Truyền thống hào hùng
Đêm 18, rạng sáng ngày 19/3/1948, Đội du kích Tân Uyên, tỉnh Thủ Biên (Đồng Nai) đã bí mật tập kích Tháp canh cầu Bà Kiên. Đây là trận đánh đặc công đầu tiên, với một lực lượng nhỏ bằng lối đánh bí mật bất ngờ, tiêu diệt gọn quân địch trong tháp canh, mở ra tiền đề cho việc tổ chức lực lượng chuyên đánh tháp canh, đồn bốt ở Nam bộ. Đầu năm 1950, tỉnh đội Biên Hoà và Phòng Tham mưu Quân khu 7 tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm đánh tháp canh. Hội nghị thống nhất gọi cách đánh đặc biệt này là “Công đồn đặc biệt”, gọi tắt là “Đặc công” và danh từ “Đặc công” chính thức ra đời từ đó.
Ngày 19/3/1967, tại Trường Bổ túc cán bộ Dân tộc T.Ư (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực I), diễn ra lễ công bố thành lập BCĐC. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Bộ đội Đặc công. Trong buổi lễ trọng thể đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt. Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được…
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, BĐĐC tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trực tiếp tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch lớn với những trận đánh tiêu biểu như Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Tổng Nha cảnh sát, Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Các trận đánh trên cảng Cửa Việt - Đông Hà - Quảng Trị của Đặc công nước Hải quân; các trận tập kích bằng hỏa lực vào sân bay Biên Hòa, phá hủy Tổng kho Long Bình của Trung đoàn Đặc công bộ 113; trận đánh chìm tàu địch trọng tải lớn trên cảng Nhà Bè của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác... Trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Đặc công nước Hải quân và Đặc công Quân khu 5 đã có các trận tập kích các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, giải phóng quần đảo Trường Sa.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, BCĐC được giao đánh chiếm và chốt giữ trước 14 cây cầu huyết mạch và các cứ điểm trọng yếu của địch án ngữ trước cửa ngõ Sài Gòn. Nhiều trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, như các trận đánh trên cầu Rạch Chiếc, cầu Sáng, cầu Ghềnh. Riêng tại cầu Ghềnh, hơn 50 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Mặc dù vậy, những chiến sĩ đặc công còn lại vẫn kiên cường bám trụ, quyết tử để giữ cầu, tạo huyết mạch giao thông cho năm cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn...
Những chiến công xuất sắc của BĐĐC trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc luôn được bè bạn quốc tế khâm phục, ngợi ca. Nhiều nước đã cử các đoàn quân sự đến BCĐC tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Đến nay BCĐC đã tổ chức đón tiếp trên 100 đoàn khách quốc tế của hơn 30 nước trên thế giới, đào tạo được hàng chục khoá với hàng trăm lượt học viên cho các nước, đã cử hàng chục đoàn, với hàng trăm lượt cán bộ đi làm chuyên gia quân sự đặc công cho các nước anh em.
Chiến đấu viên BCĐC trình diễn khả năng nội công thâm hậu với màn Thiết đầu công (kê đầu lên thủy tinh, dùng búa tạ đập vỡ chồng gạch kê trên đầu).
Sẵn sàng tác chiến bảo vệ chủ quyền
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, tổ chức biên chế, thế bố trí lực lượng của BCĐC có nhiều thay đổi. Nhiệm vụ thường xuyên có sự bổ sung, phát triển mới, ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn, nhất là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống “Diễn biến hòa bình” - bạo loạn lật đổ, chống khủng bố, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại tá Vũ Hồng Quang, Chủ nhiệm Chính trị BCĐC khẳng định: Những năm gần đây, kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy đi trước, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng; sự hiệp đồng công tác, sự giúp đỡ của các đơn vị, chính quyền, nhân dân các địa phương… Đảng ủy - Bộ Tư lệnh, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện toàn diện mọi mặt công tác, với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, đạt được nhiều thành tích mới.
Theo đại tá Vũ Hồng Quang, thành tích nổi bật của BCĐC thời gian qua là làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển các lực lượng đặc công theo hướng tinh, gọn, mạnh. Thực hiện tốt chức năng đơn vị đầu ngành chống khủng bố toàn quân, nhất là trong chỉ đạo xây dựng lực lượng, tổ chức huấn luyện, trình diễn và thực hiện Đề án “Hiện đại hóa lực lượng chống khủng bố toàn quân”. Chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng đặc công ngày càng được nâng cao (nhất là về kỹ - chiến thuật, võ thuật và bắn súng).
“Chúng tôi luôn tập trung tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, bảo đảm cho binh chủng luôn tinh nhuệ về chính trị. Coi trọng xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (Đội chiến đấu có cấp ủy, Mũi có tổ đảng, Tổ có đảng viên). Qua đó, các tổ chức Đảng và Đảng bộ binh chủng luôn trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong mọi tình huống”, đại tá Vũ Hồng Quang nói.
Với nhiều chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc lập được, BCĐC đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất (4 lần). Bộ đội Đặc công có 104 tập thể, 219 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và Anh hùng lao động. BCĐC 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và 16 chữ vàng truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ; Anh dũng tuyệt vời; Mưu trí táo bạo; Đánh hiểm thắng lớn”.