Bỏ học vào rừng sâu chặt đót

Bỏ học vào rừng sâu chặt đót
TP - Sau Tết, nhiều học sinh ở miền núi Quảng Ngãi tranh thủ giờ nghỉ, thậm chí bỏ học để vào rừng sâu chặt đót, bán lấy tiền ăn học.

> Nữ sinh mồ côi lay lắt trọ học ở Hà Nội
> Chàng trai Vân Kiều giỏi Văn

Những ngày đầu năm, người dân tộc Cor tại các huyện Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi) vui mừng bởi giá thu mua đót năm này cao gần gấp đôi năm ngoái, đạt 4.000 - 6.000 đồng/kg.

Vợ chồng anh Hồ Văn Thanh thôn Trà Lum, xã Trà Sơn (huyện Trà Bồng) từ ngày mùng 4 tết đã đi cắt đót. Đót năm nay đẹp, giá thu mua cao nên mỗi ngày 2 vợ chồng cắt được cả trăm cân đót tươi, nhập cho dân buôn với giá 5.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, họ kiếm được 300.000 – 500.000 ngàn đồng.

“Trước Tết, cả nhà vay mượn gần chục triệu đồng để ăn Tết, sắm đồ. Ra Tết, nhờ đót được giá nên 2 vợ chồng tranh thủ đi cắt để trả nợ”, anh Thanh nói. Theo anh Thanh, để có đót, phải đi vào rừng sâu mới có, bởi đất đồi, đất nương rẫy gần làng đã được trồng keo hết. Để có được trăm cân đót mỗi ngày, hai vợ chồng anh phải dậy thật sớm, đi bộ vào rừng gần 2 tiếng mới có đót.

Em Hồ Văn Linh, học sinh lớp 8 Trường THCS Trà Lâm, tranh thủ giờ nghỉ học lên rừng chặt đót đem bán kiếm tiền học. Dáng người gầy gò, ốm yếu, vác bó đót gần 30kg trên vai, Linh vẫn nở nụ cười tươi. Số tiền khoảng 150.000 đồng bán đót, sẽ giúp em có thêm tiền ăn học.

“Nhà em nghèo lắm. Nên ngày nửa buổi em lên rừng chặt đót cùng bạn để kiếm tiền ăn học. Nhiều bạn học của em, nghỉ học để đi chặt đót kiếm tiền”, Linh nói.

Một giáo viên trường Tiểu học và THCS Trà Lâm (Trà Bồng) cho biết: “Chuyện học sinh miền núi nghỉ học theo kiểu giã gạo vào mùa đót vẫn thường xuyên xảy ra. Năm nay, giá đót cao, nhiều học sinh nghèo nghỉ học luân phiên để phụ giúp gia đình, kiếm tiền ăn học. Giáo viên, nhà trường nỗ lực vận động học sinh chỉ đi chặt đót vào giờ không lên lớp, tránh tình trạng bỏ học không theo kịp chương trình”.

Thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh (huyện Tây Trà) nằm ngay dưới chân đèo Eo Chim. Mọi năm, sau Tết thanh niên đổ xô vào Nam tìm việc. Năm nay, đót được giá nên hầu hết thanh niên nán lại ở nhà chặt đót kiếm tiền.

“Chặt đót sướng hơn làm công nhân”, Hồ Văn Đạt (20 tuổi), một thanh niên trong thôn, nói. Đạt từng vào Nam làm công nhân may mặc. Mỗi ngày vào rừng cật lực, Đạt cũng kiếm được từ 50 – 70 kg đót tươi. Nhiều thanh niên Trà Lãnh và các xã khác ở huyện Tây Trà và Trà Bồng đến nay vẫn còn nán lại quê nhà chờ thu hoạch hết mùa đót đầu năm rồi mới tính chuyện vào Nam kiếm việc.

Ông Hồ Văn Hùng, trưởng thôn Trà Linh cho biết: Mùa đót chỉ kéo dài khoảng 1 tháng là hết. Sau mùa đót, thanh niên trai trẻ sẽ lại kéo vào Nam hết, chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ ở lại mà thôi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG