Từ ngày 9-13/3, tại Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, Ban tổ chức đã trao 15 giải Nhất và nhiều giải thưởng khác cho học sinh có dự án xuất sắc. Tuy nhiên, sau khi trao giải, một số phụ huynh, học sinh đã có đơn “tố” kỳ thi không công bằng, khách quan khi chấm thi không công bằng, trong đó có ít nhất 5/15 đề tài đạt giải Nhất không thuyết phục.
Bộ GD&ĐT sau đó đã phải lập ban giám khảo, chấm thẩm định lại một số đề tài. Theo báo cáo, hội đồng đã tiến hành chấm thẩm định các dự án sau: “Chế tạo máy thực hành chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả mô phỏng hoạt động của con người”; Dự án “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm”; Dự án “Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời”.
Trong đó, dự án “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm” được Hội đồng chấm thẩm định cho rằng, vấn đề nghiên cứu rõ ràng, giải pháp thực hiện thực tế. Kế hoạch nghiên cứu phù hợp. Sản phẩm hoàn chỉnh của đề tài đã được thử nghiệm có hiệu quả rõ rệt. Các vật dụng chế tạo sản phẩm là vật liêụ dễ kiếm, dễ gia công, kết hợp với các thiết bị hiện có một cách hợp lý.
Dự án “Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời” cũng được Hội đồng thẩm định đánh giá, ý tưởng sử dụng pin năng lượng mặt trời thay thế máy dùng xăng, dầu là hợp lý và phù hợp với thực tiễn. Máy có kết cấu gọn nhẹ, dễ chế tạo và đã được sản xuất đưa vào sử dụng.
Chỉ chấm thẩm định 3/6 tiêu chí?
Đặc biệt, trả lời phụ huynh N.T.S và N.V.T băn khoăn, kiến nghị về đề tài, “Chế tạo máy thực hành chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả mô phỏng hoạt động của con người”, Hội đồng thẩm định cho rằng, đề tài chưa đề cập được các nghiên cứu liên quan, chưa trình bày các ưu, nhược điểm của từng nghiên cứu tương đồng. Tên đề tài không sát với nội dung, cụ thể tên đề tài nói chung về cây ăn quả nhưng báo cáo thì nói về quả thanh long. Đề tài cũng chưa trình bày rõ phươg án nghiên cứu. Đề tài cũng chỉ có kết quả chọn quả nhưng thiếu độ tin cậy vì chọn 600 quả nhưng không biết chọn trong thời gian bao lâu. Phần di chuyển của robot và thao tác chưa có minh chứng kết quả dẫn đến thiếu độ tin cậy về kết quả nghiên cứu. Hội đồng thẩm định cũng cho rằng, đề tài thiếu sơ đồ thuật toán. Ví dụ như thuật toán điều khiển cánh tay, nhận dạng…Sản phẩm cuối cùng không có hình ảnh minh chứng. Không thấy đưa ra cấu tạo cơ khí dao cắt lắp đặt ở đâu. Phần thiết kế cơ khí cần phải xác định điểm trọng tâm của hệ thống nằm ở chân đế thì xe sẽ không bị lật.
Bởi vì, quy định chấm thi thể hiện trên các tiêu chí: Câu hỏi hoặc vấn đề nghiên cứu (10 điểm); Kế hoạch và phương pháp nghiên cứu (15 điểm); Thực hiện kế hoạch nghiên cứu (20 điểm); Tính sáng tạo (20 điểm); Gian trưng bày (10 điểm); Trả lời phỏng vấn (25 điểm). Như vậy, phụ huynh cho rằng, trong 6 tiêu chí chấm điểm trên, 3 tiêu chí đánh giá qua hồ sơ, 3 tiêu chí đánh giá tại gian hàng bao gồm cả phỏng vấn học sinh. Tuy nhiên, quá trình thẩm định lại đề tài, Bộ GD&ĐT lại chỉ thẩm định lại mỗi hồ sơ dự án (chỉ 45 điểm). Những tiêu chí như: trả lời phỏng vấn, tính sáng tạo của đề tài; gian trưng bày…đều bị bỏ qua. “Việc đánh giá, thẩm định lại đề tài mà chỉ thẩm định trên hồ sơ, 3 yếu tố khác chiếm 55 điểm nhưng bị lược bỏ là hoàn toàn thiếu tính chính xác, khách quan và vi phạm quy chế thi”, phụ huynh chia sẻ.
Trước đó, trả lời Tiền phong,PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các cuộc thi ở khu vực phía Bắc và phía Nam đều phải tuân thủ Quy chế thi theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Cụ thể: thành phần BGK được lựa chọn từ các nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của học sinh.
Mỗi dự án đều được chấm qua hai phần: chấm trên báo cáo tóm tắt và chấm và phỏng vấn thí sinh tại gian trưng bàycủa từng dự án. Ở mỗi phần chấm, các giám khảo bốc thăm các dự án để chấm, mỗi dự án sẽ được 5 giám khảo/phần chấm đểchấm độc lập theo các tiêu chí đã quy định trong thông tư hướng dẫn, đây cũng là các tiêu chí chấm của cuộc thi quốc tế. Điểm của từng phần là đ iểm trung bình do 5 giám khảo chấm độc lập.