Bộ sưu tập nghệ thuật bí mật dưới thời Đức Quốc xã

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong di chúc, nhà sưu tập nghệ thuật Cornelius Gurlitt đã hiến những tác phẩm trong bộ sưu tập của mình cho một viện bảo tàng. Danh tính của người đàn ông này và cách ông quy tụ một bộ sưu tập khổng lồ như vậy từng là một câu hỏi day dứt trong nhiều thập kỷ.

Tại bảo tàng Kunstmuseum ở Bern, một phòng trưng bày nghệ thuật lớn tại thủ đô Thụy Sĩ, một buổi triển lãm dành cho một trong những bộ sưu tập nghệ thuật quan trọng nhất của thế kỷ 20 vừa được khai mạc. Đó là bộ sưu tập của ông Cornelius Gurlitt. Đáng chú ý là các bức tranh thuộc trường phái Ấn tượng Pháp (Degas, Monet, Renoir), và trường phái Biểu hiện Đức (Franz Marc, August Macke, Otto Dix) và vô số tác phẩm bậc thầy khác. Từ Cézanne đến Gaugin, từ Dürer đến Delacroix, thực sự là một kho tàng nghệ thuật đồ sộ. Ông Cornelius Gurlitt đã giấu những bức tranh quí trong nửa thế kỷ. Trong nhiều thập kỷ, những tác phẩm nghệ thuật này được cho là đã mất tích vĩnh viễn - bị phá hủy hoặc thất lạc trong cuộc tàn sát của Thế chiến II.

Tài sản hợp pháp hay được mua bất hợp pháp?

Cách đây 12 năm, vào tháng 9 năm 2010, khi ông Gurlitt, một công dân Đức 77 tuổi, lên một chuyến tàu từ Zurich để trở về quê hương của ông, Munich. Khi đoàn tàu của ông băng qua biên giới từ Thụy Sĩ sang Đức, cảnh sát hải quan đã tiến hành kiểm tra hành khách. Trong hành lý của ông Gurlitt, họ tìm thấy một phong bì chứa 9000 Euro (210 triệu VND) tiền mặt. Nghi ngờ ông trốn thuế, họ đã dẫn ông đến một công tố viên.

Họ sớm phát hiện ra ông Gurlitt không phải là một công dân bình thường. Ông sống ẩn dật, chưa bao giờ kết hôn, chưa bao giờ có việc làm. Ông thường xuyên đến Thụy Sĩ và trở về với một lượng tiền mặt không hề nhỏ. Vào tháng 2 năm 2012, cảnh sát đã khám xét căn hộ khiêm tốn của ông Gurlitt ở vùng ngoại ô Schwabing yên tĩnh của Munich. Ở đó, họ đã tìm thấy khoảng 1500 tác phẩm nghệ thuật của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nhất cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, một kho tàng trị giá hàng trăm triệu Euro.

Các nhà chức trách Đức đã thu giữ kho tàng hội họa và bắt đầu điều tra xem chúng đến từ đâu. Nhiệm vụ không dễ dàng. Ông Gurlitt khẳng định chúng là tài sản hợp pháp của ông, được thừa kế từ cha ông, Hildebrand. Tuy nhiên, cha ông, Hildebrand Gurlitt, là một nhà buôn nghệ thuật người Đức, người đã hợp tác chặt chẽ với Đức Quốc xã. Bên cạnh tội ác chống lại loài người, Đức quốc xã đã cướp đi vô số tác phẩm nghệ thuật. Vậy những bức tranh này có thực sự là tài sản hợp pháp của ông Cornelius Gurlitt không? Hay cha ông đã mua chúng một cách bất hợp pháp trong thời Đệ tam Đế chế.

Kẻ vụ lợi hay anh hùng?

Ông Gurlitt đồng ý hợp tác với cuộc điều tra. Có vẻ ông đã bán các tác phẩm này cho các đại lý nghệ thuật trong mỗi chuyến đi đến Thụy Sĩ. Vào tháng 2 năm 2014, thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn nữa được phát hiện trong một ngôi nhà mà ông sở hữu ở thành phố Salzburg. Vào tháng 4, ông Gurlitt đã đồng ý trả lại mọi tác phẩm bị lấy cắp cho chủ sở hữu hợp pháp của chúng. Nhưng vào tháng 5, ông qua đời vì bệnh trụy tim, ở tuổi 81. Trong di chúc của mình, ông ghi tên là đối tượng thụ hưởng duy nhất của mình là bảo tàng Kunstmuseum.Vì sao ông Gurlitt lại để bộ sưu tập của mình cho Kunstmuseum vẫn là một bí ẩn, khi ông không có mối liên hệ cụ thể nào với phòng trưng bày. Một số suy đoán: Việc để lại bộ sưu tập của mình cho một phòng tranh nước ngoài là để trả thù nước Đức quê hương, vì đã điều tra nguồn gốc bộ sưu tập của ông một cách khắt khe. Tuy nhiên, bất kể động cơ là gì, ông Gurlitt đã giữ nó cho riêng mình.

