>> Kỳ I: Đói nghèo và ly hương
Những nền nhà hoang ở xóm 5, xã Phúc Đồng. |
Cỏ dại, giếng hoang
Bạn tôi, Phan Thúy Hà, làm tại một nhà xuất bản ở Hà Nội vừa có chuyến về quê đầy tâm trạng. Thăm nhà ở xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, Hà giật mình bởi xóm làng trở nên vắng lạnh, nhiều mái nhà thân thuộc chỉ còn trơ lại nền đất. Hà tâm sự: “Bây giờ em mới thấm thía câu hát: “Nếu không có người, mặt đất quá hoang vu”. Câu chuyện của Hà cứ ám ảnh tôi. Và tôi về thăm quê của Hà để tận thấy cái hoang vu ấy.
Đi vào xóm nhà Hà tôi như đang vào một khu rừng hoang, cỏ dại xâm lấn lối mòn, cây cối um tùm rủ bóng. Mùa hè mà cảm giác cứ lành lạnh, gai gai người. Chiếc cổng tre bịt kín lối vào nhà Hà. Nhà đóng cửa, cỏ mọc lan từ lối đi tràn cả khu vườn. Rêu xanh đầy trước ngõ. Cả gia đình Hà đều đã ra Hà Nội. Tôi tìm sang nhà hàng xóm bên cạnh.
Cụ Đặng Nhung rót nước mời khách, bảo: “Dân bỏ làng đi nhiều quá. Trước đây gần một trăm hộ, bây giờ chỉ còn dưới năm mươi hộ, mà toàn người già và con trẻ. Tôi sống ở đây hơn tám mươi năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến nhiều cuộc ra đi như thế. Ngày trước, làng này đẹp, trù phú lắm, đây là vùng bộ đội đóng quân, rồi sau đó tiến hành hợp tác xã nông nghiệp, dân cư đông đúc. Bây giờ thì làng như bị rỗng ruột, người đi hết, ngày trước có bát nước chè xanh còn mời hàng xóm, nay thì đành uống một mình vì có ai mà mời”.
Xóm vắng bóng thanh niên, ngay cả trung niên cũng chỉ còn lại xóm trưởng và lác đác vài người khác. Những chiến dịch giao thông thủy lợi của làng đều gặp khó khăn vì thiếu lực lượng lao động chính. Thậm chí, trong làng có ai đó chết, cũng vất vả lắm mới huy động được người khỏe mạnh để khiêng quan tài. Đã có hình ảnh đầy xót xa như trong đám ma, ông già 60 phải ghé vai khiêng quan tài của ông già 70 vừa qua đời lên núi.
Nhiều nhà bỏ xóm ra đi, một số trường PTCS ở Hương Khê phải nhập trường, nhập lớp mới đủ học sinh để dạy.
Tôi theo xóm trưởng xóm 5 Đặng Hồng Thi (con trai cụ Nhung) đi một vòng quanh xóm. Những mảnh vườn hoang, cỏ dại mọc đầy trong nắng chiều. Cỏ dại ở đây chỉ cần vắng bàn tay con người dăm hôm đã lan rất nhanh, hơn bất cứ loài thực vật nào khác. Giếng bỏ không, nền nhà cũ làm cho bức tranh buồn mang tên: Xóm vắng thêm cám cảnh.
Xóm trưởng Đặng Hồng Thi bên giếng hoang . |
Xóm không đám cưới, không trẻ con bên sông Ngàn Phố
Rời Hương Khê, tôi đến xóm Giữa, xã Sơn Trung của huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nhiều năm nay, xóm Giữa hầu như không đám cưới, không tiếng trẻ khóc vì thanh niên đã đi làm ăn xa hết. Xóm Giữa thỉnh thoảng vang tiếng kèn trống đám ma người tạ thế, mà tiếng trẻ chào đời thì vẫn bặt đi.
Để xóa đi cái sự bất bình thường đáng buồn ấy, ông Nguyễn Thành Nhân, công tác ở UBND huyện Hương Sơn đã nảy ra sáng kiến: Dùng khu đất trống giữa xóm để xây nhà trẻ. Nhà trẻ xây xong, xóm Giữa bắt đầu có tiếng trẻ bi bô, nhưng toàn trẻ con các xóm lân cận!
Ông Nhân thở dài: “Dân đang bỏ quê mà đi gần hết rồi. Quê tôi có “đặc sản” lụt lội, rừng bị chặt phá tan hoang, chỉ cần mưa to vài trận, lúa, hoa màu đều bị mất trắng”.
Dòng sông Ngàn Phố nên thơ chảy cạnh xóm 6, xóm Giữa thỉnh thoảng lại cuộn mình ngầu đục cuốn trôi bao nhiêu màu xanh trên cánh đồng. Nhiều người nông dân ở đây dẫu rất yêu con sông quê hương, nhưng rồi cũng đã đành cất bước đi miền đất khác mưu sinh...
Cụ Đặng Nhung : “Bây giờ làng như bị rỗng ruột” . |
Những cuộc ly hương không ly nông đầy nước mắt
Những người nông dân ly hương ở xóm 5, xã Phúc Đồng đều không ly nông. Họ rời bỏ quê cũng vì công thức “đói nghèo + thiên nhiên khắc nghiệt + thiếu việc làm = ly hương”. Cụ Đặng Nhung đã tổng kết về sự khắc nghiệt ấy: Đất chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn. Lúa trồng lên như đánh bạc với trời. Nông dân vất vả một nắng hai sương nhưng chỉ cần vài trận mưa to hay nắng gay gắt dăm bữa nửa tháng thì coi như mất trắng. Như năm ngoái, gặp thiên tai, ở xóm 5 nhiều gia đình không còn một hạt thóc trong nhà, hoa màu cũng chẳng có gì. Ở xóm cũng chỉ duy nhất một thứ nghề phụ rất nặng nhọc và thời vụ: phụ hồ.
