'Bố' của những đứa trẻ cô đơn

Anh Y Ploi  hướng dẫn chơi đàn ghi-ta cho học trò. Ảnh: N.T
Anh Y Ploi  hướng dẫn chơi đàn ghi-ta cho học trò. Ảnh: N.T
TP - Chàng trai người Gia Rai, Y Ploi từng là giáo viên thỉnh giảng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai không giàu có về vật chất, nhưng với tấm lòng nhân hậu hiếm có, anh đã viết nên câu chuyện cổ tích của riêng mình.

Nhận nuôi 4 đứa trẻ bị bỏ rơi

Cơn gió mùa khô se sắt lùa thẳng vào ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa làng Bông Frăo (xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai). Người đàn ông rắn khỏe ngồi bên hiên nở nụ cười phúc hậu với mái tóc muối tiêu khiến anh như người sắp bước vào ngưỡng "tri thiên mệnh", dù sự thật chỉ mới 35 tuổi.

Anh là Y Ploi. “Vì mắc căn bệnh bẩm sinh không thể làm cha nên tôi không lập gia đình. Nhưng cuộc đời tôi có đến 4 đứa con nuôi. Con cái đến với tôi trong cuộc đời này là một cái duyên. Vì vậy, khi những đứa con lần lượt trở về với gia đình của chúng thì tôi nghĩ cái duyên chỉ đến đó thôi. Mình cứ sống tốt, cuộc đời vẫn sẽ tươi đẹp”, anh chia sẻ.

Hòa lẫn trong tiếng gió rì rào, giọng anh trầm đều kể về cơ duyên với những đứa con nuôi. Năm 2002, trên đường đi làm anh vô tình thấy một đứa bé bị bỏ ở bụi cây, kiến bắt đầu bu chi chít. Anh vội bế đứa trẻ đi sơ cứu rồi đi trình báo công an.

Thấy đứa trẻ ngây thơ ngơ ngác nhìn xung quanh, tình cảm thiêng liêng của người cha có vẻ như bỗng bừng lên trong anh. Anh Ploi chủ động xin được nhận cháu bé về nuôi. Lúc đầu bố mẹ anh ái ngại vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó lại đông người, nhưng rồi cả nhà cùng san sẻ yêu thương, nhường miếng cơm, manh áo để cùng nuôi đứa trẻ bất hạnh.

'Bố' của những đứa trẻ cô đơn ảnh 1 Cả thầy và trò say sưa đánh đàn

Lần đầu tiên có con, cuộc sống của anh thay đổi hẳn. Hằng ngày, anh dậy sớm lo cơm cháo, ban ngày anh nhờ người trông giúp để đến lớp dạy, cố gắng làm thêm kiếm tiền lo cho con. Anh thương đứa trẻ vừa sinh ra đã chịu thiệt thòi mà cố gắng. Đứa con này ở với anh được 10 năm thì bố mẹ tìm đến nhà xin được nhận lại. “Lúc đó tôi buồn lắm, tôi nuôi nó từ lúc nhỏ, nhìn nó biết ăn, biết cười, lớn dần lên, tình cảm đó quý lắm, thiêng liêng lắm. Lúc gia đình đón đi rồi, lòng tôi cứ buồn rười rượi”, anh bộc bạch.

Ít năm sau, một ngày trên đường đi về nhà anh thấy một đứa trẻ chừng 5 tuổi ngồi khóc trong bụi cây ven đường. Anh dỗ dành, hỏi han, dẫn đứa bé lên cơ quan chức năng trình báo rồi lại xin được đưa về nuôi. Một năm sau, gia đình đứa bé lên nhận con bị thất lạc và xin về. Đứa con thứ ba anh đưa về nuôi trong một lần đến huyện Chư Pưh biểu diễn văn nghệ. Bố mẹ mất sớm vì bệnh tật, đứa bé sống cùng ông bà, anh không đành lòng nhìn nó chịu thêm nỗi bất hạnh vì hoàn cảnh quá khó khăn. Rồi vì thương nhớ cháu, một năm sau ông bà ngoại bé lên xin cháu về lại với gia đình.

