Bộ GD&ĐT giải đáp nhiều vấn đề 'nóng' đầu năm học

Bộ GD&ĐT giải đáp nhiều vấn đề 'nóng' đầu năm học
TPO- Chiều nay, 28/8, Bộ GD&ĐT họp báo về công tác chuẩn bị khai giảng năm học 2013-2014. Nhiều vấn đề bất cập (thiếu chục nghìn giáo viên, tuyển sinh dưới điểm sàn, heo vàng vào lớp 1..), được Bộ GD&ĐT giải đáp.

> Kỳ quái cấm cả nữ giáo viên ... nhuộm tóc!

Thí sinh dự thi kiểm tra đầu vào trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội)
Thí sinh dự thi kiểm tra đầu vào trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội). Ảnh:Nguyễn Hoàn Infonet

Thiếu hàng chục ngàn giáo viên

Ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho biết, toàn quốc còn thiếu 27.000 giáo viên ở tất cả các cấp, nhưng lại thừa giáo viên ở một số môn, ở một số vùng miền.

“Đây là thực trạng từ nhiều năm nhưng so với các năm trước giảm rất nhiều. Việc thừa này có phụ thuộc vào một số yếu tố. Trước hết là kế hoạch của các địa phương khi xây dựng kế hoặc về đội ngũ giáo viên, bắt đầu từ mục tiêu giáo dục cho các địa phương và quy hoạch mạng lưới trường lớp; vấn đề tuyển sinh,…” - Ông Minh lý giải.

Cũng theo ông Minh, việc thiếu giáo viên tập trung ở một số thành phố lớn và một số nơi khó khăn. Ví dụ như TPHCM, lúc đầu thiếu hơn 2.500 giáo viên, sau đợt 1 tuyển chỉ thiếu 1.200 giáo viên. Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang,… đều thiếu trên dưới 1.000 giáo viên.

“Thiếu giáo viên chủ yếu do phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi (tăng lượng giáo viên dạy 2 buổi một ngày); do đổi mới cho giáo dục phổ thông (tăng dạy 2 buổi một ngày đối với giáo viên tiểu học); triển khai đề án giáo dục ngoại ngữ đến năm 2020; một số môn học ở cấp THCS như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao, đều là yếu tố làm tăng đội ngũ giáo viên” - Ông Minh nói thêm.

Tuy nhiên, ông Minh cũng cho biết một thực tế: “Tình trạng thừa lại xảy ra ở một số vùng trung tâm, được đào tạo nhiều giáo viên mà môn đã có đủ”.

“Cần đẩy mạnh cơ sở dữ liệu, dự báo nhu cầu nhân lực trong triển khai quy hoạch để gắn kết đào tạo và sử dụng tốt hơn, định hướng cho học sinh chọn lựa vào ngành sư phạm không chỉ theo năng lực của mình, mà còn nhu cầu thực sự của địa phương, để rồi đăng ký đúng nghề mà địa phương đang thiếu” - Ông Minh chỉ ra giải pháp.

Không được tuyển sinh dưới điểm sàn

Trong cuộc họp báo chiều nay, 28/8, trả lời về vấn đề “có được gọi thí sinh trúng tuyển dưới điểm sàn hay không” khi có nhiều trường gửi báo trúng tuyển cho thí sinh chỉ đạt 10 điểm?

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, không có quy định nào cho phép gọi thí sinh dưới điểm sàn: “Về nguyên tắc là không cho phép và không được phép gọi thí sinh trúng tuyển nhập trường mà dưới điểm sàn”.

Ông Tuấn cũng trao đổi thêm, hiện nay, có thông tin một số trường gọi thí sinh trúng tuyển dưới sàn học lớp “nợ đầu vào”. “Bộ GD&ĐT khẳng định không có chủ trương này và những trường hợp nào làm là sai phạm. Chúng tôi cảnh báo thí sinh không nên đăng ký theo học những lớp như thế này, tránh tình trạng thiệt thòi cho bản thân”.