Sau sáu tháng cân nhắc, bảo tàng Kunstmuseum quyết định chấp nhận bộ sưu tập của ông Gurlitt. Cùng với các nhà chức trách Đức, họ đã cố gắng xác định nguồn gốc của những tác phẩm nghệ thuật bí ẩn. Đây là một thử thách gian nan, phần lớn do tính cách mơ hồ và bí ẩn của người đàn ông đã tập hợp bộ sưu tập khổng lồ này - ông Hildebrand Gurlitt.

Bộ sưu tập nghệ thuật bí mật dưới thời Đức Quốc xã ảnh 1

“Zandvoort Strandcafé” của Max Beckmann, 1934

Ông Hildebrand sinh ra ở Dresden vào năm 1895, trong một gia đình toàn các nghệ sĩ, nhà sử học nghệ thuật và nhà kinh doanh nghệ thuật. Là một người điều hành triển lãm trong cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930, ông đã ủng hộ các nghệ sĩ Đức tiên phong như Max Pechstein, Erich Heckel và Emil Nolde. Nhưng khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, vào năm 1933, ông đã bị sa thải khỏi công việc đó, vì sự đồng cảm với chủ nghĩa hiện đại của ông.

Đức Quốc xã đã tuyên chiến với nghệ thuật hiện đại, coi hầu như tất cả các nghệ sĩ theo chủ nghĩa siêu thực và trừu tượng là “thoái hóa”. Các nghệ sĩ theo trường phái biểu hiện hàng đầu của Đức như Max Beckmann và Ernst Ludwig Kirchner đã bị phòng trưng bày công cộng cấm cửa, bị chế giễu và bêu xấu cho đến khi họ buộc phải từ bỏ nước Đức.

Khi không còn nhu cầu từ các phòng trưng bày, giá của các tác phẩm nghệ thuật “thoái hóa” đã giảm đáng kể. Bị tước đi một công việc ổn định, ông Hildebrand bắt đầu mua lại các tác phẩm nghệ thuật “thoái hóa”.Vậy ông Hildebrand là một kẻ vụ lợi, hay là một anh hùng? Chắc chắn là ông đang mua lại tranh từ những nhà sưu tập muốn bán và cần tiền, nhưng rất nhiều người bán tranh này không có khả năng mặc cả nhiều (như một số người Do Thái Đức, những người cần tiền gấp để trốn khỏi đất nước). Ông Hildebrand đang giúp đỡ những người bán tranh này hay lợi dụng họ?

Bộ sưu tập nghệ thuật bí mật dưới thời Đức Quốc xã ảnh 2

Ông Hildebrand Gurlitt

Sau đó mọi việc trở nên rõ ràng hơn khi ông được chính phủ Đức Quốc xã thuê, với tư cách là một trong bốn đại lý nghệ thuật chuyên bán các tác phẩm nghệ thuật “thoái hóa” ở nước ngoài. Những tác phẩm này đã bị thu giữ từ các phòng trưng bày, bị rao bán khắp nơi chỉ để quyên góp ngoại tệ cho nhà nước Đức Quốc xã. Chỉ vài năm trước đây, ông Hildebrand từng là một trong những người ủng hộ chủ nghĩa tiến bộ. Giờ đây, ông làm việc cho Đức Quốc xã, những kẻ đã sa thải ông khỏi công việc ban đầu. Bằng cách này hay cách khác, nhiều tác phẩm nghệ thuật “thoái hóa” đã đi vào bộ sưu tập của riêng ông Gurlitt.

Sau chiến tranh, ông Hildebrand tiếp tục sự nghiệp của mình với tư cách là một đại lý nghệ thuật ở Tây Đức, tập trung vào nghệ thuật hiện đại. Ông đảm nhận vai trò quản lý ở Düsseldorf, tổ chức nhiều buổi triển lãm trước khi qua đời trong một vụ tai nạn giao thông vào năm 1956, ở tuổi 61. Có vẻ như phần lớn bộ sưu tập của ông đã được chuyển cho vợ và sau đó cho con trai của họ, ông Cornelius.

Sinh năm 1932, tại Hamburg, khi cha qua đời, ông Cornelius đang theo học lịch sử nghệ thuật tại Đại học Cologne. Sau khi thừa kế bộ sưu tập của cha mình, ông đã quyết định ẩn danh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.