Nghị định 144 về biểu diễn nghệ thuật:

Bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, tăng hậu kiểm cuộc thi người đẹp

Bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước 1975, bỏ cấp phép cho nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn
Bỏ cấp phép ca khúc sáng tác trước 1975, bỏ cấp phép cho nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn
TP - Nghị định 144/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/12 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có nhiều thay đổi như bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, một số đổi mới về thi người đẹp, người mẫu.  

Cắt giảm thủ tục hành chính

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, gồm 5 chương và 31 điều. Nghị định này có hiệu lực từ 1/2/2021, thay thế các Nghị định 79, Nghị định 15 về biểu diễn nghệ thuật trước đó, và cắt giảm một số điều khoản tại hai nghị định khác.

Một trong những nội dung được bàn luận nhiều nhất khi xây dựng Nghị định mới là cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975. Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cho biết, nghị định mới bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975, hoặc ca khúc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài. “Điều này tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển, tạo không gian sáng tạo cho nghệ sĩ”, lãnh đạo Cục NTBD nói.

Trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật thay vì sử dụng thuật ngữ cấp phép, nay nghị định mới sử dụng thuật ngữ “có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý”. Theo đó, các đơn vị, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật cần có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm chấp thuận văn bản biểu diễn trong khuôn khổ hợp tác quốc tế ở Trung ương, UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về sự kiện diễn ra trên địa bàn. Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong thời hạn 5 ngày làm việc, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lí do.

“So với Nghị định 79, nghị định mới đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, cắt giảm 5 thủ tục như cấp phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam, cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn tại Việt Nam, cấp phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn, cấp phép thi người đẹp, người mẫu và cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu. Đối với tác phẩm âm nhạc và sân khấu, các tác giả có quyền công bố tác phẩm, nhưng khi vi phạm điều 3 về những điều cấm sẽ bị xử lý. Sự thay đổi này cho thấy bước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm phát huy tính sáng tạo của nghệ sĩ”, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục NTBD giải thích.

Thay đổi thi người đẹp

Lĩnh vực thi người đẹp, người mẫu cũng có nhiều quy định mới. Theo đó, điều kiện tổ chức thi phải có “văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, có nghĩa là UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi là đơn vị chấp thuận. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm đảm bảo hoạt động tổ chức cuộc thi theo đúng quy định pháp luật.

Một trong những điểm mới của nghị định này là cơ quan quản lý nhà nước sẽ có quyền thu hồi danh hiệu, giải thưởng của các cuộc thi nhan sắc. Điều 18 quy định về việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi người đẹp, người mẫu có ghi rõ: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thu hồi danh hiệu, giải thưởng bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi, liên hoan khi phát hiện một trong các trường hợp như danh hiệu, giải thưởng được trao tại cuộc thi, liên hoan không đúng với nội dung đề án theo hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận hoặc nội dung thông báo; cuộc thi vi phạm quy định cấm trong trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Khi có văn bản của cơ quan quản lý có chức năng thì các tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi, liên hoan phải thu hồi danh hiệu, giải thưởng đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng… Trường hợp việc thu hồi không được thực hiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định quyết định hủy kết quả cuộc thi, liên hoan sau 5 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản yêu cầu thu hồi và đăng tải thông tin hủy kết quả cuộc thi, liên hoan trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này chính là hành lang pháp lý để hoạt động biểu diễn đúng với quy định pháp luật, tránh rơi vào tình trạng không thể thu hồi giải thưởng vi phạm như đối với Lê Âu Ngân Anh tại cuộc thi Hoa hậu Đại dương trước đó.

Tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, các điều kiện, thủ tục tổ chức đưa người mẫu, người đẹp dự thi ở nước ngoài được “nới lỏng” hơn. Theo đó, người đẹp đi dự thi không nhất thiết phải đoạt các giải thưởng trong các cuộc thi trong nước. Trong trường hợp cá nhân chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo thủ tục quy định tại nghị định không sử dụng danh hiệu đạt được tại cuộc thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam.

Lãnh đạo Cục NTBD nói rằng, các quy định mới này là nỗ lực của cơ quan quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo hành lang thông thoáng cho các hoạt động nghệ thuật.

Những quy định cấm tại Điều 3, Nghị định số 144

1. Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

3. Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.

4. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.