Tháng 8/2020, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung về việc thí điểm tự chủ đại học (ĐH).
Theo Hiệp hội, chủ trương cho ĐH tự chủ là rất lớn, quyết định sự tồn tại của các trường ĐH, nhưng việc triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn. Cho đến giờ gần như chưa có trường nào thực sự tự chủ. Vì vậy, Hiệp hội gửi công văn lên các cấp lãnh đạo để tìm cách tháo gỡ...
Phúc đáp công văn của Văn Phòng Chính phủ về việc chuyển công văn của Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam; Công văn của trường ĐH Tôn Đức Thắng và thư của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung về việc thí điểm tự chủ đại học và trường ĐH Tôn Đức Thắng, Bộ GD&ĐT có một số ý kiến.
Để cụ thể hóa các nội dung về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường ĐH trong khung khổ pháp lý được quy định, năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới hoạt động giai đoạn 2015 – 2017 cho 23 trường đại học trong cả nước.
Qua 3 năm triển khai Nghị quyết 77, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát thực tế, tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.
Tiến hành khảo sát thực tế tại 27 trường, trong đó có 19 trường đã được giao thí điểm tự chủ (gồm 12 trường tự chủ trên 24 tháng, 7 trường tự chủ dưới 24 tháng tính đến tháng 6/2017) và 8 trường chưa tự chủ để đối sánh kết quả.
Tổ chức điều tra, phỏng vấn trực tiếp trên 1250 cán bộ quản lý, giảng viên của 27 trường (gồm đại diện Ban Giám hiệu, Hội đồng trường, Đảng ủy viên, trưởng phòng/trưởng khoa/bộ môn và các giảng viên, nhân viên)…
Kết quả cho thấy, Nghị quyết 77 đã tạo điều kiện cho các trường công lập khi cam kết tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư thì được thực hiện tự chủ về tất cả các phương diện: đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy và nhân sự; chính sách học bổng, học phí đối với sinh viên đối tượng chính sách; đầu tư, mua sắm.
Thực tế cho thấy việc thực hiện tự chủ tại các trường bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong các tổ chức thực hiện hoạt động của nhà trường.
Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các trường đã có những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận.
Tuy nhiên, để tự chủ đại học phù hợp với thực tế triển khai ở Việt Nam và đảm bảo hội nhập quốc tế cũng còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Trên cơ sở kết quả tổng kết thí điểm thực hiện tự chủ, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật GDĐH sửa đổi); tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Nghị định 99), trong đó quy định rõ về tự chủ trong các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính tài sản… và đang được áp dụng triển khai thực hiện trong toàn hệ thống giáo dục đại học.
Về ý kiến của Hiệp hội về việc tổ chức hội nghị sơ kết về tự chủ đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay để tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch phối hợp với Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề: “Tự chủ trong giáo dục đại học – Từ chính sách đến thực tiễn”, dự kiến tổ chức trong tháng 11/2020.
Trong thời gian tới, khi các trường đã triển khai tự chủ theo quy định của Luật GD ĐH sửa đổi và Nghị định 99, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện và đưa ra các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ.