Bộ GD&ĐT yêu cầu không bắt buộc tất cả học sinh phải có điện thoại di động

Bộ GD&ĐT quy định: "Không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại và hướng dẫn những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại".
Bộ GD&ĐT quy định: "Không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại và hướng dẫn những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại".
TPO - Nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động hỗ trợ hoạt động học thì phải thiết kế sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Mục tiêu nhằm để giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các nhà trường thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu, giáo viên xây dựng các Kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học phù hợp. Nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động hỗ trợ hoạt động học thì phải thiết kế sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại và hướng dẫn những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại. 

“Khi thực hiện hoạt động học, học sinh chỉ được sử dụng điện thoại di động như là một thiết bị hỗ trợ trong nội dung học tập cụ thể theo giới hạn thời gian cho phép và điều hành của giáo viên phù hợp với mục đích học tập của nội dung đó”, Bộ GD&ĐT yêu cầu. 

Bố trí thời gian dạy học không gây áp lực cho học sinh 

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục căn cứ kế hoạch thời gian năm học của từng địa phương để Hiệu trưởng xây dựng, ban hành kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn… bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình. 

Chương trình mỗi môn học ở mỗi khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học. Các nhà trường chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh. Cụ thể, không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường.

Đối với mỗi mạch kiến thức trong các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở có thể được bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kì của năm học.

Đối với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn ở cấp THPT, nhà trường xây dựng một số tổ hợp gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học). Đồng thời, xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường; xây dựng phương án tổ chức cho học sinh đăng kí lựa chọn và tổ chức thực hiện sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. 

Đối với các hoạt động giáo dục được tổ chức theo hình thức tham quan, cắm trại, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng, Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học và điều kiện cụ thể của nhà trường; tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn. 

Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả Sở GDĐT chỉ đạo các Phòng, các trường THPT triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hướng dẫn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường.

MỚI - NÓNG