Tàu bị bão đập nát ở đảo Phú Quý |
Đến 1 giờ, mưa bão mạnh trở lại, gió mạnh nhất hướng Đông cấp 11, độ cao sóng trung bình 2 mét. Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 4/12 đến 1 giờ ngày 5/12 là 202,9 mm.
Tàu thuyền đánh cá của dân neo đậu tại cảng như neo đậu giữa biển khơi, bị sóng to gió lớn nhồi đập, va chạm bể vỡ, lần lượt biến mất trong màn mưa và chìm sâu trong lòng biển.
Trưa 5/12, cả đảo xác xơ vì hậu quả của sóng và gió. Trên biển, ngư dân lặn ngụp trục vớt tàu thuyền; có đến 580 tàu thuyền bị chìm và gần như hư hỏng hoàn toàn.
Trong thôn xóm, 1730 nhà, 12 trường học bị tốc mái, hư hỏng. Toàn bộ đảo mất điện vì nhiều trụ điện gãy đổ, hệ thống thông tin không liên lạc được; 70 lồng bè nuôi tôm cá bị thiệt hại hoàn toàn.
Tuy đã chủ động phòng chống bão rất sớm (người dân ở vùng nguy hiểm đã được di dời, tàu thuyền đã neo đậu) nhưng đảo Phú Quý không thể làm gì khác hơn là hứng chịu hậu quả nặng nề vì bão quét ngang.
Ước thiệt hại ban đầu khoảng 185 tỷ đồng, rất may là chỉ có 6 người bị thương, có 3 người bị thương nặng. Ngay sáng 5/12, đoàn công tác Chính phủ và tỉnh Bình Thuận đã bay trực thăng ra đảo để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Trong đất liền, lượng mưa không đáng kể, gió mạnh. Đáng tiếc là tại thị xã La Gi có chị Trần Thị Thanh Lê ( sinh 1964, khu phố 4, Tân An ) và con là cháu Nguyễn Lê Văn ( sinh 1992 ) tránh bão trong nhà thờ Đồng Tiến bị tử vong do mảng tường sập. Cũng tại thị xã La Gi, nhiều gia đình thuyền viên tàu cá đang lo cho số phận người thân của họ.
Chị Nguyễn Thị Hường là chị ruột thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Dũng cho biết tàu đánh cá BTH 0477 của Dũng và 10 thuyền viên (có em ruột và cháu) ra khơi từ 16/11.
Đến trưa 3/12, Dũng điện về cho biết, khi đưa tàu vào một đảo nhỏ của Indonesia tránh bão thì bị bắt giữ. Dũng được đưa sang tàu cảnh sát, tàu BTH 0477 được móc xích kéo theo nhưng xích tuột và tàu này không biết trôi về đâu.
Vào chiều 4/12, Dũng điện báo cho chị Hường là được phía Indonesia đối xử tốt, được cấp lương thực và quần áo. Theo chị Hường, lương thực và nước uống trên tàu BTH 0477 chỉ còn đủ dùng khoảng một tuần nữa nhưng gia đình các thuyền viên đã liên lạc nhiều nơi mà vẫn chưa tìm ra tung tích con tàu.
Thống kê ban đầu, thiệt hại tòan tỉnh như sau: 2343 nhà tốc mái, hư hỏng; 70 trường học và 6 công sở hư hỏng; 624 tàu thuyền chìm; 889 ha lúa, hoa màu hư hại, chết 2 người; bị thương 18 người … Ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Đến trưa 5/12, toàn tỉnh Bình Thuận đã trời quang mây tạnh.