Bộ GD&ĐT sẽ xin ý kiến các cấp có thẩm quyền về dạy học môn Lịch sử

TPO - Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến trao đổi về chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là những phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử.

Sáng 12/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) và môn Lịch sử bậc trung học phổ thông trong chương trình này.

Tham gia cuộc làm việc có thành viên Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018; thành viên Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Hội đồng thẩm định chương trình môn Lịch sử trong chương trình GDPT 2018.

Bộ GD&ĐT sẽ xin ý kiến các cấp có thẩm quyền về dạy học môn Lịch sử ảnh 1

Tại buổi làm việc, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai chương trình GDPT 2018, trong đó đặc biệt trao đổi và lắng nghe những ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Các chuyên gia đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế. Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp trung học phổ thông, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền”.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới của bậc THPT. Điều đáng nói, môn Lịch sử được xếp vào nhóm lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học và xã hội, ngoài các môn bắt buộc. Điều này làm nảy sinh lo ngại học sinh sẽ không lựa chọn môn học này bởi tình trạng học trò không ham thích học Lịch sử, điểm thi thấp đã diễn ra trong những năm qua.

GS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho biết, sau khi hoàn thành cơ bản việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình các môn học, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến chuyên gia, giáo viên, nhân dân cũng như trình Dự thảo xin ý kiến các ban, bộ ngành, trong đó có Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các Sở GD&ĐT… Các đơn vị đã phản hồi bằng công văn chính thức, hiện còn lưu tại Bộ GD&ĐT đồng thuận về Chương trình.

GS Tung khẳng định: “Trong tất cả các ý kiến đóng góp, không có ý kiến nào phản đối việc đưa môn Lịch sử thành môn học lựa chọn ở chương trình THPT. Cuối tháng 12/2018, Bộ GD&ĐT phê duyệt chương trình GDPT mới. Chương trình GDPT không bỏ môn Lịch sử mà học sinh bắt buộc học và tạo điều kiện để tìm hiểu kiến thức môn học này ở bậc tiểu học và THCS. Kiến thức lịch sử có trong các bộ môn Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5. Ở cấp THCS, Lịch sử là phân môn trong môn học tích hợp Lịch sử và Địa lý xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 9. Có thể nói, khi học xong cấp THCS, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản”.

Tuy nhiên, chỉ còn ít tháng nữa, học sinh lớp 10 bắt đầu áp dụng chương trình GDPT mới nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc có đưa bộ môn Lịch sử trở thành môn tự chọn.

MỚI - NÓNG