Bồ kết: Vị thuốc hay, cây thuốc quý

Bồ kết mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta. (Ảnh từ Internet)
Bồ kết mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta. (Ảnh từ Internet)
Bạn có biết rằng trái bồ kết ngoài tính năng bảo vệ, nuôi dưỡng mái tóc, còn nhiều công dụng thú vị khác rất hữu ích cho sức khỏe con người, được xem như một vị thuốc hay, cây thuốc quý.

Ngày trước, các cô gái ở vùng quê không có nhiều sự lựa chọn cho việc chăm sóc mái tóc của mình. Họ chỉ dùng trái bồ kết nấu nước gội đầu. Gội đầu bằng thứ nước nấu từ loại trái này giúp các cô thôn nữ có một mái tóc dài đen mượt, óng ả và còn tỏa hương thơm làm xao xuyến lòng người. Thế là bồ kết đi vào ca dao Việt Nam một cách nhẹ nhàng, mộc mạc, thân thương.

"Ðắng thì bồ kết bồ hòn,

Ðể ta tắm gội cho trơn mái đầu.

Ngọt thì long nhãn, táo tàu,

Bưởi đường, cam, quít, lựu đào nâng niu."

Bạn có biết rằng trái bồ kết ngoài tính năng bảo vệ, nuôi dưỡng mái tóc, nó còn có nhiều công dụng thú vị khác rất hữu ích cho sức khỏe con người, được xem như một vị thuốc hay, cây thuốc quý. 

Bồ kết, hay còn gọi là chùm kết, có tên khoa học là Fructus Gleditschiae, thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae). Bồ kết mọc hoang, hay được trồng khắp nơi ở nước ta. 

Bộ phận dùng làm thuốc: Trái bồ kết gọi là tạo giác. Gai bồ kết gọi là tạo giác thích. Hạt bồ kết gọi là tạo giác tử. 

Theo Đông y, bồ kết vị cay mặn, tính hơi ôn, có độc, vào 2 kinh Phế, Đại tràng. Có tác dụng thông khiếu, tiêu đờm, sát trùng, có tính kích thích làm cho hắt hơi. Hạt có vị cay tính ôn, thông đại tiện, tán kết, chữa mụn nhọt. Gai có vị cay, tính ôn, tiêu thũng, xẹp mưng mủ (bài nung ), sát trùng… 

Sau đây là một số bài thuốc được đúc kết từ kinh nghiệm trong dân gian có hiệu quả, bạn có thể tham khảo:

1. Chữa lở loét trên đầu, u nhọt, rụng tóc :

Đốt trái bồ kết ra than, tán nhỏ, trát lên chỗ loét, nhọt. Nấu nước bồ kết gội đầu sẽ bình phục rụng tóc.

2. Chữa lòi dom (trĩ):

Dùng 5 trái bồ kết giã nhỏ ngâm với 2 lít nước sôi, để nguội dần, đựng vào chậu to rồi ngồi ngâm mông vào nước này, dom sẽ tự co lên. Sau khi dom đã co thì lấy nước bồ kết còn ấm tiếp tục rửa eo lưng, bụng trên, bụng dưới để khí bồ kết thông hành thì không bị trở lại nữa.

3. Chữa đại tiện không thông, trướng bụng, bí tiểu tiện :

Trái bồ kết đốt tồn tính (đốt thành than nhưng không cháy hết thành tro), tán thành bột nhuyễn trộn với dầu phộng hoặc dầu mè. Khi dùng tẩm bông đút vào hậu môn, mỗi lần 0,2g, làm vài lần sẽ trung tiện được (đánh rắm) và thông đại tiểu tiện.

4. Chữa đại tiểu tiện không thông:

Trái bồ kết sao vàng nghiền nhỏ, uống 15g với nước ấm là khỏi.

5. Chữa đái dắt, không đi tiểu được :

Dùng gai bồ kết (tạo giác thích) sao tồn tính, phá cố chỉ, 2 thứ lượng bằng nhau, nghiền nhỏ uống với rượu.

Bồ kết: Vị thuốc hay, cây thuốc quý ảnh 1

Thiếu nữ sở hữu mái tóc đen dài, bóng mượt, khỏe mạnh và thoảng hương thơm bồ kết. 

6. Chữa mặt sạm đen nổi mụn :

Dùng hạt bồ kết (tạo giác tử) và hạnh nhân, lượng bằng nhau, nghiền đều. Tối đi ngủ, đem bột này hòa nước bôi lên mặt nơi bị mụn.

7. Chữa áp-xe vú:

Dùng gai bồ kết sao tồn tính 40g, bột vỏ con trai 4g hòa đều. Khi dùng mỗi lần uống 4g với rượu ấm. Ngày 2 lần.

Cần lưu ý, trước khi dùng các bài thuốc này bạn nên tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ, lương y do cả quả, hạt, lá và vỏ cây bồ kết đều có độc tính. Tuy độc tính không cao nhưng có thể gây ngộ độc. Triệu chứng ngộ độc là tức ngực, nóng rát ở cổ, nôn ói; sau đó tiêu chảy, tiêu ra nước có bọt, đau đầu, mệt mỏi, chân tay rã rời.

Khi viết bài này, người viết có một luyến tiếc, một day dứt, là không còn tìm được trong hiện tại một thiếu nữ sở hữu mái tóc đen dài, bóng mượt, khỏe mạnh và thoảng hương thơm bồ kết. Đôi khi, chỉ biết thở dài: "Về đâu mái tóc người thương".

Theo Theo Một thế giới
MỚI - NÓNG