Dừng lại một lúc, giọng anh có chút nghèn nghẹn… Cái duyên lại đưa anh đến với đứa con thứ 4. Đó là cả một câu chuyện dài. Năm 2015, Trường Cao đẳng Gia Lai nơi anh giảng dạy, có một cô sinh viên vì lầm lỡ, trót mang thai nên tìm cách phá bỏ. Biết điều này, anh đã tìm gặp động viên, khuyên nhủ. Anh bảo: Tôi muốn có con mà không được. Tôi đã ngỏ ý được nuôi 2 mẹ con bạn ấy. Hằng ngày đi dạy tôi tranh thủ lo cơm nước cho bạn ấy. Hôm nào làm xa, tôi nhờ người thân nấu giúp mang qua. Đến khi sinh đứa bé được ít ngày, bạn ấy nhắn với tôi: nhờ thầy nuôi con giúp rồi đi mất tích từ đó đến nay. Tôi đưa về nuôi và đặt tên cho đứa bé là Quyên.

Và rồi đứa trẻ cũng không được ở với anh. Để cho Quyên có môi trường sống tốt hơn, Ploi đã gửi Quyên vào tu viện để các sơ nuôi dưỡng. Anh không thể chăm sóc đứa con ấy thật tốt vì những năm gần đây, mẹ anh mắc bệnh ung thư, 7 đứa em nhỏ còn đi học, bản thân anh phải thường xuyên đi khám chữa bệnh.

Lớp học đặc biệt

Dưới ánh hoàng hôn đổ dài trên những hàng thông trăm tuổi, Y Ploi ôm cây đàn ghi-ta thả hồn vào cơn gió hanh khô, những khúc hát của miền cao nguyên nắng hoang hoải.

Với Y Ploi, âm nhạc tự bao giờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình cuộc đời anh. Tốt nghiệp cấp 3, anh bắt đầu tham gia biểu diễn âm nhạc trong tỉnh. Sau đó, anh thi vào trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành thanh nhạc, nhạc cụ. Sau khi tốt nghiệp anh trở về Gia Lai làm việc và dạy nhạc ở một số trường trên địa bàn. Ngoài ra anh còn mở một số lớp dạy nhạc có thu học phí.

Năm 2002, anh nhận đứa con nuôi đầu tiên, anh quyết định mở lớp dạy đàn miễn phí cho trẻ em nghèo ở làng Bông Frăo. Sau đó anh đi dạy miễn phí ở các làng khác ở xã An Phú, Diên Phú, Biển Hồ. Mang trong mình chất nguyên sơ của đại ngàn và ngọn lửa âm nhạc Tây Nguyên, anh đã truyền đam mê âm nhạc tới nhiều em nhỏ. Những cô, cậu từ 9 đến 15 tuổi đến học anh bằng sự tự nguyện và niềm đam mê. Tiếng đàn ghi-ta hòa vào tiếng gió thổi vi vu khiến lớp học nhộn hẳn. Khoảng 20 đứa trẻ người Gia Rai được anh chỉnh tay hướng dẫn gảy đàn ghi-ta. Căn nhà mà anh dùng để dạy miễn phí ở làng Phung  này là của một người bạn tâm giao cho anh mượn phòng mở lớp. Anh dạy bọn trẻ thanh nhạc và chơi các nhạc cụ đàn óc-gan, đàn ghi-ta, trống.

Em Phếch (học sinh) cho biết: Thầy Ploi dạy rất dễ hiểu. Chúng em ở đây được học miễn phí. Nhờ biết đàn ca nên em luôn được tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường. Nhiều anh chị học thầy xong tự kiếm tiền được bằng nghề đàn hát tại các quán cà phê hay các sự kiện.

Ông Y Nới, trưởng thôn Bông Frăo cho biết: Lúc nhỏ con trai tôi từng được anh ấy dạy đàn miễn phí. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng trước đây anh Ploi vẫn nhận con nuôi, dân làng thấy thương nên cho gạo phụ giúp anh. Hiện giờ anh dạy đàn miễn phí cho nhiều trẻ con ở làng.

Theo anh Y Phiêu (trú cùng làng), nhiều người ở đây bảo rằng nhà Y Ploi như ngôi nhà cổ tích, những đứa trẻ ấy khi bất hạnh gặp được anh. Sau đó lớn dần lên, như một phép màu khiến bố mẹ chúng phải đi tìm để đón về chăm sóc.

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.