Nhiếp ảnh gia Ricardo Stuckert ghi lại những hình ảnh của một bộ lạc nguyên thủy ở vùng rừng Amazon khi chiếc máy bay trực thăng của ông buộc phải chuyển hướng để tránh bão và bay qua căn nhà dài của các thành viên bộ lạc,National Geographic đưa tin. Trong ảnh, một chiến binh bộ lạc giương cung như muốn bắn hạ chiếc trực thăng.
Stuckert may mắn phát hiện căn nhà dài khi đang trên đường bay đến Acre gần biên giới Peru để chụp ảnh một nhóm dân tộc thiểu số khác. Trong chuyến bay trở về hôm 18/12, Stuckert chụp được nhiều hình ảnh hơn về đời sống hoang sơ của bộ lạc. Brazil có khoảng 80 bộ lạc nhưng sự tồn tại của họ đang bị đe dọa bởi nạn phá rừng trái phép, khai thác mỏ và buôn lậu ma túy.
Theo José Carlos Meirelles, một chuyên gia về dân tộc thiểu số ở Brazil cũng có mặt trên chuyến bay, có ba bộ lạc sinh sống biệt lập ở bang Acre. Trong hình là căn nhà dài của các thổ dân thuộc bộ lạc.
Stuckert rất ấn tượng trước hình vẽ dùng để ngụy trang trên cơ thể của một thành viên bộ lạc. "Khi trời lạnh, chúng ta mặc quần áo ấm, còn họ vẽ lên người để tự bảo vệ mình. Tôi nghĩ mình cần chụp lại hình ảnh này để gìn giữ nó", Stuckert chia sẻ. Chiến binh bộ lạc này tỏ ra sợ hãi trước tiếng động phát ra từ trực thăng và bỏ chạy.
Năm 2014, Meirelles gặp gỡ bộ lạc biệt lập thứ 4 mang tên Txapanawa ở bang Acre. Một số thành viên bộ lạc chia sẻ họ nghĩ máy bay trực thăng là một loại phép màu hay một con chim khổng lồ và không hề biết có người trong đó.
Meirelles lần đầu biết về sự tồn tại của bộ lạc mà Stuckert chụp ảnh trong những chuyến thám hiểm vào năm 1988 và trong chuyến bay năm 2010 của các nhà làm phim ở BBC. "Họ sử dụng rìu, dao rựa, xoong, họ biết rất ít về thế giới của chúng ta", Meirelles nói.
Meirelles cho rằng bộ lạc có khoảng 300 người. Họ trồng chuối, khoai lang, sắn và lạc, cũng như săn bắn và bắt cá. Ông rất vui khi thấy họ có vẻ khỏe mạnh dù có những mối đe dọa từ những bộ lạc khác ở khu vực trong thời gian gần đây, đặc biệt ở biên giới Peru. Tuy nhiên, không ai biết tên gọi của bộ lạc.
Các thành viên bộ lạc núp dưới lùm cây, tò mò nhìn lên trực thăng. "Chúng tôi gọi họ là thổ dân ở thượng nguồn sông Humaita. Họ không bao giờ liên lạc với bất cứ ai. Chúng tôi không biết họ sử dụng ngôn ngữ nào và họ là ai. Thật may mắn khi chúng ta không biết bởi khi điều đó xảy ra, nhiều rắc rối sẽ nảy sinh", Meirelles chia sẻ.