Câu kiểm tra vào lớp 1 trường Đoàn Thị Điểm. (Câu hỏi: Những vật nào dưới đây có thể lớn lên nhờ ăn uống và chăm sóc? Khoanh tròn các hình đó)
Câu kiểm tra vào lớp 1 trường Đoàn Thị Điểm. (Câu hỏi: Những vật nào dưới đây có thể lớn lên nhờ ăn uống và chăm sóc? Khoanh tròn các hình đó).

Không có chuyện phải thi vào lớp 1 

Trước vấn đề “học sinh thi vào lớp 1 phải chọi như thi đại hoc, Bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, Bộ chỉ đạo không tổ chức thi vào lớp 1.

“Một số trường ở Hà Nội có khảo sát học sinh đầu vào chứ không phải thi tuyển. Họ không thi kiến thức, không thi chữ, chỉ kiểm tra một số chỉ số nào đó. Việc đấy không phải thi, chúng tôi khẳng định không có việc thi vào lớp 1”- Bà Thắm nói.

Mới đây, Bộ GD&ĐT chủ trương không dạy chữ cho trẻ 5 tuổi trước khi vào lớp 1 nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh. Trao đổi với báo chí, bà Thắm cho rằng, trong chỉ thị của Bộ giải thích rõ tại sao không cho trẻ học trước khi vào lớp 1. Đó là vì không khoa học, học chữ trước sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ, sự chủ quan của trẻ vào lớp 1.

“Tâm lý của phụ huynh, nếu không cho con mình học trước lớp 1 thì không yên tâm là do không hiểu. Nếu bây giờ tất cả các trường mầm non, tiểu học thực hiện đúng chỉ thị này, thì học sinh khi vào lớp 1 là như nhau”- Bà Thắm nói.

Không cấm giáo viên mặc váy

Trước ý kiến trái chiều xung quanh việc Hiệu trưởng cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp, ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) khẳng định, không triển khai “dự kiến” này.

Theo ông Minh, mới đây, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Việt Trung (Quảng Bình) dự kiến cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp vào đầu năm học 2013 - 2014.

“Khi chúng tôi làm việc với Sở GD&ĐT Quảng Bình, tìm hiểu thật sâu thông tin này thì biết đây mới chỉ là dự kiến đưa ra trong cuộc họp đầu tiên về đầu năm học, chứ chưa phải văn bản chính thức” - Ông Minh khẳng định.

Cũng theo ông Minh, Sở GD&ĐT cũng có ý kiến về việc này nên Trường THCS và THPT Việt Trung (Quảng Bình) không triển khai nữa.

“không có quy định nào cấm giáo viên mặc váy lên lớp, nhưng có yêu cầu giáo viên phải ăn mặc lịch sự, gọn gàng, đảm bảo đúng thuần phong mỹ tục. Đồng chí hiệu trưởng đó không triển khai công văn này” - Ông Minh khẳng định.

Nhiều chính sách mới cho giáo viên, học sinh

Năm học này cũng là năm thực hiện nhiều chính sách mới đối với giáo viên và học sinh vùng khó.

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/9/2013, học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ được nhận hỗ trợ 15kg gạo/học sinh/tháng.

Cũng bắt đầu từ thời điểm này, học sinh trung học phổ thông vùng đặc biệt khó khăn cũng sẽ được hỗ trợ chi phí ăn, ở trong quá trình học tập.

Theo đó các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm học, mức hỗ trợ tiền ăn/tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung.

Với các em học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiếu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Cũng từ năm học mới này, thêm 3 đối tượng được miễn giảm học phí, bao gồm: sinh viên học chuyên ngành Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; HS-SV, học viên các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp ý, giải phẫu bệnh; HS-SV người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Bên cạnh đó, bổ sung chính sách đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn (theo Nghị định số 19/2013/NĐ-CP).

Theo đó, nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác ở vùng đặc biệt khó khăn có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ (thay cho mức trợ cấp là 6,5 triệu đồng như quy định hiện hành).

Với mức trợ cấp lần đầu thay vì quy định cụ thể mức trợ cấp là 4 triệu đồng thì Nghị định mới quy định mức trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung. Đặc biệt, khi giáo viên hết thời hạn công tác tại vùng đặc biệt khó khăn mà chưa thực hiện được việc luân chuyển, giáo viên vẫn tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút.

Theo Viết
MỚI - NÓNG