Bộ, Sở đều phản đối

Các nhà quản lý giáo dục đều phản đối việc bắt trẻ học trước khi vào lớp 1. Ảnh: Phạm Yên
Các nhà quản lý giáo dục đều phản đối việc bắt trẻ học trước khi vào lớp 1. Ảnh: Phạm Yên
TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT và ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT Hà Nội đều khẳng định, ngành phản đối quyết liệt việc dạy học cho trẻ trước khi các em vào lớp 1.

>> Bài 2: Trẻ không học trước sẽ vượt lên

Các nhà quản lý giáo dục đều phản đối việc bắt trẻ học trước khi vào lớp 1. Ảnh: Phạm Yên
Các nhà quản lý giáo dục đều phản đối việc bắt trẻ học trước khi vào lớp 1.
Ảnh: Phạm Yên.


Phụ huynh chưa nhìn thấy tác hại lâu dài

Ông Lê Tiến Thành nói: Bộ GD&ĐT phản đối việc dạy học cho trẻ khi các em chưa vào học lớp 1. Việc phản đối này có căn cứ về khoa học, về pháp lý, về chỉ đạo trong chuyên môn. Trẻ em trước 6 tuổi thần kinh chưa vững, xương sụn của các khớp tay chưa cứng, nếu các em dùng tay vận động căng thẳng trong một thời gian dài liên tục là có hại.

Luật Giáo dục quy định trẻ 6 tuổi học lớp 1. Hằng năm, trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ của năm học, Vụ GD Tiểu học đều chỉ đạo, không dạy trước chương trình lớp 1, không tổ chức thi tuyển vào lớp 1.

Bộ, Sở đều phản đối ảnh 2

Chẳng riêng gì Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đều thống nhất tuổi đi học của trẻ là 6 tuổi. Ở Nga, thậm chí một số tổ chức còn đề nghị tuổi đi học là 7 tuổi. Các nước văn minh, phụ huynh đều nhận thức đúng về quyền lợi của trẻ trong vấn đề này. Ở ta, có thể phụ huynh chưa nhìn thấy cái hại lâu dài mà chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt của việc đi học sớm nên họ không sợ.

Nhiều phụ huynh dẫu nhận thấy không nên cho con đi học sớm quá nhưng lại cho rằng, học trước một vài tháng sẽ không sao...

Quan điểm của Bộ nếu học theo hàm nghĩa chuẩn bị trước thì không sai. Sai ở chỗ là học như thế nào. Ví dụ bố mẹ có thể chuẩn bị cho con từ khi cháu 4 – 5 tuổi, chẳng hạn trong khi đi đường thì đố vui con số trên xe buýt là số mấy, chữ nào là chữ A trên biển quảng cáo.v.v... Nhưng bắt trẻ ngồi vào bàn hẳn hoi để tập viết, để nhớ chữ này chữ kia một cách căng thẳng là không nên và Bộ không ủng hộ cách học này.

Một số giáo viên cho rằng để dạy học sinh tập viết họ phải cầm tay hướng dẫn cho từng cháu nhưng lớp học quá đông họ làm không xuể, việc học sinh đi học trước tạo thuận lợi cho giáo viên theo kịp chương trình khi vào năm học...

"Trẻ em trước 6 tuổi thần kinh chưa vững, xương sụn của các khớp tay chưa cứng, nếu các em dùng tay vận động căng thẳng trong một thời gian dài liên tục là có hại."

Theo điều lệ, trong trường tiểu học sĩ số là 35 HS/ lớp. Tiêu chuẩn đó với chương trình hiện hành đảm bảo để cô giáo dạy bình thường với đối tượng học sinh bình thường. Chuyện lớp quá đông là lỗi của chính quyền địa phương, lỗi của cơ quan quản lý giáo dục. Mượn cớ đó để lấy người khác dạy thay cho mình là không được. Không thể lấy một cái sai để biện bạch cho một cái sai.

Thực ra vấn đề này không phải giờ Bộ mới quan tâm. Năm nào, kỳ họp giao ban nào, khi họp với Sở GD&ĐT các thành phố trực thuộc trung ương, Bộ cũng nói về vấn đề này, thậm chí đích thân Bộ trưởng cũng nhắc nhở nhiều lần. Các sở họ biết hết, họ cũng đã làm được nhiều việc nhưng có làm hết hay chưa, tôi cho rằng chưa.

