Bình Phước đề xuất xây sân bay, dân rầm rộ kéo nhau mua bán đất

Cò đất giao dịch sang nhượng quyền sử dụng đất tại khu vực sân bay ảnh: HƯƠNG CHI
Cò đất giao dịch sang nhượng quyền sử dụng đất tại khu vực sân bay ảnh: HƯƠNG CHI
TP - Những ngày qua, khi thông tin tỉnh Bình Phước xây sân bay lưỡng dụng tại huyện Hớn Quản được công bố, giá đất tại đây liên tục nhảy múa. Dòng người ùn ùn từ các nơi đổ về đây “săn” đất. 

Sốt đất

“Giá đất tại đây tăng chóng mặt, một số mảnh đất (cách vị trí được cho là cổng sân bay khoảng 1 km - PV) có giá ban đầu từ 150 đến 200 triệu/450-500 m2, nhưng hôm nay (26/2) đã lên đến 800 đến 1 tỷ đồng tùy từng vị trí. Tôi và bạn bè đang tìm “nguồn hàng” để môi giới”, ông Trần Văn Hùng, một người môi giới bất động sản ở Bình Dương nói. Ông Hùng cho biết, những ngày qua, ngay sau khi có thông tin Bình Phước đề xuất lập dự án sân bay Técníc Hớn Quản thì ông và nhiều đồng nghiệp, bạn bè đến đây để tìm hiểu thị trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, một nhà đầu tư đất ở TP.HCM cũng cho biết: “Khi nghe tin Hớn Quản xây sân bay, tôi đến tìm hiểu và mua được lô đất 300m2 giá 1,7 tỷ đồng nhưng mới chỉ đặt cọc 50 triệu đồng”. Bà Thúy kể: “Hôm qua, nghe ông bạn cò đất nói, chỉ từ cuối giờ trưa đến đầu giờ chiều, mua đi bán lại một mảnh đất diện tích hơn 700 m2 (tại vị trí được cho là cổng sân bay) mà lời đến hơn nửa tỷ đồng. Cụ thể, bà mua vào 3,2 tỷ đồng, bán ra 3,8 tỷ đồng”. Ông Trần Văn Công (42 tuổi), sống tại Bình Dương nói: “Nghe hấp dẫn quá, tôi từ Bình Dương chạy lên xem sao”. Ông cho biết, từ trước đến nay, ông chưa từng thấy cảnh ô tô nối đuôi nhau về Hớn Quản như hiện tại.

Trong vai người có nhu cầu tìm mua đất, chúng tôi được một người tên Trường khoảng 30 tuổi, ăn mặc lịch sự niềm nở giới thiệu về một lô đất 4.300m2 gần vị trí xây dựng sân bay, thuộc xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản. “Anh mua nhanh tay đi, kẻo tí lại có người mua mất. Hôm qua, em bán cho một người lô đất 200m2 giá 1,1 tỷ đồng, hôm nay đã tăng lên 1,9 tỷ đồng”, Trường nói và chào lô nông nghiệp 4.300m2 giá đến 4,9 tỷ đồng.

Không chỉ quanh khu vực quy hoạch sân bay, tuyến khu vực đường ĐT 753 cũng nhộn nhịp cảnh mua bán đất. Chúng tôi vào một căn nhà cấp 4 có mặt tiền dài gần 20m bên tuyến ĐT.753 đoạn qua ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú hỏi thăm, vì thấy có biển bán nhà. Bà Trần Thị Hà chủ nhà cho biết, căn nhà này đang được rao bán với giá 4 tỷ đồng.

“Chiều nay có người đến xem nhà rồi. Qua “cò” nên phải đúng giá 4 tỷ đồng tôi mới bán”, bà Hà nói. Hỏi thăm những căn nhà xung quanh, giá đất hầu hết đều ở mức từ 150 đến 180 triệu đồng/m ngang. “Đất gần sân bay, trước đây rẻ, ít người mua, giờ rao bán tiền tỷ. Con tôi bảo, năm trước nếu để lại mảnh đất 400m2 cận nhà thì nay tôi đã thành “đại gia” rồi”, bà Nguyễn Thị Man (52 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) nói.

Nguy cơ nhận “quả đắng”

Trước hiện tượng sốt đất tại huyện Hớn Quản, ông Đinh Hải Ninh, Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Phước (trụ sở tại Bình Dương) cho biết, rủi ro tiềm ẩn trong các giao dịch mua bán đất quanh dự án sân bay là rất lớn. “Những ngày qua, hiện tượng Hớn Quản (Bình Phước) làm tôi liên tưởng đến cơn sốt đất ở huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) cách đây 1 năm, khi nơi này có thông tin về một tập đoàn lớn đến khảo sát để làm dự án bất động sản. Những người bỏ tiền mua đất, giờ ôm nợ vì không bán được khi dự án ngủ quên”, ông Ninh nói.

Luật sư Lê Minh Hùng (đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) cảnh báo, nhà đầu tư nên có cái nhìn toàn diện hơn để có quyết định chính xác, hạn chế rủi ro. Theo ông Hùng, Bình Phước mới khảo sát lập quy hoạch để trình xin ý kiến dự án sân bay này. Dự án cũng chưa được cho vào quy hoạch mạng lưới sân bay quốc gia, nếu được chấp thuận, khả năng sẽ được đưa vào quy hoạch sau năm 2030.

 Ngoài ra, đây là mô hình sân bay lưỡng dụng (phục vụ kinh tế và quân sự), thực địa khu vực cho thấy sẽ phù hợp hơn với mục đích quốc phòng an ninh (do mật độ dân thấp và nhu cầu chưa cao), nếu đi vào hoạt động các hãng hàng không cũng không mặn mà dẫn đến các chặng khai thác hạn chế. Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối khu vực hiện tại chưa đồng bộ, các tuyến kết nối liên vùng chưa nhiều.

Ngày 26/2, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Phan Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản xác nhận: Sau khi Bình Phước khảo sát khu vực sân bay Técníc Hớn Quản, nhiều đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai trong và ngoài tỉnh lợi dụng để tụ tập đông người, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế. Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, lây nhiễm dịch bệnh; làm cho nông dân bán đất sản xuất. Bà Oanh cũng cho biết, UBND huyện Hớn Quản có văn bản chỉ đạo các địa phương quanh khu vực dự án sân bay về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý; đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng.

“Ngoài các xã Tân Lợi, An Khương, nhiều khu vực ở các xã Minh Đức, Tân Hiệp, Minh Tâm, An Phú, Đồng Nơ là đất nông nghiệp nhưng một số đối tượng thực hiện san ủi xây đường giao thông trái phép, cơ quan chức năng đang làm việc và sẽ xử lý nghiêm. UBND huyện kiên quyết không công nhận các đường dân tự mở để phân lô, bán nền. Địa phương nào để dân tự ý mở đường phải chịu trách nhiệm. Ai có nhu cầu mua đất phải đến cơ quan chức năng tìm hiểu để tránh mất tiền oan”, ông Nguyễn Vũ Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản khuyến cáo. 

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.