Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2016, Hancorp đầu tư ra ngoài doanh nghiệp hơn 1.280 tỷ đồng. Trong số 6 công ty con mà đơn vị này đầu tư 176 tỷ đồng thì 2 công ty lỗ. Những công ty có hệ số nợ phải trả trên chủ sở hữu rất cao như Cty cổ phần Đầu tư Xây dựng số 1 Hà Nội (hơn 11 lần), Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà và Xây dựng Tây Hồ (hơn 7 lần) và Cty TNHH Một thành viên Hantech (hơn 7 lần). Hancorp cũng đầu tư vào 20 công ty liên kết khoảng gần 700 tỷ đồng. Rất nhiều công ty trong số này cũng có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu rất cao, đặc biệt phải kể đến Cty Cổ phần Hancorp 2 (42 lần), Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bất động sản Lanmak (hơn 13 lần).
Đến cuối năm 2016, tổng số dư trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính của Hancorp là 238 tỷ đồng. Với những số liệu trên, Bộ Tài chính nhận định việc đầu tư ngoài doanh nghiệp của Hancorp không mang lại hiệu quả, tỷ suất cổ tức trên vốn đầu tư chỉ đạt chưa tới 3%. Trong đó, vốn đầu tư lại tập trung chủ yếu tại các công ty liên kết và đầu tư dài hạn mà đơn vị này không có quyền chi phối, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn. Ngoài ra, Hancorp cũng có số nợ phải thu gấp tới 2,2 lần vốn chủ sở hữu với tổng cộng hơn 3.300 tỷ đồng.
“Mặc dù khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của tổng công ty được đảm bảo, nhưng nợ phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản và hệ số khả năng thanh toán tức thời thấp. Điều này cho thấy, Hancorp sẽ gặp khó khăn trong thanh toán nợ đến hạn trong trường hợp chủ đầu tư chậm thanh toán hoặc tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi”, Bộ Tài chính nhận định.
Với những lý do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát, đánh giá các khoản đầu tư ngoài doanh nghiệp của Hancorp, đồng thời có biện pháp thoái vốn với các khoản không mang lại hiệu quả. Cơ quan nay cũng cho rằng, Bộ Xây dựng nên có biện pháp cần thiết để thu hồi số nợ phải thu quá hạn để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại Hancorp.