"Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn” là 16 chữ vàng gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Binh chủng Đặc công Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đặc công Việt Nam đã ghi vào sử vàng dân tộc những chiến công thần kỳ hiển hách. |
Những ngày đầu tháng 12/2023, các chiến sĩ đặc công thuộc Lữ đoàn Đặc công bộ 113 (Binh chủng Đặc công) vẫn miệt mài tập luyện trên thao trường để hoàn thành giáo án huấn luyện. Được thành lập vào năm 1972, đơn vị đã tham gia chiến đấu thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới cũng như làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn. Đơn vị 3 lần được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân . |
Để có những chiến công gắn liền với lịch sử quân sự nước nhà, các chiến sĩ của Binh chủng Đặc công nói chung và Lữ đoàn Đặc công bộ 113 nói riêng đều trải qua quá trình huấn luyện vô cùng công phu. |
Nhắc đến bộ đội Đặc công Việt Nam thì không thể bỏ qua nghệ thuật nguỵ trang độc đáo gắn liền với lối đánh “xuất quỷ nhập thần” vốn đã trở thành thương hiệu. Một trong những khoa mục huấn luyện của bộ đội Đặc công là nguỵ trang. Tuỳ vào tình huống tác chiến, người lính phải chọn phương thức nguỵ trang để có thể hoà nhập với môi trường xung quanh. |
Tùy vào môi trường tác chiến, người lính phải chọn một phương pháp nguỵ trang. Không chỉ là đắp những mảng cây lá nguỵ trang, người lính đặc công còn dùng nhiều chất liệu khác như than, bùn... để tự biến mình thành những "chú tắc kè hoa" trên thao trường. Tại Lữ đoàn Đặc công bộ 113, chúng tôi đã được chứng kiến những màn nguỵ trang độc đáo này thông qua một loạt khoa mục huấn luyện của đơn vị. |
Than bùn, đất thì ngụy trang sẽ chỉ mất từ 20 - 30 phút còn hóa trang với cỏ thường mất tầm nửa ngày, các chiến sĩ phải tự đi tìm loại cỏ phù hợp và bện bằng tay lên áo. |
Nếu ở xa địch, chiến sĩ dùng tư thế đi khom; gần địch thì lê, trườn, lợi dụng địa hình, vận dụng thuần thục các tư thế tiếp cận mục tiêu, thực hiện cách đánh "nở hoa trong lòng địch". Ngoài ra trong chiến đấu, người lính đặc công còn phải giấu mình hàng giờ liền, thậm chí nhiều ngày liên tục khi tiếp cận mục tiêu trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của thời tiết, địa hình và đối mặt với nhiều hiểm nguy như rắn rết, côn trùng, thú dữ… |
Sức khỏe dẻo dai, bản lĩnh thép, ý chí kiên cường… là yêu cầu đối với người lính đặc công để họ dễ dàng vượt qua những bài huấn luyện gian khổ, thử thách và sức chịu đựng trong điều kiện khắc nghiệt. |
Quá trình huấn luyện công phu sẽ giúp các chiến sĩ đặc công có thể tác chiến trong nhiều điều kiện hoàn cảnh khác nhau. |
Trung úy Tạ Văn Tuyến thuộc Liên đội 27 dùng khí công đập vỡ những viên ngói được tẩm dầu bốc cháy |
Chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Đặc công bộ 113 thực hiện động tác nhảy qua vòng lửa. |
Được thành lập vào năm 1972, chỉ tính đến năm 1975, Lữ đoàn Đặc công bộ 113 đã tham gia 2 chiến dịch lớn, đánh 256 trận. Đơn vị còn tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn. Đơn vị 3 lần được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào các năm 1975, 1979, 2000. Có 5 tập thể và 8 cá nhân trong lữ đoàn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng. Trong dịp kỉ niệm 50 năm thành lập, đơn vị đã được Đảng Nhà nước trao huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Link gốc: https://cand.com.vn/doi-song/kham-pha-nghe-thuat-nguy-trang-doc-dao-cua-bo-doi-dac-cong-viet-nam-i717300/