Sở chỉ quản lý được quy trình trên lớp

Trao đổi với Tiền Phong ông Phạm Xuân Tiến nói: Tôi đã cắt bài báo Không học thêm, không nên người để vào trong sổ công tác rồi. Đây là một vấn đề năm nào Sở cũng có văn bản yêu cầu các phòng GD&ĐT kiên quyết chỉ đạo. Thực ra vấn đề học trước chương trình không chỉ riêng có với học sinh trước khi vào lớp 1. Chỉ có học sinh lớp 12 mới không học trước chương trình đại học, còn lại lớp nào ở phổ thông cũng đều xuất hiện tình trạng học trước ở một số nơi, một số lớp.

Chỉ đạo của ngành bao giờ cũng yêu cầu giáo viên phải thực hiện đúng trình tự các bước đi, trong đó nói rõ không vì học sinh học trước mà bỏ qua các bước để đảm bảo trình tự trong một tiết dạy, trong chương trình học.

Nhưng cơ chế kiểm soát được thực hiện ra sao, thưa ông?

Bộ, Sở đều phản đối ảnh 3

Tăng cường kiểm tra dự giờ đột xuất. Từ nhiều năm nay, giáo viên của Hà Nội luôn xác định việc cán bộ quản lý các cấp đến dự giờ là chuyện bình thường, không cần phải báo trước.

Nhưng trên thực tế tình trạng học sinh học trước vẫn rất phổ biến. Vậy theo ông, ngành GD&ĐT còn thiếu biện pháp nào?

Chúng tôi cũng rất mệt với tình trạng này. Tiêu chí chúng tôi đặt ra khi dự giờ giáo viên là các thầy cô phải thực hiện đầy đủ trình tự của một bài dạy. Trong những giờ có tôi trực tiếp dự, nếu tôi thấy giáo viên chỉ nhăm nhăm gọi những em đọc lưu loát tôi sẽ tự mình kiểm soát hiệu quả tiếp thu của lớp học bằng cách hỏi những em không giơ tay.

Nhưng việc các giáo viên về nhà tự mở lớp riêng để dạy trước thì sao?

Cái đó là khó. Ngành không thể quản lý các cô giáo đã về hưu. Ngay cả giáo viên đang công tác tại một trường học nhưng nhà cô ở xa trường, cô không dạy thêm học sinh của trường mình mà dạy học sinh trường khác ở gần nhà cô, chẳng nhẽ hiệu trưởng trường cô đến đấy để hỏi?

Điều này liên quan tới nhu cầu tự nhiên của xã hội và cần có sự tham gia quản lý của chính quyền địa phương, ngành không thể tự làm được. Ngay cả việc quản lý như thế nào cũng không đơn giản. Phụ huynh nói, tôi có nhu cầu, tôi có quyền. Cô giáo cũng nói, tôi có thời gian, tôi có khả năng, phụ huynh yêu cầu, tôi có quyền...

"Ngay cả việc quản lý như thế nào cũng không đơn giản. Phụ huynh nói, tôi có nhu cầu, tôi có quyền. Cô giáo cũng nói, tôi có thời gian, tôi có khả năng, phụ huynh yêu cầu, tôi có quyền..."

Về việc quản lý trong nhà trường, tôi chỉ băn khoăn trước điều này: Khi trong lớp có một nhóm học sinh học trước nên tốc độ dạy của giáo viên phụ thuộc vào nhóm đó. Như thế sẽ rất thiệt thòi và ảnh hưởng cho những em còn lại trong lớp. Chính vì vậy mà ngành tăng cường chỉ đạo các hiệu trưởng thường xuyên dự giờ trong lớp, theo dõi giám sát cũng như quán triệt tinh thần chỉ đạo là không được cắt xén bớt trình tự chương trình của các môn học trên lớp.

Ví dụ nét ngang, nét sổ thì nếu học sinh học trước rồi sẽ gạch được ngay, những em chưa đi học thì chưa gạch được. Lẽ ra cô giáo phải dạy trong 5 phút, nhưng do một số học sinh biết trước nên cô chỉ cần dạy 1 phút rồi chuyển qua bước khác, phải kiểm soát điều đó.

Với những lớp đông học sinh, ngành nên có quy định tăng cường giáo viên trong thời gian đầu các cháu mới vào lớp 1?

Chúng tôi lấy đâu ra giáo viên để tăng cường? Chúng tôi cũng hy vọng qua các cơ quan truyền thông, phụ huynh nhận thức được việc không cần thiết phải cho con đi học trước, ngành cũng chỉ đạo không học trước. Trong năm học, nếu giáo viên dạy lướt các con không theo được thì cứ phản ánh trực tiếp với tôi, chúng tôi sẽ có ý kiến để đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Quý Hiên thực hiện

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".