Sống khó khăn, ngay từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước một số nông dân ở xóm 5 đã ra đi khỏi luỹ tre làng tìm miền đất khác. Họ vào Tây Nguyên, Bình Thuận, Đồng Nai... - những nơi đất đai màu mỡ, rộng rãi để lập nghiệp, dựng nhà, khai khẩn đất, bắt đầu cuộc sống mới. Cảm thấy cuộc sống ở miền đất mới thuận lợi hơn, họ về quê đưa cả gia đình và rủ anh em bà con vào. Cứ thế, xóm vắng dần.
“Đi Nam” hai từ đã trở nên quen thuộc với người dân ở đây. Gọi là “đi Nam” nhưng người vào Đăk Lăk làm rẫy cà phê, kẻ vô Ninh Thuận trồng nho, rồi Bình Phước, Đồng Nai, Đà Lạt... đều trở thành miền đất hứa của những người nông dân xã Phúc Đồng.
Xóm trưởng Đặng Hồng Thi cho hay: “Hai năm gần đây rộ lên những cuộc ra đi khỏi làng. Người dân dời cả nhà xuôi Nam và nhiều người có cuộc sống khá hơn. Như nhà anh Đặng Hà vào Đồng Nai, cuộc sống thay đổi hẳn, trước đây cơm không có ăn nhưng giờ đã mua được xe máy. Nhà bà Nhân ở Bình Thuận trồng thanh long cũng khấm khá. Đa số họ ly hương nhưng không ly nông, vào miền đất mới vẫn gắn bó với ruộng vườn, cày cuốc”.
Xóm 5, xã Phúc Đồng có nhiều giếng hoang như thế này. |
Hành trang trong những cuộc ra đi của người dân xóm 5 bao giờ cũng có nông cụ như cày cuốc. Thậm chí có người còn tìm mọi cách để đưa trâu bò, lợn gà theo. Ở miền quê mới, công việc của họ lại gắn với đất đai, ruộng vườn. Chỉ khác ở quê: Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa hơn.
Anh Vũ Hữu, một nông dân xóm 5 đã tới Tây Nguyên làm rẫy cà phê, nay trở về thăm quê tâm sự: “Chúng tôi ra đi mong thoát khỏi nghề nông chân lấm tay bùn, nhưng rồi vẫn phải làm bạn với cày cuốc. Thì mình có chuyên môn gì đâu ngoài cái nghề làm ruộng gia truyền. Nếu mà cày cuốc kiếm cơm thì khó đổi đời, nhưng dẫu sao vẫn dễ thở hơn cuộc sống ở quê. Dân quê mình thì cần cù chăm chỉ, lại tiết kiệm nên cũng dư dả, nhưng lại luôn thấy chông chênh, nhất là những người già, họ nhớ quê!”.
Ông Nguyễn Thành Nhân, công tác ở UBND huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã có sáng kiến dùng đất trống giữa xóm để xây nhà trẻ. Xóm Giữa có tiếng trẻ bi bô, nhưng toàn trẻ con của các xóm lân cận… Xóm 5 vang tiếng khóc, khóc nhiều nhất là những cụ già, tuổi xế chiều rời bỏ quê hương theo con cháu tới nơi xa lạ, mà biết chắc sẽ trút hơi thở cuối cùng trên đất khách. |
Đã có những cuộc chia ly đầy nước mắt diễn ra ở xóm 5. Đêm trước khi rời quê, bên ngôi nhà rỗng, đồ đạc đã chuyển hết lên xe tải để sáng sớm chuyển bánh, những tiếng khóc vang lên như nhà có tang. Khóc nhiều nhất vẫn là những người già, ở tuối xế chiều phải rời bỏ quê hương theo con cháu tới nơi xa lạ mà biết chắc sẽ trút hơi thở cuối cùng trên đất khách.
Ông Chắt ngay sát nhà cụ Đặng Nhung đã khóc cả tuần trước khi đi, khóc cả đêm trước lúc lên xe ôtô, trong hành lý mang theo còn có cả nắm đất quê. Ông Tạo bà Tân ở xóm Giữa vào độ tuổi xưa nay hiếm những vẫn phải lìa bỏ quê hương vào Cần Thơ theo con trai. Khi cất bước ra đi, ông ra điều kiện với con trai: “Phải cho cha được chết ở quê nhà”. Anh con trai hứa: Khi nào cha yếu sẽ thuê ôtô cho cha thở bình ôxy chở từ Cần Thơ về Hương Sơn.
Về miền đất mới, lại làm nghề nông, nhưng không còn cây đa, giếng nước mái đình và những tiếng gọi nhau, “râm ran chè xanh” , nhiều người già cảm thấy mình như cây cổ thụ bị nhổ rễ trồng ở dằm đất xa lạ.
Nhưng những cuộc ra đi và trở về rồi lại ra đi của những thanh niên ở xóm 5, xóm Giữa và nhiều làng xóm khác ở miền Trung thực sự có nhiều điều để nói... (Còn nữa)