Thị Thu Hiền – Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh (Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng VII) cho biết: Hiện các mặt hàng hoa quả nhập khẩu đều được tiến hành lấy mẫu kiểm dịch với tỷ lệ 10%. Như kết quả đã công bố trước đó, vừa qua với các thiết bị test nhanh, chúng tôi đã phát hiện một mẫu mận tươi có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt quá giới hạn tối đa cho phép.
Trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Hà – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng VII (Lạng Sơn) cho biết: Thông thường, các mặt hàng hoa quả trái vụ đều sử dụng các loại thuốc BVTV để bảo quản, nên nguy cơ có dư lượng thuốc BVTV và tiềm ẩn mất VSATTP cao hơn các loại hoa quả chính vụ. Riêng với mận TQ bán sang nước ta hiện nay đều là mận trái vụ với thời gian bảo quản từ tháng 5 đến nay.
“Theo tôi, người tiêu dùng không nên ăn các loại quả trái vụ, không chỉ độ ngon giảm mà nguy cơ mất VSATTP luôn cao hơn rất nhiều” - bà Hà khẳng định.
Theo Dân việt